Theo truyền thông Mỹ, chỉ trong vài tuần qua, ông Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng New York đồng thời là ứng cử viên của đảng Dân chủ, đã chi tới 120 triệu USD cho các hoạt động quảng cáo trên truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số phục vụ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, qua đó trở thành một trong những ứng cử viên “chịu chi” nhất vào thời điểm hiện tại. Michael Bloomberg chẳng phải cái tên xa lạ trong giới lắm tiền nhiều của ở xứ cờ hoa. Ông là một trong những người giàu nhất nước Mỹ và thế giới với khối tài sản lên tới hơn 54 tỷ USD, và cũng được biết đến rộng rãi với vai trò nhà sáng lập của tập đoàn truyền thông đình đám Bloomberg.
Khoản tiền 120 triệu USD tất nhiên chỉ như “muối bỏ bể” so với khối tài sản khổng lồ mà Michael Bloomberg sở hữu. Điều khiến người ta băn khoăn hơn cả là liệu với phong cách mạnh chi như vậy, cơ hội trở thành chủ nhân Nhà Trắng dành cho tỷ phú 77 tuổi này trong cuộc bầu cử vào năm tới liệu có tăng lên?
Câu trả lời là 50-50! Bởi, lịch sử các kỳ bầu cử ở Mỹ cho thấy, số tiền mà các ứng cử viên đổ vào chiến dịch tranh cử không phải yếu tố tiên quyết đối với cơ hội chiến thắng của họ. Đơn cử như trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Donald Trump đã tạo nên một “trận động đất tại thùng phiếu” và trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, cho dù số tiền mà ông bỏ ra trong suốt chiến dịch tranh cử ít hơn rất nhiều so với đối thủ-cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Các chuyên gia bầu cử cũng chỉ ra rằng, có gần 40% số cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ mà người chi nhiều tiền hơn rốt cuộc vẫn trở thành kẻ chiến bại. Nói cách khác, số tiền mà các ứng cử viên ném vào chiến dịch tranh cử không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với số phiếu ủng hộ mà họ nhận được. Chuyện thành bại trong các kỳ bầu cử còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như nghệ thuật tranh cử, khả năng thu hút và thuyết phục cử tri…
Nhưng muốn thu hút sự chú ý của cử tri, muốn đánh bóng tên tuổi và tài năng của mình, các ứng cử viên cần có tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên có khi ngốn tới cả tỷ USD, chủ yếu là để chi trả tiền lương cho các nhóm vận động tranh cử và việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông… Thống kê cho thấy trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chi khoảng 66 triệu USD để vận hành bộ máy truyền thông, quảng bá hình ảnh, quảng cáo trên các kênh thông tin, chưa kể chi phí 5,5 triệu USD/tháng cho đội ngũ điều hành chiến dịch tranh cử của bà gồm… 800 người. Tương tự, ông Donald Trump cũng phải thanh toán hàng triệu USD mỗi tháng cho khoảng 350 nhân viên và các nhà tư vấn tranh cử, và có thời điểm chỉ trong vòng một tháng, ông bỏ ra 23 triệu USD tiền quảng cáo.
Như một guồng quay tự nhiên, trước mỗi kỳ bầu cử ở Mỹ, các ứng cử viên lại ráo riết đi tìm các nguồn tài trợ, gom tiền và rồi chi tiền, dù họ đều hiểu rằng, chẳng phải lúc nào đồng tiền cũng đi liền với lá phiếu. Đó là một trong những thực tế khiến bầu cử ở Mỹ chưa bao giờ mất đi tính hấp dẫn và khó đoán.
VŨ HÙNG