Người dân địa phương gọi các cột đá này là "7 người khổng lồ". Khoảng 200 triệu năm trước, vùng đất này từng là một dãy núi cao chót vót. Nhưng do sự ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên như mưa, tuyết, gió, băng giá và nhiệt độ, các ngọn núi dần bị xói mòn và phong hóa, đặc biệt là những phần đá mềm. Những phiến đá sericit-thạch anh khá cứng cáp, chịu được nhiều áp lực nên vẫn còn sót lại, tạo thành 7 ngọn tháp đứng giữa đồng bằng rộng lớn. Trong số đó có một cột khác biệt với những cột còn lại, phần chân hẹp và phần thân giống như chiếc bình lớn bị úp ngược. 6 cột khác xếp thành một hàng ở mép của một vách đá.
|
|
Quần thể gồm 7 cột đá khổng lồ nằm trên đỉnh núi trong vùng Ural. Ảnh: Andrey Podkorytov
|
Theo truyền thuyết, 7 cột đá Manpupuner giữa cao nguyên chính là những gã khổng lồ bị hóa đá sau cuộc gặp gỡ định mệnh với thầy mo mặt trắng. 6 trong số này là thành viên trong một gia đình người khổng lồ Samoed. Họ đang trên đường làm nhiệm vụ băng qua dãy núi để tiêu diệt bộ tộc Mansi. Tuy nhiên, họ gặp phải một phù thủy da trắng tên là Yallinger. Người này đã biến các chiến binh khổng lồ thành cột đá. Yallinger cũng tự biến mình thành đá sau đó, mặt đối mặt với 6 chiến binh. Và đó là những gì mà chúng ta nhìn thấy từ vị trí của những cây cột đá Manpupuner. Từ đó, 7 kiệt tác được hình thành ở khu vực này, với một ngọn tháp quay mặt về phía 6 ngọn kia.
Quần thể đá Manpupuner có ý nghĩa văn hóa và tâm linh lớn đối với người dân bản địa. Các cột đá được coi là linh thiêng với người Mansi và không ai được phép leo lên trên.
Là một trong 7 kỳ quan của Nga, hệ thống đá Manpupuner thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, dù không được quảng bá rộng rãi và khó tiếp cận vì nằm ở vùng xa xôi và khắc nghiệt.
Để có thể chiêm ngưỡng kỳ quan này, du khách phải vượt qua nhiều khó khăn. Khách du lịch chỉ có thể đến được đây bằng cách đi trực thăng hoặc đi bộ hàng chục cây số qua khu vực hoang vu. Quần thể đá Manpupuner vẫn còn rất hoang sơ và ít bị ảnh hưởng bởi con người.
Các du khách khi tới thăm 7 cột đá này thường rất thích áp tai vào nó để lắng nghe những âm thanh phát ra từ bên trong. Người dân bản địa cho rằng, nhiều năm nay, những cây cột đá này vẫn đang trò chuyện với nhau.
QUỲNH TRANG