Nhóm nhà khoa học từ Cơ quan Công viên quốc gia Mỹ (NPS), Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), Đại học California, Davis (UC Davis) và một số tổ chức công bố những phát hiện mới về các dòng sông và suối chuyển sang màu cam của Alaska sau gần hai năm lấy mẫu và nghiên cứu.

Nhà sinh thái học Jon O'Donnell từ NPS, tác giả chính của nghiên cứu, lần đầu tiên thấy hiện tượng kỳ lạ ở Alaska vào năm 2018. Dòng sông mà ông quan sát chuyển màu cam dù một năm trước vẫn rất trong. Số lượng sông, suối chuyển màu ngày càng nhiều lên, giờ thậm chí có thể quan sát được từ không gian.

Giáo sư dự bị Brett Poulin tại UC Davis đánh giá về hiện tượng kỳ lạ này: “Đó là tác động không lường trước được của biến đổi khí hậu mà chúng ta đang thấy ở một số con sông nguyên sơ nhất tại Mỹ”.

leftcenterrightdel
 

Dòng suối chuyển màu cam tại phía Bắc Alaska. Ảnh: Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) 

Cộng đồng khoa học cho rằng sự tan chảy của tầng đất đóng băng vĩnh cửu rất có thể là thủ phạm. Với khí hậu ấm lên, tình trạng này tại Alaska đang diễn ra nhanh hơn. Các quặng kim loại mắc kẹt trong băng hàng trăm đến hàng nghìn năm sẽ phản ứng khi tiếp xúc với oxy và nước, giải phóng axit và kim loại trực tiếp vào sông, suối lân cận. Trong khi sông, suối có thể tự làm sạch một cách tự nhiên và tầng đất đóng băng vĩnh cửu có thể đông cứng, biến đổi khí hậu đang khiến quá trình này khó diễn ra hơn.

Sự phong hóa của các khoáng chất sunfua đang tạo ra môi trường có tính axit và ăn mòn, khiến nhiều kim loại được giải phóng hơn. Do đó, họ thu được các mẫu có hàm lượng sắt, kẽm, niken, đồng và cadmium cao. Một trong những kim loại phổ biến nhất là sắt. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự chuyển màu.

Phân tích các mẫu thu thập được cho thấy những dòng sông màu cam ngày càng có tính axit do hỗn hợp khoáng chất chảy vào. Một số mẫu có độ pH là 2,3, trong khi sông, suối "khỏe mạnh" trong vùng có độ pH trung bình là 8.

Khi khí hậu tiếp tục ấm lên, tầng đất đóng băng vĩnh cửu sẽ tiếp tục tan chảy. Do đó, bất cứ nơi nào có những loại khoáng chất này, sông, suối đều có khả năng chuyển sang màu cam và suy giảm chất lượng nước. Những dòng nước màu cam này có thể gây ra nhiều vấn đề, không chỉ độc hại mà còn cản trở cá di cư đến nơi sinh sản.

Nhóm nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về ảnh hưởng của sông, suối màu cam đến sinh vật hoang dã sống dựa vào chúng cũng như đến các cộng đồng nông thôn Alaska tới lấy nước uống và đánh bắt cá. Nhóm nghiên cứu chia sẻ rằng họ đang hợp tác chặt chẽ với các liên lạc viên bộ lạc thổ dân ở Alaska để bảo đảm cộng đồng địa phương có được thông tin chính xác về hiện tượng này.

MAI HÀ