Maria Salomea Skłodowska (1867-1934) là một nhà vật lý và hóa học nổi tiếng người Ba Lan. Đam mê khoa học từ nhỏ nên khi đến tuổi trưởng thành, bà đến Paris vừa học vừa kiếm tiền.

Tại đây, bà nên duyên cùng Pierre Curie, một nhà khoa học tài ba, người tiên phong trong lĩnh vực tinh thể học, từ học, điện học và phóng xạ học. Chính Pierre Curie đã làm Marie Curie (tên sau kết hôn) thoát khỏi suy nghĩ vốn có do định kiến xã hội: Phụ nữ không thể làm khoa học.

leftcenterrightdel

 Vợ chồng Marie Curie và Pierre Curie. Ảnh tư liệu

Năm 1903, bà nhận giải Nobel Vật lý cùng chồng cho các nghiên cứu về bức xạ. Vào năm 1911, bà nhận giải Nobel Hóa học cho công trình tìm ra hai nguyên tố phóng xạ radium và polonium. Trong đó, polonium được bà đặt tên theo đất nước Ba Lan của mình (Poland).

Marie Curie trở thành nhà khoa học nữ đầu tiên trên thế giới đoạt được giải thưởng Nobel. Đồng thời, bà cũng là nhà khoa học đầu tiên trên thế giới giành tới hai giải Nobel ở hai lĩnh vực khác nhau.

Marie Curie không phải là thành viên duy nhất trong gia đình có những đóng góp đáng kể cho khoa học và xã hội được Viện Hàn lâm Thụy Điển ghi nhận. Gia đình Curie đã giành được tổng cộng 5 giải thưởng Nobel.

leftcenterrightdel

5 người trong gia đình Curie được trao giải Nobel. Ảnh tư liệu 

Con gái của Marie Curie, Irène Joliot-Curie, nối tiếp truyền thống gia đình và trở thành nhà khoa học lỗi lạc. Irène Joliot-Curie sinh năm 1897 tại Paris. Năm 1918, sau khi tốt nghiệp trung học, bà gia nhập Viện Nghiên cứu Radium để phụ tá cho mẹ về nghiên cứu phân hạch hạt nhân. Chính trong khoảng thời gian này, bà đã gặp chồng mình là Frédéric Joliot-nghiên cứu sinh tại Collège de France.

Năm 1935, Irène Joliot-Curie và Frédéric Joliot-Curie được trao giải Nobel Hóa học cho công trình tổng hợp các nguyên tố phóng xạ mới. Khám phá của họ đã mở đường cho sự phát triển của năng lượng hạt nhân và dẫn đến những tiến bộ quan trọng trong y học, bao gồm cả việc sử dụng các đồng vị phóng xạ trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Người con còn lại của bà Marie Curie là Eve Curie (1904-2007) lại không theo đuổi con đường khoa học của gia đình.

Eve Curie thích các môn xã hội và thích viết lách, về sau là nhà văn, nhà báo và nghệ sĩ piano. Sau khi mẹ bà qua đời, Eve Curie là người chấp bút viết một cuốn sách về nhà khoa học vĩ đại Marie Curie.

Năm 1954, Eve Curie kết hôn cùng Henry Richardson Labouisse (1904-1987), một nhà ngoại giao, nhà hoạt động xã hội người Mỹ. Ông là Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trong nhiều năm.

Trong năm 1965, tổ chức UNICEF được trao tặng giải Nobel Hòa bình vì việc khích lệ tình thương, sự tương trợ giữa các quốc gia. Trên vai trò giám đốc, người con rể của Marie Curie vinh dự thay mặt UNICEF nhận giải thưởng cao quý này.

NGỌC ÁNH