Được mệnh danh như một kỳ quan cổ đại, cột sắt Qutub Minar cao 7,21m, có đường kính 41cm và nặng khoảng 6 tấn. Công trình này được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 5, dưới thời trị vì của Chandragupta II, một trong những vị hoàng đế quyền lực nhất của Đế chế Gupta.
Ban đầu cột sắt Qutub Minar là một phần thuộc đền Muttra, với thần tượng Garuda trên đỉnh. Tuy nhiên sau khi ngôi đền Hindu này bị Qutb-ud-din Aybak phá hủy để xây dựng đền thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam thì cột sắt Qutub Minar là phần duy nhất còn sót lại.
|
|
Cột sắt Qutub Minar. Ảnh: OC
|
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học và thợ kim khí từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra nhiều giả thuyết về đặc tính của kỳ quan này. Đã có thời điểm nhiều người tin rằng cây cột không gỉ này được làm từ một số kim loại bí ẩn không phải đến từ trái đất. Một số người khác lại suy đoán rằng những người thợ làm ra nó đã sử dụng một kỹ thuật của tương lai, nhưng đã bị thất truyền theo thời gian. Cuối cùng thì các chuyên gia của viện Công nghệ Ấn Độ IIT cũng đã giải mã được bí ẩn làm nên sự trường thọ của cây cột sắt Delhi. Quan sát qua kính hiển vi siêu nhỏ, họ phát hiện ra một lớp "áo khoác" cực mỏng bao phủ toàn bộ bề mặt cây cột này.
Lấy mẫu về nghiên cứu, thành phần của lớp vỏ ấy được xác định là một hợp chất của sắt, oxy và hidro. Chính hợp chất này đã ngăn cản không cho kim loại sắt của chiếc cột tiếp xúc với không khí. Nhờ đó, phản ứng ăn mòn do phản ứng hóa học không thể xảy ra.
Phân tích đồng vị phóng xạ cũng chỉ ra rằng, lớp bảo vệ này bắt đầu được hình thành khoảng 3 năm sau khi cột sắt được chế tạo, tức tuổi thọ của chúng cũng tương đương với tuổi thọ của cây cột. Trong suốt hơn một thiên niên kỷ ấy, chúng liên tục dày lên qua từng năm với tốc độ rất chậm. Sau 1.600 năm, đến nay lớp vỏ này mới chỉ đạt độ dày khoảng 1/20mm. Lớp vỏ bảo vệ quý giá được một nhóm nghiên cứu công bố khiến giới khoa học trên toàn thế giới phải bất ngờ: Chính công nghệ luyện kim lạc hậu thế kỷ thứ 4 đã vô tình tạo ra hợp chất này. Tiến sĩ Balasubramanian-Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm của ông đã tìm thấy một hàm lượng chất phốt pho cao bất thường trong mẫu sắt thu thập từ cây cột này.
Tỷ lệ phốt pho phân tích được hơn 1%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ phốt pho trong các loại sắt hiện đại ngày nay, vốn chỉ dưới 0,05%. Chính hàm lượng phốt pho cao này đóng vai trò như chất xúc tác, thúc đẩy các phản ứng tạo nên chất bảo vệ nói trên. Người Ấn Độ cổ đại đã trộn than đá với quặng sắt để rút ngắn thời gian nung luyện. Với cách làm này, chất phốt pho có trong quặng sắt sẽ không thể bị tách hết được và nằm lại trong sắt thành phẩm.
Trong khi đó, với công nghệ luyện sắt hiện đại bằng lò cao, có thể khử được hàm lượng phốt pho xuống rất thấp. Chính sự tinh khiết do công nghệ hiện đại tạo ra đã khiến sắt thời nay không thể có được sự trường tồn như cột thép Delhi.
MINH ANH