Người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết đây có thể là hóa thạch hoàn chỉnh thứ 2 của khủng long Herrerasauridae tính đến nay. Nhóm các nhà cổ sinh vật học từ Đại học liên bang Santa Maria mất 4 ngày khai quật để tách lớp đất đá chứa hóa thạch khủng long gần như hoàn chỉnh và đưa về trung tâm nghiên cứu.

Herrerasauridae là một trong những họ khủng long lâu đời nhất trái đất. Chúng được biết đến khi những nhà khoa học phát hiện các hóa thạch có niên đại từ 231,4 triệu năm trước. Hóa thạch gồm các mảnh xương vỡ của Herrerasaurus được phát hiện lần đầu vào đầu thập niên 1960. Đến năm 1988, khi một số bộ xương hóa thạch của Herrerasauridae được tìm thấy trong hệ tầng Ischigualasto ở phía Tây Bắc của Argentina. Hóa thạch này có niên đại thuộc Kỷ Tam Điệp cách đây khoảng 250-300 triệu năm.

leftcenterrightdel
   

  Đồ họa mô phỏng ngoại hình của khủng long Herrerasauridae. Ảnh: Getty 

Điều đó giúp các nhà nghiên cứu có thể hoàn thành phác họa đầu tiên về con vật. Đây là động vật đi bằng hai chân có đuôi dài được tìm thấy trong khu vực ngày nay là Brazil và Argentina.

Theo mô phỏng của các nhà cổ sinh vật học, Herrerasauridae có chiều dài khoảng 3m, cao 1m và nặng 180kg. Chúng có hai chi sau mạnh mẽ với đùi ngắn, bàn chân khá dài. Đây là các đặc điểm giúp chúng chạy nhanh. Hai chi trước của khủng long Herrerasauridae ngắn, có móng vuốt, nhiều khả năng để cấu xé và tóm lấy con mồi. Chúng cũng có một khớp linh hoạt ở hàm dưới có thể trượt qua lại, giúp tạo ra cú cắn và giữ chặt mồi trong khoảng thời gian nhất định. Đặc điểm này có thể được tìm thấy ở một số loại thằn lằn, nhưng lại không xuất hiện ở các loài khủng long sau này.

Loài này phân bố chủ yếu tại lục địa Nam Mỹ và cũng được tìm thấy ở Bắc Mỹ. Điểm thú vị của Herrerasauridae là chúng không được coi là tổ tiên của bất kỳ nhóm khủng long nào sau này nhờ sở hữu các đặc điểm rất riêng, nằm ở xương chậu, đốt sống lưng, xương bàn tay, ngón tay.

Mặc dù việc phát hiện hóa thạch quý giá lần này có thể được xem là một may mắn. Nhưng thời tiết khắc nghiệt có lúc đã là nguy cơ gây nguy hiểm cho các nhà cổ sinh vật học trong nỗ lực khai quật. Không chỉ vậy, mưa lớn sinh ra lũ lụt cũng phần nào phá hủy một đoạn xương chậu và xương chân của hóa thạch, khiến việc tập hợp chúng thành một khối thống nhất càng trở nên khó khăn. 

THANH HƯƠNG