Công trình Điêu khắc trên đá Đại Túc là một tập hợp tác phẩm điêu khắc tôn giáo được khởi công từ thời Đường (năm 892) trải qua năm triều đại, chủ yếu tập trung trên núi Bảo Đỉnh và vách núi Bắc Sơn, hoàn thành vào thời kỳ lưỡng Tống (năm 1162). Nơi này tập trung nhiều bức tượng lớn được điêu khắc trên đá trong các hang động theo 3 trường phái Tống Nho, Phật giáo và Đạo giáo, tổng cộng có hơn 50.000 bức tượng lớn nhỏ, được phân bổ ở hơn 40 địa điểm trải dài trong huyện Đại Túc. Các bức tượng ở đây đều được chạm khắc trên vách núi với diện tích chạm khắc 3.600m². Tượng khắc đá Đại Túc không chỉ quy mô lớn mà còn nổi bật với nghệ thuật điêu khắc tinh tế, đa dạng.

leftcenterrightdel

Công trình điêu khắc trên đá Đại Túc. Ảnh: Xinhua/Wang Quanchao 

Khám phá vùng đất linh thiêng của Phật giáo, Tượng khắc đá Đại Túc gồm vịnh Đại Phật, Tiểu Phật, tháp nghiêng, núi Long Đầu, núi Thù Thủy, dốc Hoàng Giác, Cao Quan Âm, núi Quảng Đại, dốc Tùng Lâm, vách Phật tổ, Long Đàm và Phật đối mặt. Mỗi địa điểm đều là một cảnh quan tâm linh với di sản văn hóa độc đáo. Trong các cảnh quan tuyệt vời đó, vịnh Đại Phật được đánh giá là tuyệt phẩm lớn nhất. Vịnh hình vó ngựa, dài 500m, rộng 15-30m, trưng bày hơn 1 vạn pho tượng và bia ghi chép lịch sử của Phật giáo. Cùng với lịch sử hình thành tạc tượng trên núi Bảo Đỉnh, vịnh Đại Phật thực sự là kho báu nghệ thuật và di sản văn hóa độc đáo.

Tượng khắc đá Đại Túc chủ yếu tập trung trên núi Bảo Đỉnh và vách núi Bắc Sơn, quy mô lớn và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, các hình thái của 5 vạn pho tượng tại đây rất phong phú. Nội dung được truyền tải chung của các pho tượng có đặc trưng chung là "Người hóa thần, thần hóa người". Bên cạnh tượng Phật thì ở Đại Túc còn sở hữu nhiều bức tượng có hình dáng gần gũi với cuộc sống sinh hoạt của người dân. 

Các chuyên gia đánh giá rằng, tượng khắc đá Đại Túc là đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật hang đá thế giới có trình độ rất cao trong khoảng thế kỷ 9-13. Một số tượng đá ở Đại Túc cũng chính là các tác phẩm cuối cùng của một giai đoạn phát triển trong nghệ thuật Phật giáo xưa kia.

 Trong quần thể tượng khắc đá ở Đại Túc, có một pho tượng Quan Âm đặc biệt với cánh tay, được gọi là "thiên hạ kỳ quan". Thợ chạm khắc muốn truyền đạt rằng Quan Âm có sức mạnh vô hạn và phép thuật siêu phàm. Khi chiêm ngưỡng tượng khắc đá Đại Túc ta cảm nhận được bầu không khí linh thiêng. Các tác phẩm khắc đá ở Đại Túc còn thể hiện được sự khéo léo vận dụng những nguyên lý khoa học như: Vật lý, quang học, lực học nhằm tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên từ nham thạch, nguồn nước... 

Trải qua 800 năm tồn tại, di sản văn hóa này vẫn là một ánh sáng văn minh của Phật giáo xưa kia, là minh chứng hùng hồn cho sự tài ba, khéo léo của những người thợ cách đây nghìn năm. Ngày nay, tượng khắc đá Đại Túc đã thu hút đông đảo du khách đến hành hương và thực hiện các nghi thức tôn giáo.

VÂN SƠN