Với tổng diện tích hơn 420km2, nằm ở Đồng bằng sông Hoàng Hà, núi Thái Sơn gồm nhiều dãy núi hùng vĩ, trập trùng, vách đá dựng đứng, rừng cây cổ thụ xanh tươi, những thác nước trong vắt tựa như những dòng suối ngọc chảy giữa đất trời lung linh huyền ảo.

Trong quần thể núi Thái Sơn có nhiều đỉnh. Đỉnh chính là đỉnh Ngọc Hoàng, có độ cao 1.545 mét so với mặt nước biển. Nếu so sánh với đỉnh Fansipan (Việt Nam) cao 3.143m và “nóc nhà thế giới” Everest cao 8.850m thì núi Thái Sơn thấp hơn nhiều. Dù vậy, núi Thái Sơn vẫn là biểu tượng của nền văn minh và tín ngưỡng Trung Quốc cổ đại và cả đương đại. 

leftcenterrightdel
       

Đỉnh núi Thái Sơn có rất nhiều đình đài, miếu mạo và những công trình kiến trúc độc đáo. Ảnh: kimlientravel 

Truyền thuyết về núi Thái Sơn, theo sách Thuật Dị Ký của Nhiệm Phưởng, thế kỷ 6, viết: “Ngày xưa khi Bàn Cổ chết, truyền rằng đầu của Bàn Cổ là Đông nhạc, bụng là Trung nhạc, tay trái là Nam nhạc, tay phải là Bắc nhạc và hai chân là Tây nhạc. Các văn nhân ngày xưa kể rằng nước mắt của Bàn Cổ là sông, hơi thở là gió, giọng nói là sấm, đồng tử trong mắt là ánh sáng...”.

Theo thần thoại Trung Hoa, Bàn Cổ là vị thần đầu tiên sáng tạo ra thế giới, vạn sự vạn vật trong trời đất. Khi Bàn Cổ chết, đầu, mình, tay, chân biến thành năm ngọn núi, gọi là Ngũ nhạc (bao gồm: Hằng Sơn, Hành Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn nằm ở hướng Đông, nơi mặt trời mọc, tương truyền là đầu của Bàn Cổ hóa thành. Do đó, núi Thái Sơn là biểu tượng cho sự ra đời, sáng tạo và hồi sinh. 

Bên cạnh đó, trên núi Thái Sơn còn có rất nhiều đền đài và các công trình kiến trúc độc đáo như: Đền Đại, đầm Vương Mẫu, cửa Nam Thiên, đền Bích Xá, cung Đấu Mẫu, lầu Xích Thiên... đều là các công trình kiến trúc cổ nổi tiếng và có giá trị nghệ thuật.

Từ những giá trị văn hóa và lịch sử trên, trong tâm thức người Trung Quốc và Á Đông nói chung, từ bao đời nay, núi Thái Sơn biểu trưng cho sự linh thiêng, to lớn, cao cả, vững chãi, phát tiết, sinh trưởng là yếu tố dương trong quan hệ âm dương, hai thành tố cơ bản của vũ trụ và cấu trúc vạn sự vạn vật. Vì vậy mà người xưa ca ngợi “Công cha như núi Thái Sơn”.

Thật khó có thể cảm nhận được vẻ đẹp và sự hùng vĩ của núi Thái Sơn nếu như không leo lên đỉnh; giống như một cái thang lên trời với 6.600 bậc đá. Theo các nhà địa chất thì núi Thái Sơn bắt đầu xuất hiện trong khoảng từ 2,45 tỷ năm đến 2,5 tỷ năm trước đây. Leo lên cao trên núi Thái Sơn theo những bậc thang đá, du khách thấy được sự hùng vĩ và những tảng đá có hình thù kỳ lạ, giống như hình cái đầu, cái cột. Nhiều tảng đá xếp lại thành hình bông sen đang nở hoặc hình con vật trong tư thế rất sinh động. Đá phát ra những màu xanh, đỏ, vàng, trắng trông thật vui mắt. Xen giữa những khối đá kỳ lạ là nhiều cây đại thụ. 

Theo sử sách, núi Thái Sơn có hơn 10.000 cây đã sống hơn một thế kỷ và ít nhất 3.300 cây có tuổi 330-1.000 năm hoặc hơn thế. Đặc biệt có cây ngân hạnh với niên đại 2.000 năm tuổi được mệnh danh là “hóa thạch sống” cho hệ thực vật tiêu biểu của núi Thái Sơn. Năm 1987, núi Thái Sơn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới. 

AN YÊN