Tháng tư vấn vương, khi hàng trăm người thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19 tại đây phải tạm biệt cán bộ, chiến sĩ và đội ngũ y sĩ, bác sĩ đã tận tình phục vụ mình suốt bao ngày qua. Giờ đây, những nụ cười, những giọt nước mắt chia tay, những bó hoa tươi thắm trao gửi và những dòng lưu bút dạt dào cứ bịn rịn, níu kéo kẻ ở, người đi...

Chăm sóc công dân như chăm sóc người thân

Những ngày này, trong các khu cách ly của Trường QSQK7 chỉ còn hơn 10 công dân đang sinh hoạt và nghỉ ngơi, khiến các dãy nhà trở nên vắng vẻ, rộng thênh thang. Cảnh quan ấy làm cho Thượng tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm Chính trị nhà trường thêm trầm ngâm. Hình như anh đang nhớ lại những ngày bận rộn, vất vả phục vụ hơn 900 công dân đến cách ly phòng, chống dịch Covid-19 tại nhà trường. Anh bảo: “Hơn một tháng qua, tuy khá vất vả nhưng chúng tôi thấy vui, thấy tự hào và ấm áp tình nghĩa”.

leftcenterrightdel
Ký họa “Bộ đội đưa cơm đến phòng” của Nguyễn Tăng Quang.

Những ngày đầu tháng 3, mọi hoạt động của Trường QSQK7 bắt đầu thay đổi khi triển khai thực hiện chỉ đạo của cấp trên để tổ chức hai khu (khu A và khu B), bảo đảm cho nhiệm vụ tiếp nhận và cách ly công dân. Trung tâm Giáo dục quốc phòng, an ninh, 3 tiểu đoàn học viên và một lớp của Học viện Chính trị quân sự phải dồn dịch chỗ ở để nhường phòng nghỉ cho công dân cách ly. Chỉ trong mấy ngày, hai khu nhà ở đã sẵn sàng đón “khách” với các phòng nghỉ đầy đủ những tiện nghi cơ bản. Ngành hậu cần nhà trường cũng chỉ đạo Ban Quân y phối hợp với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh triển khai hệ thống trang thiết bị y tế phòng dịch, hướng dẫn chuyên môn bảo đảm tốt cho việc cách ly.

Chẳng những vậy, lịch giáo dục đào tạo cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với từng đối tượng học viên và từng khu vực. Công việc cần kíp hơn cả là tổ chức lực lượng phục vụ công dân cách ly. Những ai sẽ chấp nhận phải làm việc vất vả, phải xa gia đình từ 15 đến 30 ngày và làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch cao?... Câu hỏi ấy là nỗi trăn trở, lo lắng đầu tiên đối với lãnh đạo nhà trường. Song điều lo lắng ấy bỗng trở nên nhẹ tênh khi rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của nhà trường xung phong tham gia phục vụ công dân cách ly. Đại tá Lê Minh Tòng, Hiệu trưởng Trường QSQK7 phấn khởi nói: “Tôi rất tự hào, sung sướng khi mọi người hăng hái, tự nguyện nhận và hứa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và thực tế, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Tối 15-3, Trường QSQK7 chính thức bước vào nhiệm vụ đặc biệt khi tiếp nhận những công dân đầu tiên đến cách ly tại khu A. Dù là lúc chập tối, thời khắc giao ngày, rạng sáng, hay giữa trưa, cứ có xe chở người đến là anh em phục vụ phải luôn chân, luôn tay với công tác tiếp nhận, phân loại, bố trí phòng ở cho họ. Những giấc ngủ, bữa ăn, giờ giấc sinh hoạt của bộ đội và nhân viên bị đảo lộn hoàn toàn. Ấy vậy mà bóng dáng người chiến sĩ trong bộ đồ bảo hộ màu thiên thanh vẫn miệt mài, chăm chỉ ở khu cách ly. Anh chị em nhiệt thành kéo hàng chục chiếc vali, túi xách hay đồ đạc khác của công dân lên tầng cao. Họ sẵn sàng dìu người già, bế trẻ nhỏ đến các phòng ở. Chỉ trong 5 ngày (từ 15 đến 19-3), 911 công dân đã được Trường QSQK7 tiếp nhận vào khu A và khu B an toàn.

Đón công dân đã vất vả, phục vụ họ cũng không kém phần công phu. Anh em phục vụ ở vòng trong (tiếp xúc trực tiếp với người cách ly) hay vòng ngoài, cứ như “bơi” trong công việc. Giờ giấc làm việc không khác gì các chế độ quy định của quân đội, nhưng giờ đây nghe tiếng chuông báo thức là phải bật dậy chạy lên báo thức công dân, sau đó mang đồ ăn đến từng phòng, rồi tiếp tục cầm sổ sách đến ghi chép số liệu đo thân nhiệt, ý kiến đề nghị của công dân... Họ sẵn sàng nghe điện thoại bất kể lúc nào để mang nước sôi cho mọi người pha mì tôm, pha sữa, chăm sóc sức khỏe khi có người đau ốm, chia sẻ những thắc mắc hay giải quyết những vấn đề nảy sinh... Trung tá Lê Minh Tiến, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 nói rằng: “Chúng tôi làm việc quên cả giờ giấc, có lúc quên cả tắm rửa hay gọi điện cho gia đình”.

Phụ trách 8 y sĩ, bác sĩ phục vụ công dân cách ly ở hai khu, bác sĩ chuyên khoa I Trần Nam Trung, Trưởng ban Quân y Trường QSQK7 như vận động viên chạy tốc độ. Anh vừa tổ chức cho anh em đến động viên, đo thân nhiệt, khám bệnh cho công dân cách ly, vừa đến từng phòng hướng dẫn mọi người vệ sinh cá nhân, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Anh nhắc nhiều đến bác sĩ chuyên khoa I Vũ Hữu Nam, hiện làm việc ở Trung tâm pháp y tỉnh Long An, hay Nguyễn Hữu Nam quê ở Gò Dầu, Tây Ninh. Hai học viên của lớp sĩ quan dự bị vừa giỏi ngoại ngữ, vừa khéo giao tiếp và là cầu nối giữa nhà trường với công dân ngoại quốc. Các công dân nước ngoài đã gọi hai anh là “Sứ giả của niềm tin yêu”. Riêng Nguyễn Hữu Nam được Trường QSQK7 đề nghị quân khu và Bộ Quốc phòng khen thưởng đợt này.

Hình bóng Bộ đội Cụ Hồ mãi trong tim

Đứng trước tòa nhà khu A, Thượng tá Nguyễn Tiến Sơn đưa cho tôi xem một tập thư của hàng chục công dân vừa hoàn thành thời gian cách ly tại Trường QSQK7. Dù ngắn hay dài, được thể hiện bằng chữ hay tranh vẽ, tất cả tâm thư đều tràn ngập nỗi vấn vương da diết, lòng cảm mến vô bờ và ấn tượng sâu đậm về Bộ đội Cụ Hồ.

Bức thư dài 3 trang của Lưu Nhã Đình, một du học sinh ngành y ở Anh, sinh hoạt tại phòng 110, khu A, viết: “14 ngày cách ly ở đây là 14 ngày vui vẻ và nhẹ nhõm nhất của cháu suốt vài tháng nay. Cháu không chỉ được nói tiếng mẹ đẻ mà còn được sống trong tình yêu thương vô bờ của các cô, các chú bộ đội”. Tạm biệt Trường QSQK7, Lưu Nhã Đình đã mang theo hình ảnh của các y sĩ, bác sĩ..., những người đã cho Nhã được thưởng thức những bữa ăn Việt. Những bữa ăn ấy được cho là “xa xỉ” đối với du học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Còn Nguyễn Phạm Bảo Châu, du học sinh ở Mỹ nhớ bác sĩ Hưng, bác sĩ Hà, chị Ly và cả “một anh gì đó sinh năm 1992”, “hai anh bộ đội dễ thương” đã khám bệnh, bê đồ, mang thức ăn cho mình...

 Một số bạn sinh viên từ châu Âu về TP Hồ Chí Minh lúc đầu định trốn cách ly vì sợ, nhưng không thể trốn được khi ánh mắt biết cười, lời nói chứa chan và hành động nghĩa tình của các anh bộ đội đẹp trai níu kéo. Họ cảm giác nếu mỗi ngày không được nhìn, được nghe bộ đội nói, được thấy các anh cười là một ngày chơi vơi, trống vắng. Khi đã về nhà, nhiều người vẫn không thể nguôi ngoai đến những chiến sĩ mà họ mệnh danh là “biệt đội siêu anh hùng áo thiên thanh” và ví “những giọt mồ hôi của các anh, các chị rơi xuống đã nở thành những bông hoa rực rỡ cho đời”.

leftcenterrightdel
Bác sĩ ở khu cách ly Trường Quân sự Quân khu 7 đến động viên và ghi chép ý kiến của công dân cách ly. Ảnh: THIÊN THANH

Gần 70 người nước ngoài đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ về Trường QSQK7 với bao tâm trạng khác nhau. Nhưng khi tạm biệt nơi này, họ đều có chung một nhận xét, đó là: Cảm phục và biết ơn sâu sắc. Cho dù nền văn hóa có những khác biệt, phong tục tập quán cũng nhiều điểm không tương đồng, nhưng những gì mà bộ đội, các y sĩ, bác sĩ, nhân viên phục vụ đã làm cho họ trong thời gian cách ly luôn chan chứa, ấm áp tình người. Ông Peter Rimmer, ở phòng 206 khu B, đến từ nước Mỹ, cảm kích: “Tôi nhận được sự chăm sóc và giúp đỡ nhiệt tình từ quân đội và đội ngũ y sĩ, bác sĩ. Họ rất tuyệt vời và không một ai lộ vẻ mệt mỏi. Xin cảm ơn Chính phủ Việt Nam. Cảm ơn tất cả mọi người”.

Một du học sinh ngành kiến trúc, trú tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh lại tạm biệt Trường QSQK7 bằng nhiều bức họa của mình. Đó là Nguyễn Tăng Quang. Những bức họa ấy là cảnh cán bộ, chiến sĩ, y sĩ, bác sĩ đến đưa cơm, đo thân nhiệt cho người cách ly; đó là cảnh ăn nghỉ, vui chơi giải trí, tập luyện của công dân hay quang cảnh của Trường QSQK7. Mỗi bức họa là một lời tri ân, trao gửi yêu thương đến những người phục vụ. Nguyễn Tăng Quang nói: “Mặc dù mỗi ngày giấc ngủ rất ngắn, làm việc cả ngày đêm, nhưng các cô chú, anh chị bộ đội luôn mang niềm tin đến cho mọi người. Họ là những người tuyệt vời nhất trong những người tuyệt vời”.

Chúng tôi dạo bước dưới hàng cây đầy nắng trong khuôn viên Trường QSQK7. Có lẽ không chỉ nơi đây mà cả ở Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện dã chiến Củ Chi hay bất cứ nơi nào có sự phục vụ của các cán bộ, chiến sĩ quân đội trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đều in đậm trong trái tim bao người. Những hình ảnh ấy càng tiếp thêm niềm tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và ý chí quyết tâm chiến thắng dịch bệnh của chúng ta. Chúng tôi tin là như vậy.  

PHI HÙNG - CƯỜNG THÀNH