Bữa ấy, trong không khí ấm áp, trang trọng của chương trình gặp mặt, giao lưu “Về nơi khởi nguồn” do Báo Quân đội nhân dân chủ trì tổ chức ngay tại rừng Trần Hưng Đạo, nơi cách đây 80 năm, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, Trung tướng Phạm Tuân rất xúc động. Vị tướng từng trải trận mạc và là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ ấy đã rưng rưng kể về kỷ niệm ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tiễn trước khi bay vào vũ trụ và đón khi ông trở về. Lúc ấy, Phạm Tuân mang một sứ mệnh của đất nước gửi gắm là khẳng định vị trí Việt Nam trong vũ trụ và cũng là để hiện thực hóa lời Bác Hồ hằng mong: Đến lúc nào đó, thanh niên Việt Nam sẽ bay vào vũ trụ.

Tôi nhắc lại câu chuyện nghe từ radio trên xe và những hồi tưởng về lời ông kể tại rừng Trần Hưng Đạo ngay sau câu chào đầu tiên khi gặp Trung tướng Phạm Tuân tại tư gia. Ông khẳng định: “Dù biết là vẫn còn nhiều khó khăn và muốn chinh phục vũ trụ, chúng ta cần phải hợp tác chặt chẽ với các nước có khoa học-công nghệ tiên tiến, song tôi tin rằng, không chỉ dừng lại ở chế tạo thành công các vệ tinh mà một ngày nào đó, thanh niên Việt Nam hôm nay sẽ tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ bay để thêm nhiều lần nữa mang lá cờ Việt Nam vào vũ trụ”.

leftcenterrightdel

Phi công Phạm Tuân và Nhà du hành vũ trụ Viktor Vassilyevich Gorbatko. Ảnh tư liệu 

Thế hệ trẻ chúng tôi cũng vững một niềm tin, lời Anh hùng Phạm Tuân sẽ thành hiện thực. Bởi chính ông, trước đây, khi còn trẻ lên đường bảo vệ Tổ quốc cũng chưa từng nghĩ đến một ngày mình bay vào vũ trụ. Vậy mà, ông đã làm được!

Đó là một ngày cuối tháng 7-1980, sau khi hoàn thành gần hai năm khổ luyện, phi công Phạm Tuân cùng Nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vasilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Soyuz 37. Chuyến bay ấy mang nhiều ý nghĩa lịch sử đối với đất nước Việt Nam, với quan hệ hai nước Việt Nam-Liên Xô và cả khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ. Với Phạm Tuân, lúc đó, ông không chỉ là người Việt Nam đầu tiên mà còn là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.

Khi bước lên tàu, ông mang theo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, bản "Tuyên ngôn Độc lập", Di chúc của Bác và một nắm đất lấy từ Quảng trường Ba Đình lịch sử. “Những hiện vật thiêng liêng ấy như Tổ quốc cùng tôi vào vũ trụ, giúp tôi tự tin hơn và luôn ý thức về trách nhiệm của mình với hai tiếng Việt Nam”, Trung tướng Phạm Tuân tâm sự với chúng tôi như vậy. Ông cũng chia sẻ thêm rằng, đó là những hiện vật đặc biệt được Đảng, Nhà nước và Hội đồng khoa học vũ trụ lúc bấy giờ lựa chọn để ông mang theo ra không gian. Hiện nay, các hiện vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong gần 8 ngày thực hiện hơn 140 vòng bay quanh quỹ đạo trái đất, Phạm Tuân cùng Nhà du hành vũ trụ Gorbatko tiến hành nhiều thí nghiệm viễn thám hàng không, nghiên cứu trái đất từ trên cao. Cùng với đó là thí nghiệm hòa tan các mẫu khoáng chất trong môi trường không trọng lực và trồng bèo hoa dâu trên tàu vũ trụ.

Trong những vòng bay ấy, Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân nhớ nhất là những lần tàu vũ trụ bay qua khu vực kinh tuyến có địa phận Việt Nam. Ông chọn ô kính có thể nhìn về trái đất và say mê ngắm dải đất của Tổ quốc thân yêu với màu xanh của hòa bình, màu xanh của hy vọng từ trên cao. Lúc đó, ông giương cao lá cờ Tổ quốc trong cabin tàu vũ trụ, ngắm các hiện vật mà ông mang theo. Và một trong những lần như vậy, Phạm Tuân được cho phép phát tín hiệu gửi lời chào về Hà Nội. Thời điểm đó, ông trào dâng niềm xúc động, tự hào.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông kể: “Với tôi khi đó, nhìn xuống trái đất là nhìn về quê hương. Tất cả dường như không còn ranh giới. Thế nhưng, mỗi lần qua vị trí có thể nhìn thấy Tổ quốc, tôi lại có những cảm xúc thiêng liêng đến lạ kỳ!”.

Năm 1977, phi công chiến đấu Phạm Tuân được lựa chọn cùng 3 phi công của Việt Nam đưa sang Liên Xô để tuyển chọn phi công vũ trụ. Thời gian gần hai năm huấn luyện, dù đã là một phi công lái máy bay chiến đấu dày dạn kinh nghiệm với nhiều chiến công, song ban đầu, trước áp lực của các buổi tập, Phạm Tuân cũng phải nỗ lực hết mình mới có thể thích nghi. Ông hồi tưởng: “Để làm quen với trạng thái không trọng lực, chúng tôi phải tập trên các thiết bị quay ly tâm. Dù đã làm quen phần nào khi học lái máy bay chiến đấu, song tính chất và cường độ khác rất nhiều so với trước. Việc khó khăn nhất là đòi hỏi chúng tôi phải luyện tập sao cho trong điều kiện không trọng lực mà vẫn bảo đảm mọi hoạt động diễn ra bình thường”.

Trong quá trình huấn luyện, Phạm Tuân và các đồng đội nhiều lần được đưa vào môi trường có điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác nhau như vùng băng tuyết hay có lúc lại đột ngột thay đổi nhiệt độ từ lạnh sang nóng để làm quen. Các buổi luyện tập với cường độ tăng dần và được giả lập nhiều tình huống khác nhau trong vũ trụ. Bằng những nỗ lực vượt hơn 100% cả sức mạnh lẫn ý chí đã giúp phi công Phạm Tuân vượt qua để được đồng hành với nhà du hành vũ trụ Liên Xô bước chân vào con tàu Soyuz 37 thực hiện chuyến bay.

Nghe câu chuyện Anh hùng Phạm Tuân kể, chúng tôi nhận ra ở ông một điều: Người anh hùng bình dị và hiền hậu ấy dù cả khi còn trẻ hay đến bây giờ vẫn bỏng cháy trong mình phẩm cách của một quân nhân cách mạng đầy ý chí, quyết tâm và lòng kiên định. Chẳng thế mà, trước những khó khăn, gian khổ, hy sinh, ông vẫn kiên định vượt qua vì danh dự và niềm tự hào thiêng liêng của Tổ quốc!

leftcenterrightdel

Anh hùng Phạm Tuân bên các kỷ vật từ chuyến bay vào vũ trụ. Ảnh: MINH VŨ 

Và có lẽ chính ý chí quyết tâm khiến ông ghi dấu nhiều cái đầu tiên của một con người đặc biệt. Ông chính là phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B-52 của đế quốc Mỹ khi đội hình máy bay địch tấn công Hà Nội tháng 12-1972; là người Việt Nam đầu tiên, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ... Và ông cũng là người Việt Nam đầu tiên 3 lần nhận danh hiệu Anh hùng: Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Anh hùng Lao động (năm 1980) và Anh hùng Liên Xô do Nhà nước Liên Xô trao tặng cùng năm 1980.

Trước khi chia tay người anh hùng bình dị, chúng tôi được ngắm nhìn và nâng niu những kỷ vật mà ông đã lưu giữ hơn 40 năm qua. Đó chính là những phù hiệu có biểu tượng lá cờ Việt Nam, Quốc huy Việt Nam, biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô mà ông đã đeo trước ngực trên bộ đồ phi hành gia trong chuyến bay vào vũ trụ. Nâng niu những hiện vật ấy trên tay, chúng tôi muốn lưu lại mãi bên ông để được sống cùng câu chuyện về chuyến bay lịch sử, chuyến bay biểu tượng của tình hữu nghị nhân dân Việt Nam-Liên Xô (trước đây), nay là Việt Nam-Liên bang Nga và là biểu tượng của ý chí, quyết tâm, niềm tự hào của con người Việt Nam vươn mình ra thế giới.

Trung tướng Phạm Tuân tiễn chúng tôi ra cửa và không quên căn dặn: “Có nhiều nhà báo đã đến gặp bác để hỏi về câu chuyện những chiến công hay chuyến bay vào vũ trụ. Bác chỉ muốn nói một điều là bác muốn truyền cho thế hệ trẻ hôm nay nguồn cảm hứng về lòng yêu nước, niềm tự hào và lý tưởng cống hiến vì danh dự của Tổ quốc. Cháu hãy ghi những điều đó vào bài viết!”.

TRẦN ANH - LIÊN VIỆT