QĐND - Đại tá Trần Ngọc Lân, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) sinh năm 1938 tại Sài Gòn-Chợ Lớn. Năm 1954, Trần Ngọc Lân là Thiếu sinh quân miền Nam được tập kết ra miền Bắc. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trần Ngọc Lân nhập ngũ và sau đó được quân đội cử đi học về tên lửa phòng không tại Liên Xô. Năm 1966, ông về nước, được biên chế làm sĩ quan điều khiển thuộc Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236, Sư đoàn Phòng không 361 Anh hùng.
|
Đại tá Trần Ngọc Lân giới thiệu một số kỷ vật chiến đấu của mình. |
Vào những năm 1965-1968, không quân Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt. Đơn vị của Trần Ngọc Lân được gấp rút điều động về xây dựng trận địa phía đông dãy núi đá vôi của tỉnh Ninh Bình. Hằng ngày, các kíp chiến đấu phải ăn nghỉ ngay tại trận địa. Kíp chiến đấu của Trần Ngọc Lân gồm: Thượng sĩ Nguyễn Xuân Đài là trắc thủ cự ly, đồng chí Khải trắc là thủ phương vị, đồng chí Tân là trắc thủ góc tà và Trần Ngọc Lân là sĩ quan điều khiển.
Đến 21 giờ ngày 6-5-1967, trời mưa lắc rắc, đơn vị được lệnh báo động cấp 1 với thông báo sẽ có nhiều tốp máy bay địch từ hướng đông bay vào. Ông nhớ lại: “Lúc này nhìn nhanh ra hướng biển, thời tiết lại xấu, nhiều đám mây xám vẫn lờn vờn bay. Chúng tôi toàn lính trẻ, nhưng thao tác kỹ thuật chuẩn bị chiến đấu rất nhanh và chuẩn xác. Tôi căng mắt theo dõi trên màn hình hiện sóng, mồ hôi tóa ra, nhưng tinh thần rất bình tĩnh”.
Đến khoảng 22 giờ, nhìn trên màn hình có mục tiêu xuất hiện bay từ hướng biển vào. Xác định ban đầu, mục tiêu khoảng 3 tốp máy bay loại F4 và F5, mỗi tốp 3 chiếc. Tiểu đoàn trưởng Hồ Sĩ Hưu ra lệnh: "Hướng đông… Mục tiêu tốp máy bay địch… Cự ly…". Các trắc thủ sục sạo, phát sóng bám sát mục tiêu. Khi mục tiêu vào gần khu vực núi đá vôi, chúng hạ thấp độ cao. Trần Ngọc Lân hạ lệnh nâng vạch sóng cao hơn đường cơ sở để đạn ăn lên, góc tà quay từ trên xuống, kẹp đúng mục tiêu. Các trắc thủ đồng thanh hô: “Đồng bộ tốt”. Ông bấm nút phóng liền ba quả đạn, mỗi quả cách nhau khoảng 6 giây. Tiếng nổ lớn ầm… ầm… ầm… của tên lửa phóng lên không trung. Tất cả các trắc thủ đều hô vang: “Trúng rồi…”. Vạch sáng trên màn hình biến mất. Trong 3 quả đạn phóng lên, một quả đã trúng hai mục tiêu. Kíp chiến đấu của Trần Ngọc Lân vô cùng sung sướng ôm chặt lấy nhau. Trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ ai cũng rộn lên một niềm vui lâng lâng khó tả. Thế là trận đầu ra quân, kíp chiến đấu của ông đã diệt gọn hai chiếc F4 rơi ngay tại tỉnh Ninh Bình.
Sau chiến công đầu giòn giã trên đây, đơn vị ông gấp rút thu hồi khí tài, cơ động về xây dựng trận địa thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Lúc bấy giờ, toàn Quân chủng đang dấy lên đợt thi đua đột kích lập công mừng 77 năm sinh nhật Bác Hồ (19-5-1890/19-5-1967). Không khí thi đua sôi nổi rộng khắp trong toàn đơn vị, ai cũng muốn đem hết sức lực, trí tuệ để sớm lập công dâng Bác.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 19-5-1967, kíp chiến đấu của ông nhận lệnh báo động cấp 1. Toàn kíp nhanh chóng vào vị trí kiểm tra các chức năng, mở máy phát sóng. Trong khoang máy, tiếng báo cáo vang lên dồn dập. Đến 10 giờ cùng ngày, trên màn hình, có vệt chấm sáng di chuyển từ hướng đông bay vào rất nhanh. Bắt được phương vị, cự ly, tốc độ. Các mệnh lệnh chiến đấu dõng dạc vang lên: “Mục tiêu vào vùng phóng”… “Mở mạch chiến đấu”. Thực hiện nhanh các thao tác, ông quyết định bấm nút phóng ba quả đạn, mỗi quả cách nhau khoảng 5 đến 6 giây. Nhìn trên màn hình sóng, chấm sáng đã bắt đúng mục tiêu. Bóng dáng mục tiêu trên màn hình không còn nữa. Một chớp nhoáng, mục tiêu đã bị tiêu diệt. Trận đánh kết thúc!
Giờ đây với tâm trạng phấn chấn, Đại tá Trần Ngọc Lân hào hứng kể: “Lúc đó trong xe, tiếng cười nói râm ran, những cái bắt tay thật chặt. Trong lòng ai cũng phấn khích siết tay nhau muốn lập thêm nhiều chiến công hơn nữa, xứng đáng với lời dạy của Bác”.
Tin chiến thắng được báo cáo khẩn trương lên Quân chủng và Bác Hồ: Kíp chiến đấu của Trần Ngọc Lân đã tiêu diệt một chiếc F5, rơi tại cầu Giẽ. Ngay trong ngày, đơn vị ông vinh dự được đồng chí Đại tá Đặng Tính là Chính ủy Quân chủng, đến trận địa động viên khen ngợi. Đoàn viên ưu tú Trần Ngọc Lân vinh dự được đồng chí Chính ủy Quân chủng chuẩn y quyết định kết nạp Đảng ngay tại trận địa.
Thời gian dần lùi xa, nhưng khi nói về kỷ niệm, kinh nghiệm chiến đấu của mình, Đại tá cựu chiến binh Trần Ngọc Lân vẫn rất say sưa, tâm huyết kể lại niềm vui của mình và đồng đội khi bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc ngày ấy.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN