Ngày cuối tuần vừa qua, cán bộ, chiến sĩ Phòng Tuyên huấn, Bộ tư lệnh CSB nhận được lệnh chuẩn bị sách, báo, tạp chí để gửi theo đoàn công tác của bộ tư lệnh đến với bộ đội Trường Sa và các tàu đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển được khuyến khích đọc sách pháp luật, phục vụ nhiệm vụ chính trị. |
Cứ như vậy, mỗi lần có đoàn công tác đi Trường Sa, nhà giàn và những điểm đảo thì các bộ phận trong đơn vị lại tích cực tập hợp sách, báo, tạp chí, băng đĩa để gửi bộ đội đang làm nhiệm vụ ngoài biển khơi. Hành trang mang theo của đoàn công tác lần này sẽ có cuốn “Tổ quốc nơi đầu sóng” được Bộ tư lệnh CSB phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện. Đây là tập sách đầu tiên viết về lực lượng CSB Việt Nam của nhiều tác giả ra mắt bạn đọc đầu năm nay. Bên cạnh đó còn có các cuốn: “Sổ tay pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam”, “Sổ tay tuyên truyền cho ngư dân của Cảnh sát biển Việt Nam” do Bộ tư lệnh CSB phối hợp với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân biên soạn, xuất bản, phát hành năm 2020 để cấp cho các tàu.
Đại tá Đặng Hồng Quân, Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ tư lệnh CSB, cho biết: “Mặc dù trong thời đại thông tin phát triển mạnh mẽ, nhưng sách, báo và các ấn phẩm in ấn vẫn luôn được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ CSB. Những cuốn sách viết về bộ đội ở biển, đảo trước đây, nay vẫn được cán bộ, chiến sĩ vô cùng yêu thích. Nhiều lần xuống tàu công tác, tôi vẫn thấy các đồng chí chuyền tay nhau đọc say sưa cuốn “Đảo chìm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Có chiến sĩ còn thuộc làu cả những câu nói của nhân vật trong sách...”.
Đặc thù nhiệm vụ của CSB là thường xuyên hoạt động dài ngày trên biển, thậm chí có tàu đi công tác từ 6 đến 8 tháng chưa về đơn vị, lại thường xuyên phải đối diện với các nhóm đối tượng vi phạm pháp luật. Chính vì thế, lãnh đạo, thủ trưởng Bộ tư lệnh CSB rất quan tâm đến vấn đề văn hóa đọc cho bộ đội. Trước khi tàu đi làm nhiệm vụ dài ngày đều có chỉ đạo từ trên xuống, các đơn vị phải luân chuyển sách và các số báo, tạp chí gần nhất xuống từng tàu để bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội.
Có thể nói, hoạt động văn hóa đọc của lực lượng CSB Việt Nam cũng rất đặc thù khi gắn liền với các kế hoạch hoạt động “Tủ sách pháp luật”, “Mỗi ngày một điều luật”, “Sổ tay pháp luật” và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Hằng năm, ngoài các sách báo, tạp chí được cấp theo tiêu chuẩn qua hệ thống thư viện, Bộ tư lệnh CSB còn phối hợp với các nhà xuất bản biên soạn, xuất bản số lượng lớn cuốn “Sổ tay pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam” để cấp cho các tàu, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng. Các tàu trên biển cũng như cơ quan, đơn vị ở đất liền đều được trang bị tủ sách pháp luật. Hiện, trong lực lượng đã đầu tư 105 tủ sách pháp luật. Mỗi tủ sách có khoảng 50 đầu sách trở lên và từng năm đều rà soát để mua sắm, bổ sung các sách về pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế có liên quan mới ban hành, sửa đổi... Hằng năm, tủ sách pháp luật các cấp thu hút hàng nghìn lượt người đọc và mượn. Trong đó, tủ sách cấp tiểu đoàn, đại đội độc lập và tương đương, thu hút 6.557 lượt người đọc và mượn/năm. Trên các tàu còn có hệ thống văn bản chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh CSB được chính trị viên tàu, cán bộ phụ trách đóng thành từng tập để bộ đội dễ đọc, tra cứu nhanh.
Với yêu cầu nhiệm vụ phải xử lý nhiều tình huống vi phạm pháp luật trên thực tế nên việc đọc sách pháp luật dần trở thành nhu cầu thường xuyên đối với nhiều cán bộ, quân nhân. Với những cán bộ, sĩ quan thường xuyên phải đối phó với các đối tượng vi phạm pháp luật thì những cuốn sách và cẩm nang pháp luật là những “bảo bối” bất ly thân. Những kiến thức được cập nhật, tích lũy góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành vi ứng xử có văn hóa của CSB Việt Nam trong quá trình làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, do điều kiện công tác đặc thù nên việc chuyển báo hằng ngày, hằng tuần theo đúng định kỳ đến những tàu làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc rất khó khăn. Khi báo tới tay bộ đội thì đã bị chậm. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa có sự sáng tạo trong việc lôi cuốn bộ đội tham gia đọc sách, học tập, tra cứu...
Để duy trì và lan tỏa văn hóa đọc trong các đơn vị đất liền cũng như trên tàu, thời gian tới, Bộ tư lệnh CSB chủ trương tiếp tục củng cố, bổ sung tủ sách ở các đơn vị trực thuộc. Trong đó, quan tâm sưu tầm bổ sung tài liệu, sách, báo tuyên truyền Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Đổi mới hình thức, trưng bày sách báo tại các phòng đọc và tổ chức các hoạt động Ngày Sách Việt Nam để khơi dậy tinh thần tự giác đọc sách của bộ đội.
Bài và ảnh: MINH THÀNH