Mong muốn được tìm hiểu về phương tiện vận chuyển có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới, chúng tôi đã tìm gặp Đại tá, Tiến sĩ (TS) Đào Hải Triều, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hậu cần (Tổng cục Hậu cần). Tiếp chúng tôi, TS Đào Hải Triều kể, 30 năm trước, vào năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, anh được giao nhiệm vụ sưu tầm hiện vật để tổ chức triển lãm. Lúc ấy, anh cùng đồng nghiệp đã đi nhiều nơi để tìm hiểu về chiếc xe đạp thồ huyền thoại. Rồi các anh quyết định lên Phú Thọ gặp ông Ma Văn Thắng, quê ở xã Thanh Minh, huyện Thanh Ba (nay thuộc thị xã Phú Thọ) để nghe về kỳ tích chế tạo chiếc xe đạp thồ, vận chuyển được 325kg. Lúc ấy, chiếc xe nguyên bản của ông đã được Bảo tàng Quân khu 2 mang về bảo quản và trưng bày.

leftcenterrightdel

Xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng Hậu Cần

Thời kỳ chiến dịch, ông Ma Văn Thắng là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Thanh Minh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Ông nói rằng, thời đó nghèo rớt mùng tơi, lấy đâu ra xe đạp. Chiếc xe ông dùng để thồ hàng là xe mượn của cơ quan. Để thồ được hàng nặng như vậy trong những năm kháng chiến, chiếc xe đã được ông gia cố như buộc thêm đoạn tre (hoặc gỗ), dài khoảng 1m, gọi là "tay ngai" vào ghi đông để điều khiển; một thanh gỗ (hoặc thanh tre cứng) cao hơn yên xe khoảng 50cm buộc vào trục yên, vừa giúp giữ thăng bằng, vừa đẩy xe đi; gá thêm sắt, buộc thêm gỗ để tăng độ cứng của khung xe; lấy vải, quần áo cũ, săm cũ lót vào bên trong tăng độ bền của săm, lốp xe; bổ sung thêm 2 chiếc ghế, một chiếc để dựa xe trong lúc nghỉ chân, một chiếc để chèn khi xuống dốc.

TS Đào Hải Triều kể, qua tìm hiểu thì việc tổ chức xe đạp thồ vận chuyển phục vụ kháng chiến đã có trước đó, nhưng trọng lượng hàng thì không lớn như xe của ông Ma Văn Thắng chế tạo. Theo đó, phục vụ Chiến dịch Thượng Lào, ông Trịnh Ngọc quê ở xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã được Thị ủy Thanh Hóa cử làm Phó chỉ huy phụ trách Đoàn thanh niên trong đoàn dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Thượng Lào. Ông đã mang chiếc xe đạp mua từ khi còn học ở thị xã Thanh Hóa để thồ hàng. Tháng 1-1954, Thị ủy Thanh Hóa lại cử ông Trịnh Ngọc làm Chỉ huy trưởng Đội xe thồ thị trấn Đông Sơn tham gia Đoàn xe thồ hỏa tuyến (gồm 20 đội) của tỉnh Thanh Hóa đi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 182.124 dân công gánh bộ và 11.000 dân công xe đạp thồ. 

Trong suốt chiến dịch, bộ đội và dân công của ta sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 đến 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao.

Ngoài ra còn nhiều thông tin thú vị khác về sự sáng tạo trong công tác bảo đảm hậu cần của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được TS Đào Hải Triều kể, như để huy động thóc của đồng bào Tây Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập “Đội quân đóng cối xay” với hơn trăm người, gồm nhiều thành phần. Họ ở phân tán thành từng nhóm 5-7 người với nhiệm vụ đóng cối và xay thóc. Tổ của bác Tô Văn Hữu ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã đạt kỷ lục chế tạo một loạt cối có thể xay gần 100% thóc thành gạo lức... 

Đã 70 năm trôi qua, không chỉ có những chiếc xe đạp thồ, cối xay gạo mà còn rất nhiều câu chuyện, kinh nghiệm trong công tác hậu cần của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trở thành những bài học vô giá về ý chí kiên cường, vượt khó, sự đoàn kết, đồng lòng, tính sáng tạo của quân và dân ta, góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu".

Bài và ảnh: THANH HẢI