Tiếng nói cười, tiếng hát quan họ của bộ đội và người dân xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vang khắp cánh đồng. Người trên bờ, người dầm mình dưới con mương chật cứng bèo, rong rêu, cỏ dại... Chẳng mấy chốc, con mương nội đồng đã được dọn sạch, khơi thông dòng chảy... Cũng như bao lần khác, đợt dã ngoại làm công tác dân vận-hè tình nguyện này của học viên Trường Sĩ quan Chính trị thật nhiều ý nghĩa.
Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận-hè tình nguyện của Trường Sĩ quan Chính trị là một trong số hàng trăm mô hình dân vận hưởng ứng Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong quân đội giai đoạn 2016-2020. Những năm qua, phong trào trong toàn quân được triển khai toàn diện góp phần tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội; góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở... Trong đó, nhiều mô hình sáng tạo, ý nghĩa, như: “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Trái tim cho em”, “Vì em hiếu học”... đã mang lại hiệu quả tích cực, thiết thực, làm gắn kết, củng cố thêm quan hệ máu thịt quân dân.
|
|
Học viên Trường Sĩ quan Chính trị cùng người dân dọn kênh mương. |
Quân khu 7 là địa bàn trọng điểm chiến lược phía Nam của Tổ quốc, tuy nhiên tuyến biên giới vẫn còn nhiều nơi chưa có dân cư sinh sống, kinh tế kém phát triển, hệ thống chính trị cơ sở còn yếu, trình độ dân trí thấp, nhận thức về chính trị, pháp luật còn hạn chế, chưa trở thành chỗ dựa vững chắc cho các lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên tuyến biên giới. Trước tình hình thực tiễn đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 xác định: Xây dựng các điểm dân cư biên giới (trước hết là xây dựng các điểm dân cư liền kề các chốt dân quân biên giới) làm tâm điểm, dần phát triển thành khu, cụm dân cư, xã, thị trấn biên giới; từ đó tăng dày mật độ dân cư, hình thành lực lượng tại chỗ, hỗ trợ các lực lượng bảo vệ biên giới; tăng cường sức mạnh, thế trận khu vực phòng thủ, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Được sự thống nhất cao của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong địa bàn, Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, giai đoạn 2019-2025” chính thức được triển khai thực hiện.
Đề án xác định xây dựng 34 điểm dân cư (170 căn nhà) liền kề các chốt dân quân biên giới (cách từ 200m đến 1,5km) nơi chưa có dân cư sinh sống. Các điểm dân cư có đường giao thông được bê tông hóa liên kết với khu dân cư hiện hữu và đường tuần tra biên giới. Mỗi điểm xây dựng 5 căn nhà cấp bốn, có kết nối với hệ thống điện lưới quốc gia, có hệ thống nước sinh hoạt, sóng phát thanh, truyền hình, thông tin di động, các công trình phúc lợi xã hội; có khu chăn nuôi gia súc, xử lý chất thải. Mỗi hộ được chính quyền cấp từ 360m2 đến 1.000m2 đất sản xuất nông nghiệp hoặc giao khoán quản lý bảo vệ đất rừng, đất trồng cây công nghiệp, được dạy nghề thủ công truyền thống, làm công nhân trong các khu công nghiệp, nhà máy... để bảo đảm ổn định cuộc sống lâu dài.
Sau gần hai năm triển khai thực hiện, đến nay, đề án đã hoàn thành giai đoạn 1 (7 điểm/35 căn nhà), đang triển khai thực hiện giai đoạn 2 (27 điểm/135 căn nhà) và chuẩn bị giai đoạn 3. Người dân tại các điểm dân cư đang sinh sống ổn định và ngày càng phát triển. Bộ tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ mỗi điểm một con bò giống, địa phương vận động hỗ trợ thêm phấn đấu mỗi hộ dân có một con bò hoặc 4-6 con dê giống. Từ hiệu quả xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và tình hình thực tiễn, Quân khu 7 đang tiếp tục triển khai khảo sát, dự kiến xây dựng 12 điểm dân cư liền kề đồn, trạm, chốt biên phòng nơi chưa có dân cư sinh sống liền kề.
Cũng có nhiều sáng tạo trong thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển được cho là một điểm sáng nổi bật, có nội dung đột phá, thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị cao. Cảnh sát biển là lực lượng luôn đồng hành cùng nhân dân. Sự có mặt của lực lượng Cảnh sát biển trên các vùng biển là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn xa bám biển. Đồng thời, khi ngư dân vươn xa bám biển sẽ không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; ngư dân là “tai, mắt” của Cảnh sát biển về tình hình, diễn biến trên biển... Phương thức thực hiện “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là lấy đầu mối các hải đội, hải đoàn thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển kết nghĩa với một xã (huyện) đảo. Đến đầu năm 2019, mô hình đã được triển khai ở 13 xã (huyện) đảo trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố ven biển. Trong triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các xã, huyện đảo được lực lượng Cảnh sát biển xác định là nội dung quan trọng hàng đầu. Với phương châm “thiết thực, hiệu quả”, lấy tư vấn làm trọng tâm, nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân làm mục đích, lực lượng Cảnh sát biển đã tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển; tổ chức hoạt động an sinh xã hội... Đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo; kịp thời phát hiện, thông tin tình hình trên biển cho Cảnh sát biển và lực lượng chức năng.
Sau hai năm thực hiện, từ kết quả và kinh nghiệm thực tiễn, tiếp thu ý kiến các địa phương, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã ký kết với 10 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Từ mô hình phát triển thành chương trình, “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã có sự phát triển vượt bậc về quy mô, nội dung, hình thức thực hiện nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị-xã hội. Chương trình xác định 5 nội dung chính: Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân, trong đó có ngư dân; phối hợp tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa...; giúp ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; phối hợp thực hiện huy động nhân lực, phương tiện tàu, thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) những năm qua cũng là điểm sáng trong thực hiện tốt Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới, giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Tiêu biểu như: “Trái tim cho em”, “Internet trường học”, “Vì em hiếu học”, “Nhịp cầu yêu thương”... Chương trình “Trái tim cho em” do Quỹ Tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Viettel thực hiện từ năm 2008 đến nay. Hơn 115.000 cháu được hỗ trợ khám, điều trị cho 2.880 cháu và phẫu thuật thành công cho 2.600 bệnh nhân dưới 16 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn. 5 năm qua, tập đoàn cũng hỗ trợ 25 tỷ đồng mua trang thiết bị, đào tạo chuyên sâu lĩnh vực tim mạch cho đội ngũ bác sĩ tim mạch.
Giai đoạn 2016-2020, tập đoàn đã hỗ trợ tổ chức trao hơn 121.254 suất học bổng (tương đương 121,254 tỷ đồng) trong Chương trình “Vì em hiếu học”; hỗ trợ 35 tỷ đồng xây dựng 34 cây cầu dân sinh tại nhiều địa phương; hỗ trợ gần 100 tỷ đồng xây dựng hàng chục ngôi trường ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn...
Với đặc thù địa bàn đóng quân trải dài theo biên giới của Tổ quốc, địa hình khó đi lại, tình hình an ninh nhiều phức tạp, những năm qua, Bộ đội Biên phòng luôn là lực lượng gắn bó, đồng hành cùng đồng bào ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn. Nhiều chương trình, mô hình “dân vận khéo” ý nghĩa, thiết thực của Bộ đội Biên phòng đã được triển khai mang lại hiệu quả cao, tiêu biểu như: “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... Chỉ riêng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, trong 5 năm qua, đã có 21 mô hình tập thể, 23 mô hình cá nhân “Dân vận khéo” được đăng ký. Kết quả xây dựng hơn 200 công trình dân sinh; phối hợp tặng 1.338 con bò giống cho hộ nghèo; khám chữa bệnh cho 5.213 lượt người dân, tiêm chủng mở rộng cho 6.944 trẻ em; hỗ trợ 57 cháu học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”; nhận chăm sóc 2 cháu theo Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”; trồng hàng nghìn cây “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; tặng quà, hỗ trợ các gia đình chính sách, khó khăn... tổng trị giá 7,5 tỷ đồng; trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 234 buổi/2.573 lượt người, 8.000 tờ rơi, hàng trăm lần trên loa phóng thanh di động; lập 151 lán dã chiến...; Chương trình “Biên giới với học đường” đã mở được hàng trăm lớp chuyên đề, các đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hàng chục nghìn lượt người tham gia; Chương trình “Ngày hội Biên phòng toàn dân” đã có 50 tập thể, 946 hộ gia đình ký nhận đoạn biên giới; thành lập 240 tổ tự quản đường biên với 725 thành viên thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ hệ thống đường biên, mốc giới quốc gia...
Trước tình hình đất nước còn đứng trước những khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh; xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; đời sống của nhân dân ở nhiều nơi còn khó khăn..., Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” với sự đổi mới, phát triển toàn diện cả bề rộng và chiều sâu đã góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa quân đội và nhân dân, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bài và ảnh: HOÀNG DƯƠNG