QĐND - Vùng Cảnh sát biển 2 thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, tìm kiếm cứu nạn trong vùng biển từ Bắc đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến Cù Lao Xanh (Bình Định), bao gồm quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa, cùng các vùng biển khác của Việt Nam khi có lệnh phân công. Tròn một “con giáp” từ ngày thành lập (5-3-2004), đơn vị đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trên đây, được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác...
Một đêm trừ tịch nhớ đời!
Con tàu đa năng tuần tiễu xa bờ CSB8002 của Hải đội Cảnh sát biển 201 hoành tráng như một khách sạn nổi, với các công năng và tiện ích cỡ... “vài sao” (ấy là theo sự cảm nhận của chúng tôi!). Tàu được đóng theo công nghệ tiên tiến nhất của ngành tàu thủy thế giới hiện nay, hạ thủy và biên chế về Vùng CSB2 tháng 7-2015.
Chúng tôi đến thăm khi con tàu vừa hoàn thành chuyến tuần tra chung về Liên hiệp nghề cá Vịnh Bắc Bộ cùng lực lượng hải cảnh Trung Quốc, từ ngày 18 đến ngày 23-4-2016. Đây là chuyến đi biển lớn thứ năm của con tàu từ ngày về đơn vị. Đại úy Thuyền trưởng Vũ Đức Tuyên lưu ý: Chỉ là chuyến đi “lớn” thôi, chứ chưa phải là “dài”, bởi nhiều chuyến công tác khác của tàu, thường trên dưới 1 tháng lênh đênh trên biển. Chúng tôi hào hứng đề nghị anh kể một vài chuyến như thế, nhưng Thuyền trưởng nói rằng có một chuyến công tác rất ngắn, chỉ gần một ngày, nhưng vô cùng ấn tượng...
Ấy là vào ngày Tất niên của năm Ất Mùi 2015 vừa qua. Buổi sáng, đơn vị vừa tổ chức trang hoàng boong tàu lộng lẫy, sắp xếp bàn ghế chu đáo chuẩn bị cho đêm Giao thừa thì được lệnh lên đường chở bà con Lý Sơn trở về đảo đón Tết. Hàng trăm người là con em Lý Sơn từ các nơi về ăn Tết và bà con Lý Sơn vào đất liền sắm Tết đang mắc kẹt ở cảng Kỳ Hà, vì biển động dữ dội, tàu khách không chạy được.
|
Tàu CSB2012 tặng quà ngư dân bị nạn trên biển, ngày 11-8-2015.
|
Thống kê ban đầu của cảng vụ Kỳ Hà chỉ khoảng 200 người, nên tàu CSB8002 cũng chỉ chuẩn bị bảo đảm hậu cần chừng đó. Nhưng khi tàu cập cảng, thấy tàu bộ đội hoành tráng quá, bà con loan báo cho nhau, thế là hàng trăm người đang tá túc trong thành phố Tam Kỳ và các huyện lân cận lập tức đổ về, lên đến hơn 660 người; trong đó có 13 cụ già trên tuổi “cổ lai hi” và 82 cháu nhỏ từ 3 ngày tuổi đến mẫu giáo, tiểu học. Chừng ấy con người thì chưa quá tải với tàu CSB8002, nhưng đa số chưa ai cơm nước gì từ đêm qua. May quá, gia đình đồng chí trưởng ngành hàng hải-thông tin của tàu là chủ một lò bánh mì lớn ở thị trấn Núi Thành. Thế là “quân lệnh” được phát đi, hàng trăm chiếc bánh đã xuất cho các đại lý trong toàn huyện được thu hồi về ngay. Nước khoáng, sữa hộp, sữa tươi... cũng được huy động đủ. Sau này, ông Chủ tịch huyện đảo Nguyễn Thanh (vào ăn Tết ở TP Tam Kỳ với gia đình, nhưng khi xảy ra sự cố đã theo bà con trở ra đảo) nói rằng, chưa bao giờ ông được ăn một ổ bánh mì ngon như hôm ấy.
Đúng Ngọ ngày Tất niên, tàu xuất phát ra đảo. Hành trình chỉ non 2 giờ vì sóng gió cấp 7-8 đối với tàu CSB8002 là bình thường, nhưng việc đưa bà con vào bờ với lỉnh kỉnh hàng Tết và còn có cả các cụ già, cháu nhỏ... là điều cả tàu bận tâm nhất. Không ngờ việc huy động tàu chuyển tải đã được các lực lượng chức năng trên đảo phối hợp chu tất; lại thêm kỹ năng đi biển của bà con Lý Sơn và sự can trường của lính cảnh sát biển, nên việc chuyển tải đã diễn ra thuận lợi, an toàn, vượt thời gian dự kiến. Điều kỳ diệu là trong cảnh “cứu hộ, cứu nạn” như thế mà không hề ồn ào, lộn xộn, sa sẩy chút nào... Hàng hóa ngổn ngang “trăm thứ bà dằn” vậy mà của ai về nhà nấy không thất lạc thứ gì...
Chuyển tải xong đã gần 9 giờ đêm Tất niên, tàu khẩn trương cơ động về đơn vị. Vừa hành trình vừa lo thu dọn boong tàu, sắp xếp bàn ghế, trang hoàng khánh tiết để chuẩn bị cho chương trình “Hái hoa dân chủ” đón Giao thừa. 11 giờ 30 phút tàu cập quân cảng, đã thấy Đại tá Tư lệnh Đào Hồng Nghiệp và Đại tá Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Trần Quang Tuấn đứng chờ trên bến, chúc mừng chiến công của anh em và đón Giao thừa cùng đơn vị. Đó là một đêm Giao thừa đặc biệt ấn tượng của cán bộ, chiến sĩ tàu CSB8002...
“Kéo đúp” và... “cứu đúp”!
Trong hàng chục vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển do các tàu của Vùng CSB2 thực hiện thành công trong mấy năm gần đây, có nhiều vụ việc diễn ra trên các vùng biển xa, trong điều kiện khó khăn, thời tiết phức tạp. Ngoài ra, các tàu còn tổ chức ứng cứu, khắc phục sau lũ lụt, cấp hàng trăm lít dầu, thuốc men, lương thực, thực phẩm cho các ngư dân bị nạn. Điển hình như năm 2009 đã cứu nạn tàu NB.2375 của tỉnh Ninh Bình bị hỏng máy trôi dạt vào cập cảng Chân Mây an toàn. Năm 2010 đã tìm kiếm tàu Phú Tân của Hải Phòng bị nạn trên vùng biển Cồn Cỏ. Năm 2011, đã tham gia cứu hộ tàu Phương Nam Star bị cháy trên vùng biển Quảng Nam. Đặc biệt, tàu CSB9002 thuộc Hải đội 201 từ ngày 31-3 đến ngày 4-4-2012 đã cứu nạn tàu cá QNg.90046-TS và 11 ngư dân bị hỏng máy, trôi dạt cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa 110 hải lý. Tiếp đó, từ ngày 17 đến 22-6-2012, tàu CSB9002 đã cứu nạn thành công tàu cá QNa.91594 và 12 ngư dân bị hỏng máy, trôi dạt trên khu vực đảo đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa; đã được Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn tặng Bằng khen…
|
Cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 đón Chủ tịch nước Trương Tấn sang đến thăm và làm việc, tháng 6-2014. Ảnh: HÀ TÂN HOÀN
|
“Sánh vai” với tàu CSB9002 có bề dày thành tích “xứng danh anh hùng”, tàu CSB4037 mới hạ thủy, bàn giao về đội hình Vùng CSB2 được gần 4 tháng, nhưng đã thực hiện thành công 3 chuyến ra khơi thực thi pháp luật trên biển và tìm kiếm, cứu hộ-cứu nạn xuất sắc. Đặc biệt, có 2 chuyến “kéo đúp” và “cứu đúp” rất ngoạn mục. Đặc biệt hơn nữa là chuyến “kéo đúp” và “cứu đúp” ấy lại diễn ra đúng lần xuất bến ra khơi đầu tiên của tàu. Đó là vào đêm 5-3-2016, tàu CSB4037 được lệnh lên đường tìm kiếm-cứu nạn tàu cá QNg.94326-TS bị nạn đang thả trôi cách đảo Hải Nam-Trung Quốc hơn 40 hải lý về phía Nam. Vượt qua hơn 140 hải lý trong đêm tối, đến sáng ngày 6-3-2016, tàu đã tiếp cận được mục tiêu, cứu chữa và tiếp tế cho 10 ngư dân trên tàu. Trên đường lai kéo chiếc tàu bị nạn về bờ, tàu CSB4037 nhận được lệnh tiếp cận cứu hộ tàu cá QNg.98362-TS cùng 12 thuyền viên đang bị nạn trong khu vực. Sau hơn nửa ngày tìm kiếm, cuối cùng tàu CSB4037 cũng tiếp cận được mục tiêu, tiến hành chăm sóc ngư dân và tổ chức lai kéo tàu QNg.98362-TS cùng về. Với một đội hình biên chế toàn “lính mới” trên con tàu còn rất “trẻ” thì chuyến “kéo đúp” ấy là một kỳ tích khó quên.
Nhưng chưa hết! Trong khi đang thực hiện chuyến “kéo đúp” trên đây thì tàu CSB4037 bắt được tín hiệu cấp cứu từ tàu cá ĐNa.36427-TS đang đánh cá trên ngư trường truyền thống. Thì ra, tàu vừa nhận được tin mẹ của một thuyền viên ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) vừa qua đời và xin gửi nhờ thuyền viên ấy về quê chịu tang mẹ. Được sự đồng ý từ Sở chỉ huy, tàu CSB4037 đã đón người thuyền viên ấy lên tàu, chia buồn cùng ông và chở ông về cảng Kỳ Hà, cử người đưa ông ra bến xe và hỗ trợ lộ phí cho ông kịp về quê viếng mẹ…
“Lớp ta có người hùng”!
Chúng tôi xuống thăm tàu CSB2012 của Hải đội CSB202 (thuộc Bộ tư lệnh Vùng CSB2) đúng hôm con tàu vừa hoàn thành chuyến công tác hơn một tháng tuần tra, thực thi pháp luật trên vùng biển được phân công. Thượng úy Thuyền trưởng Nguyễn Chí Hà và Chính trị viên Trần Ngọc Tân vừa tiếp chuyện chúng tôi vừa xuýt xoa phân trần, rằng tàu vừa cập bến sáng nay, chưa kịp vệ sinh, thu dọn sau hơn một tháng lênh đênh trên biển. Tôi nói: Như thế này càng “sát thực tế”. Có chuyện gì ấn tượng trong chuyến đi vừa rồi kể cho chúng tôi nghe với? Nguyễn Chí Hà nói rằng, hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, tìm kiếm cứu nạn trên biển là việc làm thường xuyên của cảnh sát biển, nhưng chuyến này ấn tượng nhất là hôm 22-5-2016 tàu hành quân về đảo Cồn Cỏ, được anh em Biên phòng cho xuồng ra “rước” lên tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 với quân và dân huyện đảo. Rất nhiều anh em trên tàu lần đầu tiên được đặt chân lên hòn đảo anh hùng “nở đầy hoa thắng trận”, ngỡ ngàng trước cảnh vật, con người của Cồn Cỏ hôm nay, nhưng rất tiếc vì nhiệm vụ trên tàu nên phải sớm chia tay đồng đội, đồng bào trên đảo...
Thế còn nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc? Chính trị viên Trần Ngọc Tân cho biết việc phát hiện, tuyên truyền và yêu cầu các tàu nước ngoài đang hoạt động trái phép rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì ngày nào cũng diễn ra. Riêng mức độ vi phạm phải đưa tổ kiểm tra lên các phương tiện để lập biên bản, điểm chỉ hải đồ và phóng thích yêu cầu rời khỏi vùng biển Việt Nam thì chuyến vừa rồi cũng gần bốn chục vụ. Tất cả đều được tiến hành chặt chẽ, ôn hòa; phía vi phạm cũng tỏ ra hợp tác và chấp hành các yêu cầu của Cảnh sát biển Việt Nam. Khi chúng tôi hỏi về chuyến tham gia tuyên truyền, đấu tranh đòi giàn khoan HD.981 của Trung Quốc rút khỏi vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi mùa hè năm 2014, Thuyền phó về quân sự Nguyễn Quốc Hoàn tiếc rẻ nói rằng: Lần ấy, tàu các anh ra Hoàng Sa tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền được chưa đầy một tuần thì bị tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm rách mạn trái, phải về Đà Nẵng sửa chữa và sau đó trực chiến trong bờ. Dịp ấy, tàu CSB2013 của Hải đội 202 cũng bị đâm vào be mạn phải, nhưng anh em trên tàu tránh đỡ được và tiếp tục trụ lại Hoàng Sa hơn một tháng, tham gia đấu tranh đến khi giàn khoan HD.981 phải rút khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam...
Khi chúng tôi hỏi về sự kiện trên đây của tàu CSB2013, Đại úy Thuyền trưởng Hoàng Tuấn Anh hào hứng kể: Gần chục năm trước, anh gia nhập lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam lúc ấy mới thành lập được dăm bảy năm. Mỗi dịp hội trường, họp lớp, nhiều bạn đồng môn cứ hỏi anh: Cảnh sát biển là gì? Cảnh sát biển có giống cảnh sát trên đất liền không? Mặc dù anh đã cố gắng giải thích nhưng có vẻ như mọi người vẫn chưa thỏa mãn vì chưa hình dung hết công việc của Cảnh sát biển Việt Nam. Sau chuyến công tác ở Hoàng Sa mùa hè năm 2014, tàu CSB2013 của các anh vinh dự được đón Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm hỏi, động viên. Bạn bè, người thân xem ti vi, thấy Tuấn Anh được bắt tay Đại tướng Bộ trưởng và Chủ tịch nước thì phấn khởi tự hào lắm. Đặc biệt là cộng đồng mạng thuộc lớp 12T1 niên khóa 1998-2001 của Trường chuyên Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) xôn xao loan truyền. Nào là: “Lớp ta có người hùng Hoàng Sa các bạn ơi!”. Nào là: “Tuấn Anh ơi, giờ thì chúng tớ biết Cảnh sát biển Việt Nam rồi!”. Lại còn giục Tuấn Anh xin nghỉ phép gấp để về hội trường, hội lớp nữa...
Hoàng Tuấn Anh tâm sự: Cuộc sống, điều kiện của Cảnh sát biển còn nhiều khó khăn, vất vả; nhất là việc cơ động thực thi nhiệm vụ thường đột xuất quanh năm và điều kiện hợp lý hóa gia đình để gần gũi giúp đỡ vợ con hạn chế hơn một số ngành nghề, lực lượng khác. Nhưng ngày nay, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được đông đảo nhân dân tin yêu, mến phục; được các ngành, các cấp quan tâm động viên, ủng hộ… nên ai cũng phấn khởi, tự hào và quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ...
Vâng, Cảnh sát biển Việt Nam là như thế!
Ghi chép của TUYÊN HÓA và ĐỨC NGHĨA