QĐND - Năm nay, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tiến Thụ đã vào tuổi bát tuần, nhưng dáng vẻ vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Những câu chuyện truyền thống ông kể với thanh niên và học sinh ấm áp, truyền cảm.

Anh hùng Nguyễn Tiến Thụ kể chuyện phá bom năm xưa với thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh: Quế Võ

Ông sinh năm 1934, quê làng Đình Cả, xã Nội Duệ (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Năm 1948, mới 14 tuổi nhưng Nguyễn Tiến Thụ đã thoát ly tham gia kháng chiến, làm liên lạc cho văn phòng huyện bộ Việt Minh. Để đề phòng quân địch càn quét bất ngờ, Thụ đã đào hầm bí mật hai lớp chuẩn bị cho các chú, các bác cán bộ huyện ẩn tránh. Đầu năm 1951, địch càn vào cơ quan huyện bộ, liên lạc viên đã hướng dẫn cho 6 cán bộ huyện xuống hầm ẩn nấp an toàn. Địch phát hiện ra cửa hầm. Kêu gọi mãi vẫn không có người đội hầm xin hàng, nên địch đã ném lựu đạn xuống hòng tiêu diệt. Do hầm hai lớp nên mọi người chỉ bị ngạt khói thuốc nổ chứ không ai bị thương hoặc bị bắt. Chờ đến tối hẳn, Nguyễn Tiến Thụ mới bò lên quan sát động tĩnh rồi dẫn mọi người thoát ra ngoài...

Sau trận càn này, cấp trên có chủ trương thành lập đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) Tô Hiệu, huyện đã cử chị Phạm Thị Lựu, cán bộ phụ nữ huyện phụ trách đơn vị này, trong đó có Nguyễn Tiến Thụ. Là chiến sĩ trẻ nhất nhưng Nguyễn Tiến Thụ được cấp trên tin cậy cử làm đội phó.

Đơn vị Tô Hiệu đã tham gia Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, rồi Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Sau khi tham gia phục vụ Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, Nguyễn Tiến Thụ được cử làm Đại đội phó Đại đội 404 chuyên phá bom nổ chậm tại trọng điểm ngã ba Cò Nòi và ngầm Hát Lót. Ngã ba Cò Nòi là giao điểm của Đường 13 và Đường 41, cửa ngõ huyết mạch tiếp tế cho Điện Biên Phủ, nên địch đánh phá rất ác liệt, mỗi ngày ném hơn 300 quả bom phá và bom nổ chậm loại lớn. Đường bị phá nát, cây cối trơ trụi, đồi núi lở loét. Tổ phá bom làm nhiệm vụ theo tinh thần cảm tử. Dụng cụ chỉ là cây thuốn sắt dài 4m tìm bom, cây xẻng đào đất làm lộ bom và gói bộc phá 3kg kích nổ bom. Một ngày giữa tháng 2-1954, địch thả hai quả bom 500kg xuống đường. Hai chiến sĩ Tạo và Ngoạn đào đất lộ bom chưa kịp đặt bộc phá kích nổ thì bom đã phát nổ khiến cả hai người hy sinh, riêng Nguyễn Tiến Thụ bị đất vùi…

Ngoài bom nổ chậm, địch còn thả loại bom rất hiểm ác là bom bướm. Một quả bom mẹ chứa tới 200 quả bom con bay khắp nơi. Mỗi quả bom con có khả năng sát thương hàng chục người ở cự ly gần. Tổ phá bom dùng dây giật, sào dài chọc kích nổ. Tuy nhiên có quả “gan lì” chọc giật mãi không nổ, chiến sĩ Vương Xuân Thới sốt ruột đã đến tận nơi cầm ném xuống vực. Đúng lúc đó bom nổ và Thới hy sinh.

Chứng kiến những cái chết của đồng đội, Nguyễn Tiến Thụ rất đau xót và quyết tìm ra cơ chế cấu tạo quả bom để có cách phá nổ an toàn nhất. Nghĩ rằng bom phát nổ chỉ gây sát thương phía trên, nên ông đào hố cá nhân, giơ hai tay lên cao mày mò tháo ngòi nổ. Một mình tháo ngược tháo xuôi, mồ hôi đầm đìa, mãi sau ông cũng lôi được cái ngòi nổ ra khỏi thân quả bom an toàn. Anh em reo hò vui mừng, kéo ông lên khỏi hố cá nhân mà “tung hứng”. Qua tìm hiểu, biết những quả giật, chọc không nổ là do kim hỏa không hoạt động theo cơ chế thông thường. Loại này cần gom vào một nơi an toàn rồi dùng bộc phá kích nổ là được. Kinh nghiệm này nhanh chóng được phổ biến tới tất cả các tổ phá bom trên toàn mặt trận, giảm được nhiều tổn thất cho các đơn vị tham gia chiến dịch.

Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Tiến Thụ được bầu là Chiến sĩ thi đua số 1 của lực lượng TNXP và Chiến sĩ thi đua toàn quốc ngành giao thông vận tải. Sau đó, ông tiếp tục rèn luyện phấn đấu, tham gia Trung ương Đoàn, làm Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh… rồi làm Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, Ủy viên Ban thư ký Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Ngày 23-7-2014 vừa qua, cựu chiến sĩ phá bom Nguyễn Tiến Thụ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

PHẠM THUẬN THÀNH