Nơi ông làm chiến sĩ ngày đầu tiên là căn cứ Ô Rây (phía tây bắc TP Đà Nẵng). Những buổi tối ngồi hỏi han người thiếu niên có gương mặt sáng láng, chất phác, đồng chí Chính trị viên Đại đội 3 đã có ý định bồi dưỡng cậu thành báo cáo viên. Xúc cảm đau thương của gia đình và quê hương đã được ông truyền lửa thành công hơn cả mong đợi, dù giọng Quảng Nam "rặt’’ không mấy dễ nghe. Sau đó Nguyễn Văn Thảng còn đi nói chuyện ở các đơn vị mới thành lập, tạo thêm động lực căm thù trong lòng các chiến sĩ trẻ quyết tâm giải phóng miền Nam, và con đường làm cán bộ chính trị của ông bắt đầu từ đó...

 Trung tướng Nguyễn Văn Thảng cho rằng, làm cán bộ chính trị không chỉ biết nói mà còn phải biết xung trận. Sau khi ra miền Bắc học ở Học viện Chính trị quân sự (nay là Học viện Chính trị), ông vào Nam chiến đấu trên cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320A, có mặt cùng những trận đánh then chốt của đơn vị. Ngày 29-4-1975, trên đường tiến vào Sài Gòn (lúc này ông là Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 9), đơn vị ông phối hợp với các đơn vị bạn đánh vào căn cứ Đồng Dù của Sư đoàn 25 ngụy.

Tháng 4-1981, khi đó Nguyễn Văn Thảng là Bí thư Đảng ủy, quyền Chính ủy Trung đoàn 29, Sư đoàn 307, khi đi họp Đảng ủy Sư đoàn ở Prếch Vi-hia trở về thì lọt vào ổ phục kích của Pôn Pốt. 6 chiến sĩ của ta hy sinh tại chỗ, số còn lại hầu hết bị thương. Từ trong ô tô, Chính ủy Thảng bình tĩnh lấy súng AK của đồng chí lái xe, cùng đồng chí Đông (Chính trị viên Đại đội vận tải) lợi dụng địa hình địa vật bắn trả quyết liệt. Sau hơn 30 phút, địch bị tiêu diệt một số tên, số còn lại bỏ chạy...

Những trận đánh như thế không hiếm trên bước đường binh nghiệp và đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên đối với ông.

HỒNG VÂN