Chiều 28-3-1959, tại Câu lạc bộ Quân nhân Hà Nội, hơn 600 đại biểu thay mặt cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đang chắc tay súng ở biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa về dự lễ khai sinh lực lượng CAND vũ trang. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha thân yêu của LLVT cách mạng, đến dự lễ và huấn thị cho toàn lực lượng.

leftcenterrightdel
Tượng đài "Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng" tại Điện Biên. Ảnh tư liệu

Trước khi đến dự lễ, Bác Hồ đã được nghe phản ánh về tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Họ vẫn còn nhiều băn khoăn: Sang lực lượng mới về chế độ, chính sách liệu có còn được như khi ở Quân đội nhân dân nữa hay không? Để giải đáp những băn khoăn ấy, Bác không giải thích nhiều về lý luận mà lấy hình ảnh để chứng minh. Bác chỉ vào Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, lúc này ngồi ở hàng ghế đầu, nói: “Chú Tuệ đứng dậy!”. Với bộ lễ phục màu trắng, cấp hiệu, phù hiệu màu xanh lá cây, viền quanh là hình bông lúa, giữa có ngôi sao vàng năm cánh; Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đứng dậy, gương mặt phấn khởi nhìn Bác. Bác nói tiếp: “Chú quay mặt lại phía sau!”. Sau khi Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ quay mặt về phía sau, Bác hỏi mọi người trong hội trường: “Nhìn vị tướng này, các chú thấy còn gì phải băn khoăn, thắc mắc nào?”. Mọi người nhìn nhau, hiểu ra. Ý Bác đã rõ, CAND vũ trang hay Quân đội nhân dân đều là LLVT của Đảng, Nhà nước, như vậy thì mọi chế độ, chính sách không thay đổi. Mọi người vui vẻ làm hội trường sôi động hẳn lên. Bác cũng cười, âu yếm hỏi lại: “Các chú còn thắc mắc gì nữa không?”. Tất cả đồng thanh đáp: “Thưa Bác, không ạ”.

Sau khi nói chuyện, giao nhiệm vụ xong, Bác tóm tắt những ý chính thành một bài thơ. Khi đọc đến câu: “Dũng cảm trước địch, phấn bất cố thân”, Bác dừng lại nói: “Bác vội, dùng câu “phấn bất cố thân” là ý muốn nói: Vì nước không nghĩ đến tấm thân mình. Chú nào có ý hay, sửa cho gọn”. Ở giữa hội trường, một đồng chí đứng lên thưa với Bác: “Dạ, thưa Bác, xin lấy lời Bác là “vì nước quên thân” thay cho “phấn bất cố thân” có được không ạ?”. Bác lắng nghe, hỏi lại: “Vì nước quên thân” thay cho “phấn bất cố thân”, có được không?”. “Dạ, thưa Bác được ạ”. Cả hội trường lại vang lên tiếng cười vui phấn khởi. Bác cũng cười vui vẻ và nói: “Cho hay, việc đánh giặc cũng như làm thơ, có ý kiến của quần chúng tham gia vào là tốt thực”.

Từ đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng có bài thơ Bác tặng, đó là: Đoàn kết, cảnh giác/ Liêm chính, kiệm cần/ Hoàn thành nhiệm vụ/ Khắc phục khó khăn/ Dũng cảm trước địch/ Vì nước quên thân/ Trung thành với Đảng/ Tận tụy với Dân. Lời căn dặn và bài thơ của Bác tặng đã ghi sâu vào tâm trí của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong các thế hệ Bộ đội Biên phòng.

TRÚC LINH