Từ đó, anh dấn thân vào con đường nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp suốt 20 năm qua, nhưng chỉ đi sâu khai thác và gắn bó chung thủy với đề tài người lính.
    |
 |
Tác phẩm “Hành quân trong rừng tràm Tân Tiến”. Ảnh: TRẦN KIM LUẬN |
Đầu năm 1983, anh Trần Kim Luận, sinh năm 1965 (hiện là hội viên Phân hội Nhiếp ảnh, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh An Giang), tình nguyện nhập ngũ và được biên chế về Đại đội Cối 16, Trung đoàn 10, Sư đoàn 339, Mặt trận 979, Quân khu 9, chiến đấu ở Mặt trận Pu Sát. Cuối năm 1984, anh chuyển về Tiểu đoàn 1B, Đoàn 9905 thuộc Bộ CHQS tỉnh An Giang, đóng quân ở Tà Keo. Anh Luận nhớ lại: “Về Tiểu đoàn 1B, tôi được cử đi học khóa đào tạo ngắn hạn quân khí viên. Lúc đó ở tiểu đoàn có anh Nguyễn Thiên Sơn, chiến sĩ thông tin, chuẩn bị xuất ngũ. Biết tôi thích chụp ảnh nên anh Sơn đã hướng dẫn để tôi thay anh chụp ảnh cho đơn vị. Sau một tuần được anh Sơn tận tình chỉ cách sử dụng máy, phương pháp lấy ánh sáng, tốc độ, bố cục... tôi bắt đầu theo chân bộ đội ghi lại cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu của anh em”.
    |
 |
Tác phẩm "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". |
Tháng 8-1986, anh Luận xuất ngũ. “Gia đình gom góp tiền mua cho tôi cái máy ảnh “cùi bắp” để đi chụp dạo... kiếm cơm. Lúc đó, anh Quảng Ngọc Minh-người đã khá nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh nghệ thuật của tỉnh An Giang-là người đầu tiên chỉ dạy tôi những nét cơ bản về chụp ảnh nghệ thuật, đồng thời cũng khuyên tôi nên theo đuổi nghề này. Năm 1995, tôi thi đậu vào Khoa Mỹ thuật-Nhiếp ảnh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Năm 1998, tôi ra trường, về nhận công tác ở trung tâm văn hóa-thông tin tỉnh. Từ đó, tôi bắt đầu chụp ảnh mang tính chuyên nghiệp hơn và xem đó là nghề nuôi sống bản thân và gia đình”, anh Luận kể.
Tuy nhiên, trong khi đồng nghiệp chọn studio chụp đám cưới hay phong cảnh, thậm chí là khai thác vẻ đẹp thiếu nữ qua góc ảnh nude để in lịch Tết, mong có thu nhập trang trải cuộc sống thì anh Luận lại chọn... bộ đội, một đề tài không phải “hot” lúc bấy giờ. Anh Luận giải thích: “Đối với tôi, hình ảnh người lính thật sự rất thiêng liêng. Bởi người lính thời chiến cũng như thời bình không kém phần gian khổ, vất vả, nhiều lúc chấp nhận hy sinh. Tôi đã đi đến các đơn vị biên giới, đã cùng ăn, cùng ở, cùng ra thao trường huấn luyện với anh em nên cảm nhận rõ điều đó; nhất là tinh thần nhiệt huyết, tếu táo của chiến sĩ trẻ hiện nay. Qua họ, tôi thấy một thời quân ngũ của mình trong đó”.
    |
 |
Tác phẩm “Giúp dân ngăn lũ”. |
Và suốt 20 năm cầm máy, anh chưa hề rời hoạt động của người lính. Từ ngày các chàng thanh niên mới “chân ướt chân ráo” khoác lên mình bộ quân phục; cái xa lạ, ngỡ ngàng của cuộc sống “ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân” cho đến những bước tập đi theo nhịp đếm, những bài chiến thuật dưới cái nắng nóng vùng biên giới, những buổi tăng gia rộn vang tiếng cười... “Trong số rất nhiều mảng, tôi đặc biệt tâm đắc với đề tài dân vận, nhất là hình ảnh người lính thời bình luôn sát cánh cùng nhân dân trong lúc khó khăn như thiên tai, bão lũ. Tôi muốn ghi lại những khoảnh khắc đó để có dịp sẽ tổ chức triển lãm, giúp người dân hiểu hơn về người lính “đi dân nhớ, ở dân thương”, anh Luận bộc bạch.
    |
 |
Trần Kim Luận cùng các chiến sĩ Trung đoàn 3 (Sư đoàn 330) xem lại tác phẩm vừa thực hiện trong chuyến hành quân về giúp dân tại xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành (An Giang). Ảnh: HỒ KIÊN |
Qua 20 năm theo đuổi ảnh nghệ thuật về đề tài người lính, anh Luận đã đoạt hơn 300 giải thưởng tại các hội thi ở Trung ương và địa phương. Năm 2018, tại Cuộc thi Ảnh thời sự-nghệ thuật chủ đề “LLVT An Giang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới”, anh đoạt 4/11 giải thưởng, trong đó có 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải khuyến khích. Riêng tác phẩm “Hành quân trong rừng tràm Tân Tiến” của anh được Quân khu 9 chọn trưng bày để giới thiệu nét đặc trưng của đất và người An Giang. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Ngọc Minh, Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh thuộc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh An Giang, luôn hài lòng với người học trò của mình: “Trần Kim Luận cảm nhận được thần thái, tâm trạng của người lính nên bắt đúng khoảnh khắc ấn tượng, tạo cho nhân vật “cái hồn” rất sống động. Đó là ưu thế của anh Luận khi sáng tác về đề tài người lính”.
Nói về dự định sắp tới, anh Luận cho biết: “Tôi đang hoàn thiện bộ ảnh về người lính từ lúc vào đơn vị cho tới các chế độ học tập, sinh hoạt, huấn luyện, diễn tập; trong đó đi sâu vào công tác vận động quần chúng và giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới. Có thể xem đây là những nét phác họa cơ bản chân dung người chiến sĩ tỉnh An Giang thời bình”.
HỒ KIÊN GIANG