QĐND - Rời phố phường Hòa Bình, hút theo núi rừng, chúi mấy lần cùng dốc đèo hiểm trở và ngợp giữa màu xanh của núi rừng mà chúng tôi vẫn chưa thấy xóm Bãi Tam, xã Đú Sáng đâu cả. Tôi quay sang, định nêu câu hỏi “Còn bao xa?” với Trung tá Bùi Đức Linh, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị, Ban CHQS huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, thì thấy anh đã ra hiệu dừng xe. Trước mắt chúng tôi là một khoảng sân rộng và một ngôi nhà dài lợp tôn xanh có tên: Nhà văn hóa xóm Bãi Tam.

Nhà văn quân đội Đỗ Tiến Thụy đi cùng tôi có vẻ ngỡ ngàng trước mấy cái xích đu bằng inox sáng bong trong nắng và dãy ghế đá còn khá mới. Nếu bảo đây là nhà văn hóa của một phường trong thành phố thì có lẽ cũng không ngoa. Đó là chưa tính đến chuyện ở phố đâu có nhiều đất để có một khuôn viên đủ chia làm mấy sân chơi thể thao thế này? Một thanh niên đang chơi thể thao trong sân giải đáp thắc mắc của chúng tôi: Nhà văn hóa xóm xây lâu rồi nhưng hai năm nay nhờ các anh bộ đội nên mới được thế này.Ban CHQS huyện Kim Bôi còn tặng cho xóm một bộ trang thiết bị hội trường. Các anh bộ đội đã cùng bà con lợp mái, hoàn thiện nội thất, làm thêm một gian và sân chơi… Dấu ấn bộ đội còn nhiều nơi trong xóm nữa....

Lực lượng dân quân xây nhà vệ sinh cho bà con xã Đú Sáng, năm 2010.

Rời nhà văn hóa, chúng tôi bước ra con đường trải nhựa, rộng đủ cho hai làn xe ô tô tránh nhau, thi thoảng ngoái lại theo bóng một chiếc xe mang sắc áo của bà con người Mường lướt qua. Phía bên kia đường có một bà mế người nhỏ nhưng nhanh nhẹn, cười tươi tắn không thua sắc màu trang phục mới tinh trên người. Hỏi thăm mới hay mế đã trên 70 tuổi, đang đi ra trạm y tế xã để khám bệnh. Khách hỏi vui: Sao mế không hái lá cây rừng làm thuốc? Mế cười: Phải kết hợp chứ! Cả thuốc tây và thuốc lá. Cháu mế đang chờ để chở đi bằng xe gắn máy...

Tạm biệt mế cũng là lúc chúng tôi đến đầu con đường có tấm bảng đề: “Công trình xây dựng đường giao thông. Mô hình làng văn hóa quốc phòng. Khởi công ngày: 15 tháng 10 năm 2009. Hoàn thành ngày: 5 tháng 11 năm 2009”. Đi được một đoạn trên con đường ấy thì tất cả cùng phải ngước lên một ngôi nhà sàn không còn mới nhưng cao hơn bình thường. Trước hiên nhà là một vườn rau khá rộng. Có một người phụ nữ đang lúi húi hái rau. Sau bà là những hốc mướp đang lên mầm. Đường ống nước được lắp men theo hàng rào. Chuyện trò chúng tôi mới hay, gia đình bà Bùi Thị Diên dùng những ống nước ấy để dẫn nước từ trên khe núi xuống, vừa để sinh hoạt và tưới rau trong khu “Vườn rau sạch mô hình xây dựng làng, bản văn hóa quốc phòng”. Đứng trên nhà sàn nhìn qua khe gỗ, thấy loang loáng màu vàng và loe lóe ánh sáng. Bước xuống thấy cả một đống ngô vàng ươm, bên cạnh cái máy tẽ ngô. Xa xa có một chiếc máy cày và mấy chiếc xe máy. Bãi Tam có tiếng là xóm nghèo, nằm cách trung tâm xã Đú Sáng khoảng 7km. Xã Đú Sáng cách trung tâm huyện 20km về phía bắc, có địa bàn rộng, dân cư thưa, được xếp diện đặc biệt khó khăn. Đường không quá xa nhưng đi lại cách trở với đường đèo ngoằn nghèo, dốc cao, ngầm sâu, có một số chỗ hay sạt lở, rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ. Năm 2009, Bãi Tam có 103 hộ thì đã có tới 44 hộ nghèo, chiếm 42,7%… Sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chủ yếu trong cơ cấu kinh tế. Đường làng ngõ xóm chỉ bằng đất. Người dân còn duy trì nhiều hủ tục, có tập quán sinh hoạt và canh tác lạc hậu như còn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn, không có khu vệ sinh…

Sự đổi thay đã đến vào năm 2009, không chỉ riêng xóm Bãi Tam mà là cả xã Đú Sáng, khi Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng mô hình làng, bản văn hoá-quốc phòng". Đây là mô hình trọng tâm, nhằm thực hiện đề án "Làng, bản ấm no, không còn nghèo đói - Sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh - Gia đình hoà thuận, con cháu thảo hiền - Làng xóm yên vui". Đề án có 4 nội dung: Giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình; Xây dựng môi trường làng, bản "xanh, sạch, đẹp; Xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư; Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động quốc phòng-an ninh vững mạnh. Và xóm Bãi Tam, xã Đú Sáng đã được chọn là nơi xây dựng mô hình đầu tiên. Sự chuyển biến diễn ra ở mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 28,4% vào năm 2013. Sau đó, mô hình này đã được nhân rộng ở 18 điểm nữa trong tỉnh.

Với phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân”, trong thời gian triển khai đề án, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình, mà trực tiếp là Ban CHQS huyện Kim Bôi, đã tham gia và vận động nhân dân tu sửa, nâng cấp đường với 620 công, có tổng khối lượng là trên 300m2 đất đá, làm mới 1,2km đường bê tông nông thôn với tổng khối lượng 500m2 bê tông... Qua sự tuyên truyền vận động của bộ đội, nhân dân đã nhất trí di dời 312 chuồng trại gia súc, gia cầm, không còn nuôi, nhốt dưới gầm nhà sàn. Riêng trong thời gian huấn luyện lực lượng dân quân xã Đú Sáng, bộ đội huyện đã vận động di dời và nâng cấp 40 công trình vệ sinh của nhân dân với tổng số 480 ngày công, giúp nhân dân các loại vật liệu xây dựng trị giá 40 triệu đồng. Sau đó, các anh đã hỗ trợ củng cố khuôn viên nhà văn hóa xóm, huy động 350 công xây dựng nâng cấp 1 đập chắn nước, làm đường ống dẫn nước sạch, tu sửa nhiều bể nước sạch; cải tạo 4 vườn cây và 7 ao thả cá... Các vườn tạp được cải tạo, quy hoạch, hướng dẫn, hỗ trợ giống và phân bón để trồng mít Thái Lan, mướp đắng, bí xanh và cây ngô lai mang lại hiệuqủa kinh tế cao. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh mở lớp thợ gò hàn cho 200 lượt người. Cũng trong thời gian này, một căn nhà tình nghĩa đã được xây dựng và trao tặng cho mẹ liệt sĩ; rồi tổ chức phong trào quyên góp quần áo, phối hợp khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật cho hàng ngàn lượt người.

Tạm biệt xóm văn hóa-quốc phòng, chúng tôi mang về nhiều hy vọng... Những chuyển động tích cực mang đến sự ấm no sẽ tiếp tục lan theo những con đường bao trùm cả xóm Bãi Tam, xã Đú Sáng. Sự đổi thay ấy đã bắt đầu và đang đồng hành cùng màu xanh của núi rừng và màu xanh áo lính.

Bài và ảnh: QUỲNH LINH