Hơn 7 giờ sáng ngày 8-10, tôi có mặt tại bến Phong Châu, cách hai ngày sau khi cầu phao PMP được bắc và đi vào hoạt động trở lại.

Từ bờ hữu phía bên huyện Tam Nông, phóng tầm mắt xuống mặt nước, cầu phao PMP giống như một con đập màu xanh nằm phơi dưới nắng thu lành lạnh hơi sương. Chiếc cầu không thẳng băng, vuông góc với dòng chảy như tôi tưởng tượng mà giữa dòng chảy hơi vồng lên về phía thượng lưu. Tôi cũng quan sát thấy, mép nước ở thành phà phía thượng lưu và hạ lưu có sự chênh lệch khá lớn. Trên mặt cầu, người xe hai chiều đi lại với tốc độ chậm, nhưng trật tự và ổn định. Thỉnh thoảng, có chiếc xe thồ hàng nặng, lập tức hai chiến sĩ to cao từ hai bên mép đường lên xuống bến di chuyển đến hộ tống. Họ đẩy xe vượt lên đoạn dốc tức hơn 10%. Mồ hôi đọng đầy trên những khuôn mặt chiến sĩ trẻ măng. 

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường trao quà tặng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 249 làm nhiệm vụ bắc cầu phao PMP tại bến Phong Châu. Ảnh: VIỆT HÙNG

Xuống mặt cầu, tôi đã thấy Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Công binh ở đấy. Tôi thấy anh chỉ đạo cán bộ của Lữ đoàn 249 nhắc bộ đội hành động tập trung, dứt khoát, tuyệt đối bảo đảm an toàn cho phương tiện và người di chuyển trên cầu. Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường cũng yêu cầu Lữ đoàn chuẩn bị con người, phương tiện và các mặt bảo đảm khác để sẵn sàng thay thế, sửa chữa các đốt phao, thiết bị của cầu khi gặp sự cố.  

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh từ năm 1987. Thời học viên, anh thực tập trung đội trưởng công binh tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 549, Mặt trận 479, đóng quân ở Kampong Cham, Campuchia. Ra trường về Binh chủng Công binh công tác, anh từng đảm nhận nhiều chức vụ rồi phát triển lên đến Chính ủy Binh chủng như hiện nay. Năm 2003-2004, anh cùng đội ngũ cán bộ Lữ đoàn 239 bắc cầu phao PMP tại Khuyến Lương.

Trước khi xuống hiện trường, anh vẽ cho tôi hiểu về dòng chảy phức tạp ở đây. Theo đó, khi qua cầu Phong Châu, dòng chảy bị bóp rồi bị bẻ và xoáy trở lại bờ hữu bên huyện Tam Nông. Anh kể, hôm cơ động đến vị trí Lữ đoàn 249 làm nhiệm vụ, anh đã thâm nhập thực tế và thu được thông tin bổ ích về đặc điểm dòng chảy của con sông cùng địa hình tại đây. Anh cũng chỉ đạo lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Phú Thọ và các sở, ngành của tỉnh xây dựng quy chế phối hợp vận hành cầu bảo đảm an toàn, trên cơ sở “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả và rõ trách nhiệm”. Thực tiễn cho thấy, chỉ đạo của đồng chí Chính ủy Đinh Ngọc Tường là rất chính xác. Bởi nó giúp bảo đảm an toàn cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ.  

Sải bước trên mặt cầu, tôi cảm nhận được sự rung lắc, nhưng không lớn như khi đứng trên mặt của một số cây cầu kết cấu thép đã già cỗi. Đến giữa cầu, nhìn thấy dòng nước xoáy xiết, đầu quay quay nên tôi đành hướng mặt ra xa để giảm áp lực.

leftcenterrightdel
 Cầu phao PMP do Lữ đoàn 249 bắc, nối hai bờ sông Hồng thuộc huyện Tam Nông và Lâm Thao (Phú Thọ) giúp việc đi lại của nhân dân được thuận tiện. Ảnh: HỮU ĐẠT

Bỗng đâu một cây chuối to màu lá còn xanh thẫm lao vun vút trên mặt nước. Thân chuối đâm vào thành phao nghe rõ tiếng “kịch” va đập. Một chiến sĩ mặc áo phao di chuyển đến. Anh cúi thấp người và tì đầu câu liêm vào cây chuối, dìm nó xuống. Cây chuối mất hút dưới dòng nước xiết nhờ đục ở đáy đốt khơi. Xong công việc, Thiếu tá QNCN Trần Duy Phương, nhân viên lái cano ngẩng lên nói với tôi rằng, lưu tốc dòng chảy trung bình hiện nay chỉ khoảng 1,3-1,7m/giây, chưa thấm gì so với ngày 30-9. Lúc ấy, khi cầu phao chưa cắt, nhiều thân cây gỗ to hơn bắp đùi lao vun vút như tên trên mặt nước.

Vì trong giờ làm việc cần sự tập trung nên tôi chỉ hỏi được anh Phương những thông tin cơ bản. Theo đó, mỗi ca trực hai người kéo dài trong 8 giờ, sau đó sẽ có kíp khác đến thay thế. Khi cầu PMP không hoạt động thì vẫn phải gác ở đó. Họ có nhiệm vụ phát hiện các vật thể trôi nổi từ xa để dìm nó xuống cùng vô vàn các tình huống khác.

Khi sang đến bờ tả thuộc địa bàn của huyện Lâm Thao, tôi kéo Thượng tá Nguyễn Huy Hoàng, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 249 ra một góc trò chuyện. Trước khi đảm nhận chức vụ này, anh Hoàng là Trưởng khoa Cầu đường-Vượt sông của Trường Sĩ quan Công binh. Tôi hỏi anh Hoàng:

- Nhiều người nghĩ, công binh có thể bắc cầu, phà PMP trong mọi điều kiện. Thực hư điều ấy thế nào hả anh?

leftcenterrightdel

Cầu phao PMP do Lữ đoàn 249 bắc bảo đảm cho hàng nghìn lượt người và phương tiện đi qua mỗi ngày. Ảnh: VIỆT HÙNG 

Bằng chất giọng nhẹ, anh Hoàng chia sẻ, trên lý thuyết, việc bắc cầu hay phà PMP phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và do người chỉ huy có thẩm quyền quyết định. Để bắc được cầu phao PMP thì ngoài yếu tố kỹ thuật bảo đảm phương tiện hoạt động tốt, an toàn, ổn định thì còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, địa chất, thủy văn. Thông thường, lưu tốc dòng chảy trung bình phải dưới 2m/giây; đường lên xuống bến có độ dốc dọc nhỏ hơn 12%; độ hẫng lưỡi bến nhỏ hơn 0,3m thì hạ thủy và bắc cầu được.

- Nhưng thực tế hiện trường ít khi hội tụ đủ 3 điều kiện lý tưởng ấy. Trong đó, lưu tốc dòng chảy chính là yếu tố khó khắc phục nhất. Trong thiết kế, cầu PMP đã có mố phụ và các hệ neo đi kèm, nhưng nó chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên ở nước Nga xa xôi. Còn trong điều kiện lũ lớn như ở Việt Nam thì nó chưa phù hợp, cần phải có sự nghiên cứu tích hợp thêm một số thiết bị.

- Ồ, nói như vậy thì chiếc cầu này đang được Lữ đoàn 249 ứng dụng thêm một số thiết bị, nó như thế nào hả anh-tôi tò mò hỏi.

- Đúng anh!

Rồi anh Hoàng chỉ tay về phía thượng lưu.

- Anh có nhìn thấy chiếc phao xanh lập lờ ở giữa dòng kia không? Đó là điểm dấu của neo chùm đấy.

Lúc này thì tôi nhớ ra từng thấy nó khi ở giữa mặt cầu. Nhìn chiếc phao màu xanh cách mép ngoài mặt cầu khoảng 40-50m cứ lập lờ, liên tục chìm nghỉm theo dòng nước xiết rồi lại nhô lên, tôi tưởng đó là dấu của lực lượng cứu hộ.

Anh Hoàng nói tiếp, ngoài cái neo này còn hệ neo “râu tôm”.

- Nó được thiết kế thế nào hả anh?

- Khá đơn giản anh ạ. Chúng tôi đóng cọc sắt chữ I có bề mặt rộng 30cm ở trên bờ rồi mắc cáp lụa to như ngón chân cái để liên kết với các đốt khơi. Các sợi cáp được tính toán lắp đặt, liên kết sao cho độ căng vừa đủ để neo giữ đốt cầu mà không bị quá lệch. Thế nên nhìn kỹ thì thấy các đốt khơi hơi vồng lên về phía thượng lưu. Nó như một chàng thanh niên ưỡn ngực đón cơn gió mạnh ào ạt thổi tới.

Giờ thì tôi đã hiểu. Lúc ở giữa cầu, tôi thấy Thiếu tá QNCN Trần Duy Phương dùng câu liêm đâm, gỡ những vật thân mềm trôi nổi mắc ở dây cáp nằm chéo mặt nước, tạo thông thoáng cho dòng chảy. Nó chính là “râu tôm” mà anh Hoàng nói có tác dụng ghìm giữ các đốt cầu.

Rời mặt cầu PMP, chúng tôi cơ động về sở chỉ huy tiền phương của Lữ đoàn 249. Họ ở trong một dãy nhà cấp 4 khang trang và sạch sẽ nằm trên một quả đồi, cách khu dân cư khá xa. Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường nói với tôi rằng, trước đây nó là dãy nhà bỏ hoang, được nhân dân dùng nhốt gia súc. Sau khi bộ đội về, nó được cải tạo lại. Bằng đôi bàn tay lính thợ khéo léo, họ đã lắp cửa nhôm kính, cửa chớp và lăn sơn nên khá sạch đẹp.

Khi đi thăm nơi ở của cán bộ, chiến sĩ các phân đội làm nhiệm vụ ở đây, tôi rất bất ngờ. Tỉnh Phú Thọ đã dựng một nhà tôn rộng tới hơn 300m2 nền láng xi măng cho bộ đội nghỉ ngơi rất thoáng mát. Ngoài ra còn có một tháp chứa nước rất lớn và thiết bị vệ sinh hiện đại đi kèm. Tôi mở khóa nước vòi hoa sen inox sáng bóng ở phòng tắm, một dòng nước trong mát tuôn chảy lấp lánh.

Đa phần bộ đội công binh đi thực hiện nhiệm vụ ngoài doanh trại ở nhà tạm, nhà bạt; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt hoàn toàn dã chiến, ít được sinh hoạt trong điều kiện khá đầy đủ như vậy. Sang một phân đội khác, chúng tôi càng bất ngờ hơn khi nhân dân địa phương dành cả nhà văn hóa to rộng để bộ đội ở.

Đại tá Đỗ Hữu Tiềm, Chính ủy Lữ đoàn 249 tâm sự với tôi, có ngày, nhân dân thồ cả xe rau xanh đến tặng bộ đội. Bà con nói rằng, mong bộ đội có sức khỏe, tinh thần để nhanh chóng bắc cầu, lái phà nối liền hai bờ.

Sau khi Lữ đoàn 249 phải rút cầu vì nước lũ và lưu tốc dòng chảy quá lớn, qua đọc thông tin trên không gian mạng, tôi thấy một số người băn khoăn, thắc mắc. Khi đến hiện trường, tôi mới thấy bộ đội Lữ đoàn 249 vất vả thế nào! Tôi thấm thía lời của Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường, một dòng sông nhưng dòng chảy từng chỗ khác nhau. Chỗ bắc cầu phao PMP là đoạn cua của sông Hồng phát sinh dòng chảy cực đoan và những xoáy nước khó cho việc bắc cầu, phà. Tuy nhiên, điểm ấy lại giải quyết được bài toán tận dụng đường sẵn có để vào bến thuận lợi, không phải mở đường tốn kém.

Tôi thấy những quyết định ấy của Binh chủng Công binh và Lữ đoàn 249 là chính xác. Bởi nước lũ cũng chỉ tồn tại một thời gian nhất định, chứ không thể kéo dài suốt năm, suốt tháng. Tới đây, khi cầu ổn định, cơ quan chức năng sẽ tính toán, có thể cho phép phương tiện tải trọng lớn hơn đi qua. Lúc ấy, việc bảo đảm kỹ thuật và an toàn cho cầu hoạt động trơn tru còn khó khăn hơn nữa. Nhưng tôi tin rằng, với truyền thống "Mở đường thắng lợi" và bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần vượt khó, hết lòng phục vụ nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 249 sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...

Ghi chép của NGUYỄN ĐĂNG CHIẾN