Đại tá Nguyễn Gia Quang, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Kho K752 đích thân đưa tôi đến Phân kho VT1. Qua rất nhiều cổng cùng các thủ tục đăng ký, chúng tôi mới vào được Kho 414A. Anh đưa cho tôi chiếc khẩu trang và dặn, nhớ đeo khi vào kho, đặc biệt là không được cầm theo bật lửa, vật dễ gây cháy nổ.

Đón chúng tôi ở cửa kho là một phụ nữ cao dong dỏng, có khuôn mặt ưa nhìn. Chị mang trên mình bộ bảo hộ lao động màu cỏ úa đã cũ và đội chiếc mũ công nhân. Chính trị viên Nguyễn Gia Quang giới thiệu chị tên là Trịnh Thị Ái Vân, sinh năm 1983 và là thủ kho, mang cấp bậc đại úy QNCN. Kho K414A do chị quản lý chứa hàng thanh xử lý với hàng nghìn vật tư các loại, trong đó có những loại vật tư quý hiếm nhiều hơn tuổi thủ kho đến 15 năm. Ngoài Kho 414A, đồng chí Vân còn quản lý hai kho khác, kho nào cũng rộng hàng nghìn mét vuông và chứa đầy vật tư từ bé như ngón tay cho đến những loại có kích thước lớn, hình thù đủ dạng, trọng lượng từ vài cân đến cả hơn 100kg. Ở Kho K752, có rất nhiều nữ thủ kho như chị Vân.

Nhìn phong thái, dáng đi thanh thoát, uyển chuyển của chị Vân, tôi trộm nghĩ, chắc công việc coi kho không đến nỗi vất. Tôi thật thà khơi chuyện:

- Coi kho một mình cả ngày thì buồn lắm. Chị nên mang cuốn sách đến để đọc. Đọc sách lợi lắm!

- Ối trời, nhìn thế thôi anh ơi, công việc của chúng em bận hơn chăm tằm ấy chứ. Làm cả năm nhưng không hết việc đâu, có cả việc không tên anh ạ!

- Chị có thể cho tôi xem một việc không tên được không?

Chị Vân gật đầu và đi lại phía tủ ở góc phòng, rồi lôi ra chiếc đèn pin. Chị nói dứt khoát: "Các anh theo em".

Theo vết sáng loang loáng phát ra từ chiếc đèn trên tay chị Vân, chúng tôi đi sâu vào kho. Qua cửa không lâu, tôi nhận thấy nơi đây có một thứ mùi rất khác lạ, khó gọi tên. Nó hơi hôi hôi và hăng hắc, rất khó phân biệt. Quả thật, nếu không đeo khẩu trang, chắc tôi sẽ phải hắt hơi liên tục.

Dừng lại ở một góc kho, soi đèn vào tường, chị Vân nói:

- Các anh có nhìn thấy vết đen thẫm loằng ngoằng hằn trên tường không? Nó là đường đi của mối đấy. Chị em thủ kho ở đây ai cũng phải chống mối anh ạ. Công việc ấy không hề đơn giản.

leftcenterrightdel

Phòng, chống cháy nổ cho kho từ xa. Ảnh: HOÀNG CHÍN 

leftcenterrightdel

Kiểm tra vật tư sau bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ tại các phân kho. Ảnh: HOÀNG CHÍN

leftcenterrightdel

Cán bộ, nhân viên Kho K752 tiến hành bảo quản vật tư định kỳ. Ảnh: HOÀNG CHÍN

Sau một vòng dạo quanh nhà kho, chúng tôi trở ra ngoài. Bỏ khẩu trang, hít một hơi thật sâu luồng không khí ngoài trời, tôi thấy cơ thể khoan khoái giống như người đi trong nắng nóng vớ được cốc nước mát. Lúc này chị Vân mới tâm tình, công việc của các thủ kho không chỉ xoay quanh cụm từ: "Tiếp nhận, sắp xếp-cất giữ-bảo quản và cấp phát” mà rộng hơn thế rất nhiều.

Hằng ngày đến kho, việc đầu tiên của chị Vân và các thủ kho khác là phải kiểm tra kỹ lưỡng... lũ mối. Hầu hết các kho đã có tuổi đời hơn 70 năm và hòm, hộp đựng vật tư làm bằng gỗ nên vô tình trở thành món ăn yêu thích của mối. Thậm chí có lúc chúng còn đục cả nền bê tông. Phát hiện ra đường đi của mối là phải xử lý ngay bằng cách di chuyển hàng lên giá cao, đồng thời khoanh vùng, phong tỏa đường đi của chúng bằng thuốc.

Ngoài ra còn phải kiểm tra xem mái kho có dột không. Chỗ nào bị thấm dột thì phải báo lực lượng chức năng đến xử lý gấp, tuyệt đối không để nước rơi vào hòm, hộp đựng vật tư. Khi thời tiết nắng nóng kéo dài thì kiểm tra những nơi có nguy cơ xảy ra cháy nổ để có biện pháp phòng ngừa.

Những công việc mà chị Vân kể với tôi ngày nào cũng phải làm và trở thành một chế độ giống như cơm ăn nước uống. Mệt nhất là bảo quản vật tư.

Ở kho của chị Vân quản lý hơn 1.000 loại vật tư, mỗi loại lại có một phương cách bảo quản riêng. Chị Vân chia sẻ, những lúc thực hiện nhiệm vụ bảo quản thì cấp trên tăng cường người xuống để cùng làm. Phổ thông nhất là phải vệ sinh bề mặt của vật tư rồi quét dầu mỡ bảo quản. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khối lượng lớn, mất thời gian và độc hại.

Sau này, khi gặp và trò chuyện với Thượng tá QNCN Nguyễn Thị Hiếu, nhân viên thống kê, Phân kho Vật tư 3 tôi được chị giới thiệu kỹ hơn về công việc bảo quản. Chị kể, hồi giữa năm, các kho nhập gần 10.000 tấn thép gồm đủ mẫu mã và chủng loại. Có loại hình hộp nặng tới hơn 100kg, nhưng có loại thép ống đường kính to nhất là 140mm và nhỏ nhất cũng hơn 50mm.

Khi nhận hàng xong thì bắt đầu vào chiến dịch bảo quản, sắp xếp. Tất cả chị em tập trung cạo gỉ bề mặt rồi quét dầu mỡ. Cách cạo gỉ bề mặt thông thường là sử dụng giấy nhám hoặc máy chà cầm tay.

Sau những ngày lăn lộn với tiếng máy, nắng gió, tối về đi ngủ đầu cứ ong ong, rất khó ngon giấc. Chị Hiếu bày tỏ với tôi một cách hài hước rằng, công việc ấy đem lại thú vui, nhưng còn có tác dụng với chị em ở Kho K752 là không tốn tiền và thời gian sử dụng các dịch vụ để giảm cân như nhiều chị em làm ở những ngành nghề khác ngoài xã hội, cho dù các chị không hề ăn kiêng.

Cuối câu chuyện với tôi, chị Hiếu tâm tình, mấy chục năm gắn bó với nghề coi kho, giờ đây chị là “lão làng”. Tuy làm việc vất vả, cực nhọc, độc hại nhưng chị em ở phân kho quý nhau như người thân trong gia đình. Mấy năm trước, chồng của chị Trịnh Thị Ái Vân phát hiện mắc bệnh ung thư dạ dày. Công việc căng thẳng, con lại nhỏ, nghe tin ấy, chị Vân như mất phương hướng. Nhưng nhờ có lãnh đạo, chỉ huy, đồng đội trong phân kho kịp thời chia sẻ, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi nên chị Vân đã vượt qua khó khăn ấy. Giờ đây, tuy vất vả chăm sóc chồng con, song chị Vân hoàn toàn có đủ nghị lực để vượt lên và hoàn thành nhiệm vụ.

Trở lại cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Gia Quang, tôi mới thấy được đầy đủ tính chất khó khăn, gian khổ của những người lính kho, chứ không phải sướng như thiên hạ từng đồn thổi: “Giàu thủ kho, no nhà bếp”.

Anh Quang kể, sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 28-7-1975, Tổng kho Long Bình (của ngụy) được chuyển giao về Tổng cục Kỹ thuật trực tiếp quản lý và đặt phiên hiệu là Tổng kho B752. Thời gian đầu, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội quanh khu vực đóng quân rất phức tạp. Các phần tử chống đối cách mạng luôn tìm mọi cách phá hoại hệ thống kho tàng; kẻ gian rình rập trộm cắp vật tư, hàng hóa. Trong tiềm thức của cán bộ, chiến sĩ tổng kho làm nhiệm vụ ngày ấy, vẫn văng vẳng câu thơ: “Ba năm trấn thủ Long Bình/ Ngày thì chống cháy, đêm rình kẻ gian”.

Sang thời kỳ đổi mới, sau nhiều lần kiện toàn tổ chức biên chế, Tổng kho B752 được đổi thành Kho K752 và điều chuyển về Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Là kho dự trữ chiến lược, mỗi năm K752 được giao quản lý hàng trăm nghìn tấn vật tư dự trữ quốc gia, vật tư đóng tàu quân sự... Từ năm 2015, Kho K752 phối hợp với Nhà máy Z121 tổ chức tiếp nhận, cấp phát hàng chục nghìn giàn pháo hoa phục vụ các tỉnh, thành phố phía Nam trong các dịp lễ, tết.

Trước tính chất công việc phức tạp ấy, Đảng ủy, chỉ huy Kho K752 đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giữ gìn kho an toàn. Giờ đây, đến Kho K752, bên ngoài hệ thống tường rào chắc chắn là hệ thống camera bảo vệ hiện đại. Bên trong những hàng cây keo, cây dầu là hệ thống kho chính quy với những nhân viên cần mẫn như chị Vân, chị Hiếu... Họ không chỉ làm tốt các công việc trong quy trình “Tiếp nhận, sắp xếp-cất giữ-bảo quản và cấp phát”, mà còn làm tốt việc xử lý các nguy cơ cháy nổ, hoặc chống thấm dột, mối mọt. Công việc của họ lặng thầm nhưng rất vất vả. Với họ, hạnh phúc lớn nhất không gì sánh được đó là giữ kho an toàn.

MẠNH THẮNG