Sau vài thủ tục đơn giản, đầu giờ chiều 16-9, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tân Tiến Nguyễn Đình Bình đưa chúng tôi rời trụ sở UBND xã để xuống “bến” vào thôn Việt An. Đường xuống “bến” thực ra là một con ngõ nhỏ rất dốc, chỉ rộng khoảng 2,5m và phía dưới đã bị ngập trong nước lũ. Bước lên xuồng máy đẩy, tôi cảm nhận ngay mùi tanh nồng đặc trưng từ mặt nước bốc lên.

Hướng mặt ra phía xa, cả một vùng mênh mông nước, giống như hồ thủy điện nào đó mà tôi từng đến. Tiếng của một vài chiếc xuồng máy theo gió vọng tới ngày một rõ, làm mặt nước mênh mông, xao động. Như hiểu được sự xót xa của tôi trước cảnh vùng quê bình yên bị ngập vùi trong lũ, anh Bình pha trò: “Chúng em ở đây không cần nghỉ mát ở biển. Anh xem, “biển” quê em đẹp thế cơ mà!”. 

Dứt lời, Bình nhoài người chống tay vào bờ tường. Mũi xuồng từ từ di chuyển hướng ra ngoài mặt nước mênh mông. Sau động tác giật thẳng cánh tay, máy nổ, Thiếu tá QNCN Lê Đắc Thuân từ từ tăng ga. Tiếng máy của chiếc Yamaha 5HP rền vang, để lại phía sau làn khói đen và mùi dầu máy hôi xì, át cả mùi tanh nồng của mặt nước. Mũi xuồng hếch lên rồi hướng thẳng về phía những nóc nhà nhấp nhô trên mặt nước xa tít tắp.    

leftcenterrightdel

LLVT huyện Chương Mỹ là điểm tựa của nhân dân vùng lũ. Ảnh: HẢI THANH 

Ngồi trên xuồng, tôi nghe rõ tiếng chân vịt quay khuấy nước ùng ục cho dù tiếng máy đẩy luôn có xu hướng lấn át. Tựa lưng vào thành xuồng, anh Bình rỉ rả, sau bão, với lượng mưa lớn rồi lũ về, bộ đội và dân quân căng mình đắp con chạch trên mặt đê hữu Bùi. Nhưng sức người không thắng được sức nước, sức lũ rừng ngang. Nước tràn vào ao hồ, đồng ruộng khiến lúa, hoa màu, cây trái của dân vốn đã ngấp ngoải từ đợt lũ cuối tháng 7 và chưa kịp hồi sinh thì nay lại tiếp tục bị vùi trong nước lần hai.

- Người dân có di dời ngay không?-tôi hỏi anh Bình.

- Thực ra, nhân dân các xã ở đây quen với lũ rồi anh ạ. Từ khi lớn lên em đã thấy lũ. Hầu như năm nào người dân quê em cũng chạy lũ cả. Nhưng đỉnh điểm là vào các năm 2008, 2017, 2018 và năm nay. Thế nên, khi lũ về là những nhà ở vị trí trũng thấp đã chủ động. Thóc lúa, đồ sinh hoạt đưa hết lên cao, gia đình nào không có nhà cao tầng thì mang đi gửi. Trẻ con, người già, phụ nữ đi trước. Nhà có thanh niên, trung niên thì tập trung đi chống lũ. Có gia đình để một người ở lại trông coi, còn lại là di dời đến chỗ cao ở tạm do chính quyền bố trí hoặc là ở nhờ nhà họ hàng, người quen. Lũ rút thì trở về dọn dẹp. Lũ ở quê em thường rút chậm, phải 10-12 ngày mới kiệt. Riêng việc vệ sinh môi trường sau lũ là vất vả nhất. 

- Trong thời gian chờ lũ rút thì anh Bình và lực lượng dân quân trong xã làm gì?

- Ôi, nhiều việc lắm. Từ sáng tới giờ chẳng lúc nào em nghỉ tay. Ban ngày thì bốc hàng lên xuồng, ban đêm thì đi gác, đi tuần.

Thể nào, lúc vào phòng của Ban CHQS xã, tôi thấy Bình xắn quần móng lợn, tất tả chạy đi, chạy lại khắp các phòng của cơ quan. Chỉ đến khi đưa tôi đi giới thiệu và làm việc với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, Bình mới cúi người bỏ ống quần xuống.

Bình cười hồn nhiên:

- Thật may có anh nhắc, không thì ngại chết!

Lúc này trời nắng ngột ngạt. Bình dang cả hai tay đặt lên thành xuồng, còn hai chân duỗi thẳng ra mặt sàn. Dáng ngồi hết sức thoải mái, tự nhiên. Sau một vài phút ngửa mặt đón nắng, đánh mắt về phía tôi, anh Bình nói: "Buổi tối, dân quân trong xã phải thay nhau ứng trực, gác ở các vị trí nguy hiểm. Anh biết trong những ngày lũ thế này, dân quân sợ gì nhất không?".

- Sợ gì?

- Chúng em rất sợ phải cấp cứu người ốm, bà bầu đến kỳ sinh nở và người già qua đời. Bởi đi xuồng ban ngày đã khó, huống hồ đi ban đêm trong ánh đèn pin lờ mờ trên mặt nước mênh mông. Lớ ngớ là gặp vật cản, lật thuyền như chơi. Rất may, đến giờ chưa có tình huống nào phải xử lý, kể cả trong đợt lũ thứ nhất hồi tháng 7. Anh xem, nước ngập sâu thế này, có nơi hơn 3m thì khó khăn biết nhường nào.

Những câu chuyện của anh Bình khiến tôi nhớ lại lời tâm sự hết sức chân tình của Thượng tá Bùi Bá Dũng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Chương Mỹ vào cuối giờ làm việc buổi sáng. Anh Dũng kể với tôi, thường cứ vào tháng 7 đến tháng 10 hằng năm, nước lũ từ Hòa Bình kết hợp với lượng mưa lớn trên địa bàn đổ dồn vào sông Tích, sông Bùi, sông Đáy, vốn được Trung ương xác định là nơi phân lũ và chậm lũ.

leftcenterrightdel

Anh Bùi Ngọc Bình, Thôn đội trưởng của thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ hỗ trợ nhân dân chạy lũ. Ảnh: MINH HẢI 

Anh Dũng tâm tình, cứ vượt báo động 3 là nước sông Bùi tràn vào các xã trũng thấp: Hồng Phong, Quảng Bị, Phú Nghĩa, Tốt Động, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú. Số xã bị úng ngập tăng lên theo thời gian. Nhiều xã trước kia chưa khi nào bị ngập nay cũng đưa vào diện úng ngập kinh niên. Thế nên, ở thời điểm lũ về, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Ban CHQS huyện Chương Mỹ càng phải bám địa bàn, hợp sức với chính quyền, nhân dân các xã chống lũ. Năm nay, ngoài chống lũ, Ban CHQS huyện Chương Mỹ còn đảm nhận nhiệm vụ diễn tập. Từ tháng 7 đến nay, hầu như cán bộ, nhân viên của Ban CHQS huyện không có ngày thứ bảy, chủ nhật.

Theo anh Dũng, bão, lũ về ai cũng khổ. Nông dân thì mất trắng cả lúa, hoa màu, nhiều nhà mất cả vật nuôi. Nhưng khổ nhất là lũ trẻ. Chúng không được đến trường để nô đùa, mà phải học online qua chiếc điện thoại tậm tịt của bố mẹ. Chúng bị cấm bước xuống nước vì nhỡ đâu...!

Bỗng tiếng “kịch” khô khốc phát ra từ đáy xuồng vọng lên, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Anh Bình kêu lên, vướng dây điện rồi!

Anh Thuân giảm ga rồi ghìm xuồng như đứng im trên mặt nước. Anh tắt máy, nâng chân vịt lên kiểm tra. Phía dưới, chiếc dây điện to gần bằng ngón chân cái đen sì nổi lên. Bình nhanh nhẹn lấy mái chèo và đi về cuối xuồng dìm dây điện xuống. Chiếc xuồng lại khởi hành và len lỏi dưới những tán cây, đưa chúng tôi vào thôn.

Lúc này tôi mới chú ý đến Thiếu tá QNCN Lê Đắc Thuân, người cầm lái chiếc xuồng máy đẩy. Anh đã hơn 50 tuổi và có tới hơn 10 năm lái xuồng trong mùa lũ mặc dù chuyên môn chính là nhân viên quân báo trinh sát. Trong những ngày lũ này, anh Thuân trực chốt tại đây. Ban ngày anh trực tại “bến”, chở các đoàn vào tiếp tế cho dân, ban đêm thì về UBND xã Tân Tiến ngủ tạm. Hôm nước tràn qua đê hữu sông Bùi, anh liên tục lái xuồng đưa người di chuyển đến vị trí an toàn, có hôm làm việc cật lực tới hơn 19 giờ. Trong xuồng của anh, ngoài nước ngọt còn có một chiếc đèn pin khá lớn đề phòng khi phải điều khiển xuồng di chuyển trong vùng lũ lụt ban đêm.

Sau khi len lỏi qua nhiều vật cản, chúng tôi đã vào được thôn. Trước mặt tôi là những ngôi nhà cấp 4 bị ngập sâu trong nước. Nhưng cũng có những ngôi nhà nước mấp mé nền và đa phần đều đóng cổng, đóng cửa. Lúc này, tuyệt nhiên tôi không thấy có người và dĩ nhiên là không có cả những âm thanh đặc trưng của làng quê Việt Nam, như tiếng chó sủa, tiếng gà gáy và tiếng trẻ em nô đùa.

Anh Thuân cho xuồng áp sát tường rào của một ngôi nhà hai tầng rất rộng, màu sơn còn rất mới. Víu tường, nghển cổ nhìn vào trong sân, tôi thấy một chiếc thuyền nan đậu hờ hững trước bậc tam cấp. Tôi gọi to, nhưng không có ai trả lời. Mãi sau mới có một người đàn ông cởi trần bước ra. Ông giới thiệu tên là Nguyễn Văn Chuyền, hơn 60 tuổi, ở lại trông nhà. Hồi sáng đã có đoàn đến tiếp tế nước ngọt và đồ ăn cho ông nên ông rất yên tâm.

Hết một vòng trong thôn, chúng tôi trở về “bến” thì mặt trời đã dần tắt nắng. Tại quán nước bên kia đường, tôi thấy một dân quân ngồi trong đó trầm ngâm với ly trà đá. Anh Nguyễn Đình Bình giới thiệu với tôi về người dân quân ấy. Đó là anh Bùi Ngọc Bình, Thôn đội trưởng của thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến. Anh Bùi Ngọc Bình kể với tôi rằng, trong hai đợt lũ vừa qua, anh đều dùng chiếc máy kéo của mình để vận chuyển người dân chạy lũ mà chẳng hề tính toán thiệt hơn. Anh nói với tôi, lũ rừng ngang về nhanh nhưng rút chậm. Những lúc ấy, tính mạng con người là quan trọng nhất nên anh chẳng nề hà đi khắp các nhà trong thôn để hỗ trợ bà con chạy lũ.

Chia tay vùng rốn lũ Hà Nội với nhiều cảm xúc, thương cảm đan xen. Trên con đường về cơ quan, xe cộ đông cứng và phải tập trung cao độ nhích từng mét, nhưng trong đầu tôi, hình ảnh về những nóc nhà sát mép nước, tiếng xuồng máy đẩy tành tạch cũng như hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Quân đội và dân quân mặc áo phao màu vàng cam tận tụy giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ ở đó như bào mòn từng nơ ron thần kinh của tôi.

Tôi tự hỏi, bao giờ lũ rút để người dân đỡ vất vả?

Ghi chép của MẠNH THẮNG