QĐND - Vừa giới thiệu với khách những hình ảnh trong đĩa “Ký ức Trường Sa”, ông Hữu, ông Lư-hai cựu chiến binh vừa giới thiệu thêm những chi tiết mà đĩa hình không thể dung nạp hết được. Các cựu chiến binh cũng thổ lộ: "Phải trực tiếp sống ở đảo trong giờ phút giành giật lại đảo từ tay đối phương và những ngày tháng đầu tiên đảo thuộc về ta, mới cảm nhận hết được những cảm xúc đặc biệt, có một không hai...".
Ban liên lạc Trường Sa-Gia Lộc gồm 43 người quê ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, nguyên là những người lính đã tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa. Trong đó, 8 người ở đảo Sinh Tồn, 10 người ở đảo Nam Yết, 6 người ở đảo Trường Sa, 8 người ở đảo Song Tử Tây, 11 người ở đảo Sơn Ca.
Bên cạnh Trưởng ban liên lạc Nguyễn Đình Thăng là hai phó ban: Nguyễn Văn Hữu, Bùi Quang Lư. Ban hoạt động theo tôn chỉ: Tình nghĩa, phát huy truyền thống "thần tốc, táo bạo" đi giải phóng Trường Sa theo mệnh lệnh của "Người Anh cả" Võ Nguyên Giáp, động viên nhau trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Nói về các thành viên, Phó ban Nguyễn Văn Hữu cho biết: 95% là con nhà nông. Tất cả đều nhập ngũ tháng 1-1975, sau huấn luyện tân binh được biên chế vào Trung đoàn 38 thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5. Nửa đêm 23-4-1975, tại Sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng), họ có mặt trong đội hình đi giải phóng quần đảo Trường Sa.
|
Đại diện Ban liên lạc Trường Sa-Gia Lộc thăm nhà đồng đội (2016).
|
Ngoài chiến công chung giải phóng các đảo cùng thời điểm với giải phóng Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, các thành viên Ban liên lạc Trường Sa-Gia Lộc còn ghi lòng những kỷ niệm khó quên, chỉ có ở quần đảo Trường Sa trong những ngày tháng ấy.
Gặp nhân ngãi trên đảo Sơn Ca, ông Đỗ Ngọc Bảo, quê xã Phương Hưng, kể: "Từ lúc xuất phát ra đảo đến khi giải phóng đảo xong, không đầy hai ngày. Tác chiến khẩn trương, thành ra cán, binh chưa thể quen nhau. Buổi tối ngày thứ hai, tôi được Chính trị viên Nguyễn Văn Luân gọi lên gặp... Hóa ra, anh Luân là người huyện Thanh Miện, cùng tỉnh mình, mà lại là người thân mới hay chứ!".
Chuyện là, năm 1968, bà The-chị gái ông Luân bán rau xanh ở cửa hàng Cầu Gỗ (Gia Lộc). Hôm ấy, bà nhặt được một túi nhỏ đựng tiền mặt và hai chỉ vàng. Bà nhờ công an huyện thông báo khắp nơi. Hóa ra là của bà Đỗ Thị Nhánh, người xã Phương Hưng. Từ đấy, hai gia đình thân nhau. Tối 23-4-1975, nhận quân ở Sân bay Nước Mặn, ông Luân đọc hồ sơ các chiến sĩ, đã biết Đỗ Ngọc Bảo (con của vợ chồng bà Nhánh). Nhưng lúc đó còn đang tập trung làm nhiệm vụ, nên bây giờ anh em mới gặp nhau được. Thật là xúc động.
Là người tham gia giải phóng đảo Sơn Ca, ông Bùi Quang Mạnh không kìm được cảm xúc trước vẻ đẹp lãng mạn của hòn đảo này. Ở đảo vừa được một tuần, ông cùng anh em đắp một chiếc bể trước cửa nhà đại đội, xuống biển lấy san hô về thả, được chỉ huy đại đội khen ngợi. Cuối năm 1975, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Phó tổng Tham mưu trưởng đến thăm đảo, ông rất thích hòn non bộ này và biểu dương cả đại đội đã biết xây dựng cảnh quan ngày càng xanh-sạch-đẹp.
CCB Nguyễn Hữu Hoa thì nhớ mãi những ngày đầu trên đảo Sinh Tồn: "Sinh Tồn tức là sinh sản và tồn tại. Ở đảo Sinh Tồn, ngoài nguồn cá biển vô tận, chim cũng nhiều vô kể. Chim đẻ trứng dưới cát. Khi "trở trời", từng đàn sà xuống, có chú đậu cả lên vai người lính gác. Còn vích ở vùng đảo Sinh Tồn đẻ rất khỏe. Ngắm vích con lổm ngổm bò từ bãi cát xuống biển là niềm thích thú của lính".
Chuyện "Suýt nữa thì bắn vào vích" của Phó ban liên lạc Bùi Quang Lư ở đảo Trường Sa, nghe đến là thương: Nửa đêm 8-7-1975, một "nàng" vích bò lên đảo. Sau khi ngoáy đuôi tạo một cái hố rồi đẻ trứng vào đấy, "nàng" dùng hai chi trên hất cát lấp đầy hố, phủ kín trứng. Chiến sĩ trên chòi gác nhìn thấp thoáng, tưởng là biệt kích địch, liền phát tín hiệu báo động. Chỉ huy đảo đã ra lệnh sẵn sàng nã đạn 12,7mm vào mục tiêu. May mà sớm phát hiện ra vích đẻ...
Từ khi hoàn thành nhiệm vụ, rời quần đảo Trường Sa, các chiến sĩ quê Gia Lộc hướng về đảo bằng nỗi nhớ của người đã cùng với đảo trong những thời khắc lịch sử. Ngày 27-4-1995, nhân dịp kỷ niệm tròn 20 năm giải phóng quần đảo Trường Sa, các CCB đã tụ hội lập nên Ban liên lạc Trường Sa-Gia Lộc.
Từ bấy đến nay, ngoài việc thăm viếng thành viên và tứ thân phụ mẫu, Ban liên lạc còn hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần đối với thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hồi thực hiện chính sách khoán 10 trong nông nghiệp, ông Lê Văn Ân (nguyên chiến sĩ giải phóng đảo Song Tử Tây, quê xã Hồng Hưng) và vợ đều ốm yếu, con nhỏ, không có đủ sản lượng để nộp cho HTX theo quy định. Ban đã quyên góp được 300.000 đồng hỗ trợ ông Ân nộp sản. Bốn thành viên không may lâm bệnh hiểm nghèo, Ban liên lạc quyên góp giúp chữa bệnh và hỗ trợ tang lễ (mỗi trường hợp từ 2 đến 5 triệu đồng). Ngày 27-7 hằng năm, Ban liên lạc có quà thăm hỏi các gia đình hội viên có liệt sĩ... Toàn ban đồng lòng chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, lao động sản xuất có hiệu quả, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Chia tay chúng tôi, Phó ban liên lạc Nguyễn Văn Hữu bùi ngùi: "Anh em trong ban khôn nguôi thương nhớ 7 đồng đội Trường Sa, khi về làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới ở An Giang hồi năm 1979, đã hy sinh... Người còn thì cũng lên ông lên bà cả rồi. Chỉ mong được quân đội tặng tấm Kỷ niệm chương Giải phóng Trường Sa để con cháu biết, thêm tự hào về cha ông. Anh em cũng mong được một ngày tham quan quần đảo Trường Sa thời kỳ đổi mới".
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG