Duy Tú “nhiều trong một”

Chờ mãi không thấy Nguyễn Duy Tú xuất hiện theo giờ hẹn, gọi điện thoại thì toàn không liên lạc được nên tôi sốt ruột liền đi thẳng vào dãy phòng học của Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam. Nhìn qua cửa sổ, Nguyễn Duy Tú bạn tôi đang say sưa thuyết trình về công tác tổ chức hội nghề nghiệp và phương pháp tuyên truyền vận động, giáo dục hội viên nông dân...

Lên Hà Nội tập huấn mấy ngày, nhưng phải đến ngày cuối, Duy Tú mới cho tôi gặp. Nguyễn Duy Tú vẫn vậy, vẻ ngoài hiền lành, chân chất, nhiệt tình nhưng chững chạc hơn nhiều so với chàng bí thư chi đoàn lớp tôi thời sinh viên. Đợt này, anh cùng đoàn cán bộ Hội Nông dân huyện Yên Khánh đi tập huấn cán bộ hội nông dân cấp cơ sở. Vừa ăn trưa, Tú vừa kể như giải thích, buổi học cuối có phần thuyết trình nhóm nên kết thúc hơi muộn. “Thế nào, vẫn như ngày xưa chứ?”, tôi hỏi vui. “À, vẫn thế bạn ạ!”. Vẫn thế mà Tú nói, tức là Tú sẽ lại đại diện nhóm thuyết trình và tất nhiên sẽ là một phần rất sôi nổi, như thời sinh viên chúng tôi vẫn thấy...

Nguyễn Duy Tú học cùng đại học với chúng tôi ở Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cùng lớp, nhưng Duy Tú sinh năm 1987, hơn tuổi lứa chúng tôi. Trước đó, Duy Tú đang học ngành sư phạm lịch sử, Trường Đại học Vinh, học đến môn Triết học thì mê quá, thành ra hết năm thứ nhất liền thi lại đại học để được nghiên cứu sâu hơn chuyên ngành anh thích. Duy Tú là thành viên nhiệt tình với các hoạt động của lớp, đảm nhiệm chức bí thư chi đoàn suốt 4 năm học.

leftcenterrightdel

Anh Nguyễn Duy Tú. Ảnh: THU HÒA

Tôi vẫn nhớ những giờ học môn chuyên ngành, khi giảng viên đưa ra vấn đề gợi mở để lớp thảo luận, Duy Tú luôn là một trong những thành viên sôi nổi nhất lớp. Năm 2011 ra trường, anh về quê làm công tác đoàn rồi làm cán bộ Hội Nông dân kiêm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Khánh Lợi từ năm 2015 đến nay. Cũng từ khi ra trường về quê công tác, Duy Tú tham gia lực lượng dân quân, hiện là Tiểu đội trưởng Dân quân cơ động xã Khánh Lợi.

Tưởng học trái ngành trái nghề, nhưng chúng tôi đều không lấy làm lạ, thậm chí bảo nhau Duy Tú thật hợp với những công việc hiện tại. Duy Tú lại cười bảo, chắc bởi nhờ học triết học, lại vì thời đi học chịu khó tranh luận với các bạn nên khi đi làm hay được cấp trên gửi gắm. Chả là, cứ có nhiệm vụ gì liên quan đến công tác lý luận chính trị hay thuyết trình, thuyết minh là Duy Tú lại được lãnh đạo cấp trên tin tưởng giao phó. Do biết võ nên 13 năm tham gia dân quân, Duy Tú thường xuyên đảm nhiệm hướng dẫn tập luyện và biểu diễn võ thuật cho đơn vị. Lại thấy Duy Tú thường xuyên đi học, tập huấn, bồi dưỡng thêm kiến thức, kinh nghiệm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì biết anh nhiệt tình, tận tụy với công tác hội nông dân thế nào.

Có lần ngồi uống nước với Duy Tú và mấy anh em trong huyện, cả buổi thấy anh say sưa nói chuyện, trao đổi về phương pháp, mô hình chăn nuôi của anh em thanh niên ở địa phương đang làm. Duy Tú bảo, đời sống xã hội ở nông thôn đang “thay da đổi thịt” từng ngày cũng đi kèm những thách thức mới, đòi hỏi anh phải cùng bà con tìm tòi tháo gỡ, tìm hướng phát triển phù hợp, khuyến khích, hỗ trợ người nông dân, nhất là những thanh niên chọn gắn bó với đồng ruộng quê hương. Rồi nhiều khi, cũng phải giải quyết lắm chuyện rắc rối mà hầu như ở vùng quê nào cũng ít nhiều gặp phải, ấy là chuyện phân chia đất đai khiến anh em họ hàng, làng xóm bất hòa. Nhiều vụ kiện cáo từ đó mà ra...

Trên vai trò Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã, Duy Tú luôn giữ nguyên tắc phải tìm hiểu kỹ vấn đề, làm việc rõ ràng, giải quyết đúng người, đúng việc, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, không để các vụ việc phát sinh kéo dài. Có lần cũng bởi từ mấy vụ việc Duy Tú tham gia giải quyết, đối tượng không được như ý đã “thừa cơ” đánh trộm anh trước trụ sở UBND xã. Chuyện ấy cũng một thời gian khá lâu sau, có dịp ngồi cùng đám bạn, chúng tôi mới được nghe một cậu biết chuyện kể lại, vẻ mặt cậu bạn vẫn đầy bức xúc:

- Phải gông cổ ông ấy lại chứ?

Duy Tú chỉ cười hiền lành nói:

- Kể ra thì cũng được, lúc ấy tôi còn đang mặc quần áo dân quân nữa. Nhưng tôi vào thay đồ dân sự rồi mới tìm đến ông ấy bảo rằng: Cháu muốn nói chuyện với bác với tư cách người làng, không phải là cán bộ xã hay dân quân... Chuyện trò, phân tích rồi ông ấy cũng hiểu ra và mọi chuyện êm xuôi. Còn cú đấm của ông ấy có nhằm nhò gì với người học võ, mình có nhiều cách để giải quyết vấn đề hay hơn mà.

Tận tâm với sự nghiệp thể dục, thể thao

Hồi sinh viên, thỉnh thoảng chúng tôi hay dựng, quay những đoạn clip vui để chiếu trên lớp. Duy Tú thường đảm nhiệm vai trò “cố vấn võ thuật” nếu cần. Thời ấy chúng tôi nghĩ đó chỉ là mấy động tác Duy Tú học lỏm được ở đâu đó. Ai ngờ anh bạn cũng thuộc hàng có đai đẳng từ bao giờ. Sau này Duy Tú mới kể, hồi bé ốm yếu nên anh đi tập võ để rèn luyện sức khỏe.

Mấy năm sinh viên, anh vẫn thường xuyên học và rèn luyện, lên đai đều. Đến khi tốt nghiệp đại học thì được cấp chứng chỉ huấn luyện viên dạy karate do Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp. Mấy “miếng võ mèo cào” của Duy Tú mà chúng tôi vẫn tưởng, thì ra sau này lại rất có đất dụng. Chẳng hạn như hướng dẫn và biểu diễn võ thuật trong huấn luyện dân quân hằng năm mà Duy Tú đã kể. Nhưng bất ngờ nhất là hiện tại, Duy Tú có tới 5 cơ sở dạy võ trong huyện Yên Khánh. Những năm gần đây, hoạt động của các võ đường ấy đã góp phần khơi dậy và phát triển, lan tỏa phong trào thể dục, thể thao của địa phương.

Bạn bè, người quen của anh thường xuyên thấy trên mạng xã hội những hình ảnh, video anh kèm cặp, hướng dẫn từng học viên, thỉnh thoảng lại dẫn đoàn đi thi đấu, hoặc ngồi bàn ban giám khảo trong cuộc thi võ thuật nào đó. Mỗi học viên đăng ký học, Duy Tú đều thu thập thông tin về sức khỏe, mong muốn riêng để xây dựng lộ trình dạy kết hợp dinh dưỡng phù hợp với từng người.

leftcenterrightdel
Anh Nguyễn Duy Tú (áo khoác xanh) và các học viên tham gia Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình. Ảnh: THU HÒA

Đến nay, Duy Tú đã có hàng nghìn học viên, cả nam, nữ, từ các em lớp 5 tuổi đến người lớn, trong đó đa số là các em ở lứa tuổi thiếu niên. Biết có những em gia đình khó khăn nhưng thích học võ, Duy Tú miễn học phí, động viên em đi học. Có những em đang tuổi ương bướng, nghịch ngợm thì qua thời gian luyện tập cùng Duy Tú, đã thay đổi tâm tính khiến bố mẹ cũng phải bất ngờ. Nhiều em nhà cách võ đường hàng chục cây số vẫn đam mê đi học võ thầy Tú, bất kể nắng mưa, ròng rã mấy năm trời...

Kể về cậu học viên đặc biệt tên Nam cao to, đẹp trai, Duy Tú bảo, không ai nghĩ cách đây 10 năm, khi bố mẹ đưa Nam đến học mới là một cậu bé học lớp 2 nhỏ bé. Nam không may bẩm sinh chỉ có một tay nên hay bị các bạn trêu chọc khiến em tự ti, khép mình và thường ngồi một góc. Duy Tú kiên trì tỉ tê nói chuyện, động viên rồi dần dần đưa được em lên sàn tập. Nam rất có tố chất, thông minh và bộc lộ được ý chí tuyệt vời trong cuộc sống. Với sự rèn luyện và định hướng của thầy Tú, giờ Nam đã học lớp 12, cao lớn, khỏe mạnh, không chỉ giỏi karate được thầy giao làm lớp trưởng suốt thời gian qua mà còn giỏi đá bóng và vẽ rất đẹp.

Duy Tú tâm sự, “tôi cũng từ chính mình ngày xưa mà mong muốn chia sẻ tinh thần, những kỹ năng giúp các em rèn luyện nâng cao sức khỏe, phát triển toàn diện cả về thân-tâm-trí. Muốn thế thì cần môi trường đào tạo không chỉ chuyên nghiệp mà còn cần người dạy tâm huyết nữa...”. Tôi biết, Duy Tú tâm huyết mong muốn võ đường không chỉ là nơi dạy võ thuật và rèn luyện sức khỏe. Bởi có lần Duy Tú nhắn tôi hỏi chuyện muốn xin sách cũ để làm những tủ sách, thư viện ở võ đường. Tú muốn các em học viên có môi trường rèn luyện cả sức khỏe thể chất và tâm hồn.

Tận tâm và nhiệt tình, hơn 10 năm dạy võ, Duy Tú có biết bao học viên, trong đó nhiều em đã phát huy được khả năng, năng khiếu của mình. Học viên được Duy Tú huấn luyện thường xuyên tham gia các giải đấu thể dục, thể thao cấp huyện, tỉnh và đạt thành tích cao. Nhiều em sau này trở thành vận động viên chuyên nghiệp của các đoàn thể thao trong và ngoài tỉnh như: Quang Hào, Thanh Mai, Diễm Châu (Đội tuyển Karate tỉnh Ninh Bình), Quốc Hưng, Duy Lợi (Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội).

Hiện nay, võ đường vẫn thường xuyên cung cấp nguồn võ sinh có tố chất, năng khiếu cho các đoàn thể thao chuyên nghiệp. Có lần Duy Tú lên Hà Nội công tác, vào đúng dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), thế là các học viên cũ của anh đang học tập, làm việc ở Hà Nội biết được thông tin cùng nhau kéo đến thăm, chúc mừng thầy, đông vui như tết.

Đợt ấy Duy Tú xúc động kể với tôi, có lẽ cuộc đời anh có duyên làm thầy. Ngày xưa học sư phạm rồi triết học, đều không theo nghiệp giảng dạy, tưởng đã làm việc ở lĩnh vực dường như không liên quan, thế mà cuối cùng vẫn có hàng nghìn em gọi mình là thầy. Tiếng "thầy" thân thương ấy cũng là động lực để bản thân "sao vuông" Duy Tú thấy mình phải sống và phấn đấu nhiều hơn nữa vì những điều tốt đẹp trong cuộc đời này. 

DƯƠNG THU