Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết về đồng chí Nguyễn Chí Thanh như sau: "Anh là một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, xông xáo, năng động, sáng tạo. Anh hết lòng thương yêu nhân dân, thương yêu đồng chí, đồng đội. Anh là một con người có bản tính cương trực, thẳng thắn, có tác phong quần chúng, giản dị, sâu sát thực tiễn, luôn học tập tìm tòi nghiên cứu. Anh đã có những đóng góp vào sự phát triển đường lối nghệ thuật quân sự của Đảng... Anh là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một vị tướng tài ba của Quân đội ta"... (theo "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng", Nxb Chính trị Quốc gia năm 2013).

Có thể nói, sự mẫu mực của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-một người cán bộ chính trị hay quân sự, quản lý nông nghiệp... đều được thể hiện ở chính phong cách của ông. Đó là sự tổng hợp của phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt...

Trong phẩm chất nhân cách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, phong cách tư duy duy vật biện chứng, với những dấu hiệu độc đáo, đặc trưng làm cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có những dấu ấn đặc biệt khác với những người khác, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ huy. Phong cách ấy được thể hiện trong từng lời nói, bài viết, hành động trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông: Năng động, sáng tạo, nhanh, mạnh mẽ, quyết liệt nhưng mềm dẻo, lý luận gắn với thực tiễn, tư duy khoa học.

Phong cách làm việc xông xáo, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức của Đại tướng được thể hiện ở chỗ “đâu cần là có, đâu khó là đến”, ở đâu có việc có lợi cho cách mạng là làm, hễ có việc là làm ngay, mạnh mẽ, quyết đoán. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ "Nhớ anh" để tưởng nhớ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sau ngày ông qua đời năm 1967: "Ở đâu nghèo đói, gọi xung phong/ Lon nước, mo cơm, lội khắp đồng/ Ở đâu tiền tuyến, kêu Anh đến/ Tay súng, tay cờ, lại tiến công".

leftcenterrightdel

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày trong Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: HỒNG PHÚC

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sinh ngày 1-1-1914 ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế). Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ở miền quê nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng, từ nhỏ, Nguyễn Chí Thanh đã được các lớp đàn anh dìu dắt đi hoạt động cách mạng và được kết nạp Đảng từ năm 23 tuổi. Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Chí Thanh từng 3 lần bị địch bắt giam trong các nhà lao nhưng ông luôn đấu tranh, giữ vững tinh thần, chí khí của người chiến sĩ cộng sản để có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 Năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động vào Quân đội, đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó bí thư Tổng Quân ủy và một số nhiệm vụ quan trọng khác. Những cống hiến của đồng chí về lãnh đạo Quân đội, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân làm nên chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Trên cương vị người đứng đầu Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có đóng góp to lớn trong việc xây dựng Quân đội về chính trị, tư tưởng, xây dựng hệ thống tổ chức đảng, tổ chức công tác chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đồng chí từng có nhiều bài viết đăng trên các báo và tạp chí của Quân đội nói về củng cố, xây dựng Quân đội về chính trị, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quan điểm: Đảng Cộng sản Việt Nam là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo Quân đội; mọi chiến công của Quân đội không tách rời sự lãnh đạo của Đảng; Quân đội ta là Quân đội của Đảng, của nhân dân, suốt đời vì Đảng, vì nhân dân phục vụ. Tư duy chiến lược quân sự của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là ra sức chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh toàn diện, để Quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề ra 7 nguyên tắc công tác Đảng, công tác chính trị. Thứ nhất: Đảng phải nắm chắc Quân đội thì mới có Quân đội cách mạng và Đảng mới nắm được chính quyền... Thứ hai, Quân đội phải là QĐND, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, "đi dân nhớ, ở dân thương", phải xử lý tốt mối quan hệ cơ bản: Với Đảng, với dân, với đồng đội, với kẻ thù... Thứ ba, về công tác tư tưởng, không ngừng tăng cường giáo dục rèn luyện. Thứ tư, về công tác tổ chức, phải nắm vững đường lối tổ chức nhưng không được thành phần chủ nghĩa. Đường lối tổ chức phải phục tùng đường lối chính trị. Thứ năm, công tác chính trị là linh hồn của Quân đội. Toàn bộ hoạt động của nó là để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng. Nó là công tác vận động quần chúng của Đảng trong Quân đội. Thứ sáu, đi đúng đường lối quần chúng, từ quần chúng mà ra, trở về với quần chúng. Thứ bảy, công tác chính trị phải đi sâu vào cuộc sống chiến đấu và xây dựng của Quân đội, có thế mới phát huy tác dụng tốt, càng lúc khó khăn, gian khổ, người ta mới cần công tác chính trị. Công tác chính trị không thể chung chung, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng".

leftcenterrightdel

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967).  Ảnh tư liệu 

 

 Bảy nguyên tắc công tác Đảng, công tác chính trị có ý nghĩa chiến lược, thể hiện tầm tư duy biện chứng sâu sắc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mang ý nghĩa lâu dài, có giá trị bất biến đối với Quân đội cách mạng. Bảy nguyên tắc ấy cũng thể hiện rõ bản lĩnh chính trị sắc sảo, vững vàng, sự am hiểu sâu sắc lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Như đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là người có trình độ hiểu biết rất sâu sắc về Chủ nghĩa Mác-Lênin, có tư duy biện chứng và khoa học, sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, nhuần nhuyễn trong gắn liền lý luận với thực tiễn... Là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội ta, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường xuyên quan tâm đến vấn đề quan trọng hàng đầu là phải củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đồng chí khẳng định: "Đảng là linh hồn, là đội tiên phong của Quân đội. Đảng mạnh thì mọi việc đều thành, Đảng yếu thì mọi việc đều không bảo đảm...", "Sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của QĐND"... ("Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng")

 Trong quá trình công tác, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải bám sát thực tiễn sinh hoạt, huấn luyện, chiến đấu của bộ đội mà tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị. Theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: "Công tác Đảng, công tác chính trị là linh hồn, mạch sống của Quân đội ta". Đồng chí cũng căn dặn cán bộ, đảng viên phải "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với bộ đội, có như vậy mới hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, nhờ đó mà đề xuất chủ trương, biện pháp phù hợp. Đại tướng phê phán thói quen làm việc công chức "sáng vác ô đi, chiều vác ô về", lề lối làm việc bàn giấy, ít đi cơ sở; phải dám từ bỏ lối mòn trong thói quen, nếp nghĩ, dám nhận lấy trách nhiệm khai phá con đường mới, cách làm mới...

 Nghiên cứu, học tập phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách ứng xử của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là việc làm cần thiết đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta hiện nay. Đây là biện pháp thiết thực nhất để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

“Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Quân nhân phải biết võ, phải biết văn... Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn", đồng chí Nguyễn Chí Thanh là tấm gương sáng trong việc học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao hiểu biết về nhiều mặt, từ lý luận Mác-Lênin, khoa học quân sự, khoa học nông nghiệp, đến văn học, nghệ thuật... Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Vì vậy, đồng chí đã thể hiện tài năng trên nhiều lĩnh vực, trở thành nhà chính trị-quân sự lỗi lạc của Đảng và nhân dân ta" (Trích: "Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam).

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND NGUYỄN BÁ DƯƠNG