QĐND - Tháng 11-1945, đồng chí Dương Cự Tẩm (sau này là Trung tướng, nguyên Chính ủy Quân khu 7) đang là cán bộ phụ trách Công đoàn Hà Nội thì được Bộ Quốc phòng lựa chọn, cử sang Thái Lan tìm cách mua vũ khí tiếp tế cho Nam Bộ kháng chiến. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Anh trực tiếp viết giấy giới thiệu để đồng chí Dương Cự Tẩm sang ngân hàng lĩnh nửa triệu tiền Đông Dương, tương đương một nghìn lượng vàng đi làm nhiệm vụ.
Lúc bấy giờ, nước nhà mới tuyên bố độc lập, ngân hàng trống rỗng tiền chẵn, nửa triệu tiền Đông Dương được cấp cho Dương Cự Tẩm toàn là tiền lẻ mệnh giá 5 hào. Không lẽ vác cả “xe tiền” đi Thái Lan tìm mua vũ khí? Dương Cự Tẩm nghĩ chỉ còn cách đi đổi thành tiền chẵn từ chủ các cửa hàng giàu có trên phố Hàng Đào. Vốn là cán bộ công đoàn, anh liên hệ ngay với công nhân các tiệm bánh trên phố Hàng Đào. Được sự giúp đỡ của họ, Dương Cự Tẩm đến tiệm bánh rất to ngay đầu phố nhưng không gặp chủ tiệm mà gặp hai cô gái xinh đẹp, con ông chủ. Tài “dân vận” của người làm công tác vận động quần chúng được phát huy đúng lúc, đúng chỗ; chẳng những vui lòng đổi thành tiền loại mệnh giá 10 đồng, 20 đồng cho Dương Cự Tẩm, hai cô gái còn nhiệt tình dẫn anh đi vận động các chủ cửa hàng khác đổi tiền. Kết quả, với túi tiền gọn nhẹ, Dương Cự Tẩm đã mang an toàn sang Thái Lan, gặp ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Tổng hội Việt kiều ở Thái Lan để nhờ ông liên hệ mua vũ khí. Số vũ khí mua được tại Thái Lan sau đó được vận chuyển an toàn về Nam Bộ để trang bị cho quân, dân miền Nam kháng chiến chống Pháp.
Cuộc đời binh nghiệp theo cách mạng, Trung tướng Dương Cự Tẩm đảm nhiệm rất nhiều trọng trách, nhưng ở đâu, làm gì, ông cũng đề cao công tác dân vận, bộ đội gắn bó với nhân dân, thực hiện đoàn kết quốc tế. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chỉ huy lực lượng Việt kiều Giải phóng quân hỗ trợ nước bạn Lào kháng chiến, đơn vị của ông luôn được nhân dân các bộ tộc Lào quý trọng, đùm bọc. Khi chỉ huy các đơn vị thuộc Quân khu 7 tham gia giúp Cam-pu-chia thoát nạn diệt chủng Pôn Pốt, ông cũng luôn chú trọng nhắc bộ đội giữ vững kỷ luật chiến trường, liên hệ mật thiết với nhân dân Cam-pu-chia, luôn thể hiện tác phong của đạo quân chính nghĩa. Quê ở Ninh Bình, vợ người miền Tây Nam Bộ, có nhà thơ đã khái quát về cuộc đời ông: “Đặc phái viên thành kiều bào/ Lập liên quân giúp bạn Lào giải vây/ Viện binh Nam Bộ đánh Tây/ Mê hò sông Hậu, vướng dây tơ hồng”.
BÌNH MINH