* Thượng tá VŨ BÁ TRƯỜNG, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Xe tăng 201, Binh chủng Tăng thiết giáp: Giảm áp lực cho cán bộ
Đứng chân trên địa bàn tương đối phức tạp về an ninh, chính trị nên công tác quản lý bộ đội của đơn vị gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình quân nhân quản lý bộ đội, nhất là trong giờ nghỉ, ngày nghỉ. Khó khăn lớn nhất ở đơn vị cơ sở hiện nay là cán bộ trung đội và đại đội tuổi đời trẻ, kinh nghiệm chỉ huy, quản lý và tổ chức các hoạt động ở đơn vị còn hạn chế. Để giảm áp lực cho đội ngũ cán bộ cấp phân đội, nhất là cán bộ trung đội, trong những ngày nghỉ, lễ, tết, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với cấp dưới. Có như vậy, anh em cấp dưới mới cảm thấy không bị “mệt” tinh thần trong những ngày nghỉ.
* Thượng tá PHẠM HỒNG DOANH, Phó chính ủy Sư đoàn 325, Quân đoàn 2: Cổ động bằng MV
    |
 |
Thượng tá Phạm Hồng Doanh |
Sư đoàn 325 có quân số đông, cán bộ, chiến sĩ có nhiều sở thích vui chơi, giải trí khác nhau, trong khi đó cơ sở vật chất còn thiếu nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu của bộ đội. Do đó, để bổ sung bàn bóng bàn, lãnh đạo đơn vị đã cho đổ bê tông tạo ra những chiếc bàn kiên cố, đáp ứng sở thích chơi bóng bàn của số đông anh em đam mê môn thể thao này. Cùng với đó, một bãi thể lực gần nhà tương tự như phòng tập gym thu nhỏ cũng được xây dựng, thu hút đông hạ sĩ quan, binh sĩ luyện tập. Đặc biệt, đầu năm 2020, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị làm MV “Tuổi trẻ Sư đoàn 325 đánh bay Covid-19” dựa trên nền nhạc ca khúc “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid-19” của nhạc sĩ Minh Beta. MV này có hơn 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia với nhiều hình ảnh gây xúc động, ấn tượng đã thu hút hơn 500.000 lượt người xem, chia sẻ được dư luận đánh giá cao.
Để tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, thu hút bộ đội trong ngày nghỉ đòi hỏi cán bộ phải vận dụng linh hoạt, lồng ghép các hoạt động hợp lý, vừa nâng cao sức khỏe, vừa tạo không khí vui vẻ trong đơn vị.
* Thiếu tá VŨ VĂN HÀ, Chính trị viên phó Tiểu đoàn đảo Cô Tô, Lữ đoàn 242, Quân khu 3: Bám sát nhu cầu bộ đội
Tại Tiểu đoàn đảo Cô Tô, việc tổ chức và duy trì các hoạt động trong giờ nghỉ, ngày nghỉ luôn được tiến hành dựa trên phương châm “đổi mới, sáng tạo và phù hợp với tâm tư, tình cảm của bộ đội”. Để hiện thực hóa được điều này, các tổ chức quần chúng đã phát huy tốt vai trò xung kích, đoàn viên, thanh niên vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể trực tiếp tổ chức, thực hiện các hoạt động. Bên cạnh đó, trước khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bộ đội, từ đó thiết kế các hoạt động cho phù hợp. Các hoạt động ngày nghỉ, giờ nghỉ được thay đổi linh hoạt theo lịch học tập, huấn luyện của bộ đội nhằm tránh tình trạng đơn điệu, nhàm chán và gượng ép. Bộ đội có thể tham gia vào nhóm có cùng sở thích với mình như chơi bóng đá, bóng chuyền, đánh cờ, ca hát... Nhờ đó, anh em rất háo hức và mong chờ các hoạt động trong giờ nghỉ, ngày nghỉ do đơn vị tổ chức.
* Đồng chí NGUYỄN THẾ QUỲNH, Trường Mầm non Hòa Thắng, xã Hòa Thắng (Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc): Phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả
    |
 |
Đồng chí Nguyễn Thế Quỳnh |
Những năm qua, Chi đoàn Trường Mầm non Hòa Thắng, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động trong ngày nghỉ với cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 20, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không-Không quân) đem lại ý nghĩa thiết thực, hiệu quả. Cụ thể, hai chi đoàn phối hợp nhịp nhàng, thống nhất nội dung để xây dựng kế hoạch hành động, đồng thời cụ thể hóa từng tuần, từ nội dung đến thành phần tham gia. Phần lớn các thầy cô giáo và bộ đội có năng khiếu văn nghệ, thể thao nên hoạt động múa hát tập thể, thi đấu cầu lông, bóng bàn... thu hút được nhiều người tham gia, tạo không khí sôi nổi, vui tươi, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa hai đơn vị.
* Binh nhất LÔ KỲ ANH, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP tỉnh Nghệ An: Tạo thêm “sân chơi”
Tôi là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở bản Mét, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Tháng 2-2020, tôi nhập ngũ, sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới được về công tác tại Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ bước chân vào môi trường quân đội, đến nay, tôi thấy mình trưởng thành hơn. Vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, cán bộ đơn vị luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm của chiến sĩ; tạo điều kiện và hướng dẫn chúng tôi tham gia các hoạt động phong trào. Thời gian tới, tôi mong rằng lãnh đạo đơn vị tạo thêm “sân chơi” để chiến sĩ có nhiều lựa chọn khi hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao.
THÁI KIÊN (thực hiện)