QĐND - Trung tướng Vương Thừa Vũ (1910-1980) quê ở Vĩnh Ninh, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội. Cuộc đời ông có hai sự kiện nổi bật, gắn liền với thủ đô Hà Nội. Đó là cuối năm 1946, khi nổ ra Toàn quốc kháng chiến, ông được giao làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội. Tháng 10-1954, trên cương vị Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, ông chỉ huy đại đoàn tiến về giải phóng Thủ đô và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội.
Trong 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ đã chỉ đạo quân và dân Hà Nội sáng tạo ra muôn vàn cách đánh giặc, bảo toàn lực lượng và bảo vệ nhân dân tản cư kháng chiến. Trong 2 tháng, ông chỉ huy gần 200 trận đánh, chủ yếu là các phương án đánh du kích trong thành phố để kìm chân địch. Cách đánh này kết hợp trong đánh, ngoài vây, kìm giữ tiêu diệt địch trong từng căn nhà, ở từng góc phố, kết hợp phục kích của tổ, đội với bắn tỉa của từng cá nhân, tiêu hao, ngăn chặn địch khiến quân Pháp với lực lượng quân chính quy đông gấp ba lần, cùng với uy thế về binh hỏa lực nổi trội như xe tăng, vũ khí hạng nặng nhưng không thể nào “bình định” được Hà Nội.
Đặc biệt, chiến thuật “trùng độc chiến” do Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ nghĩ ra là một phương thức tác chiến vô cùng độc đáo. Lúc đó, lực lượng Vệ quốc đoàn non trẻ của ta mới thành lập, có 4 tiểu đoàn, phòng thủ theo 3 tuyến trên diện rộng, khắp trong và ngoài thành. Nếu dàn quân đối đầu thì bộ đội ta khó trụ được một tuần. Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ trình bày cách đánh “trùng độc chiến” và được cấp trên chấp thuận. Đây cũng có thể gọi là cách “nội công, ngoại kích”, “trong đánh ra, ngoài đánh vào”. Một tiểu đoàn ém trong nội thành, ngay giữa lòng địch, các đơn vị còn lại bố trí tại các cửa ô, nút giao thông quan trọng. Địch định tiến công “vỗ mặt” Việt Minh, lập tức bị nếm đòn “nội công”, quay lại đối phó thì lại bị “ngoại binh” phản kích. Chính nhờ chiến thuật này cùng tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mà quân, dân Thủ đô đã xuất sắc kìm chân Pháp tại Hà Nội được 2 tháng, vượt gấp đôi thời gian kìm chân địch được giao, để Trung ương Đảng và nhân dân có đủ thời gian di chuyển lên các An toàn khu, tổ chức kháng chiến.
Sinh ra vào buổi “nước mất nhà tan” nên từ thuở nhỏ, khi phiêu bạt kiếm sống, đồng chí Vương Thừa Vũ đã biết làm rất nhiều nghề. Ông biết làm mộc, nề, gò và đặc biệt là... giỏi võ. Tuy giỏi võ nhưng ông ít bộc lộ, thi thoảng mới truyền lại cho các chiến sĩ bảo vệ. Khi đã là Thiếu tướng, rồi Trung tướng, ông vẫn giữ nếp sống luôn khiêm nhường, giản dị. Người dân thôn Vĩnh Ninh vẫn truyền nhau câu chuyện ông hay đi bộ về làng. Chuyện là, mỗi lần về làng, ông đều dừng xe từ cuối làng, đi bộ qua một cánh đồng rộng để về. Đồng chí lái xe có hỏi, ông nói: Lâu lâu mới được về thăm làng, tôi muốn đi bộ, vừa ngắm cảnh cho đỡ nhớ quê, vừa giữ tình cảm thân thiết, gần gũi với mọi người. Bà con, hàng xóm hồi đó chỉ biết ông trong quân đội. Chuyện vui, chuyện buồn của bà con, ông biết thì đều đến hỏi han, chia sẻ. Mãi sau này, mọi người mới biết, hóa ra ông giữ quân hàm và chức vụ... rất to trong quân đội.
CHU SINH