Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lúc bộ đội ta còn gặp rất nhiều khó khăn, ông vẫn thường xuyên tổ chức các đội tuyên truyền vũ trang về các buôn làng, thọc sâu vào ấp chiến lược. Ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân vùng căn cứ giúp đỡ đồng bào mới từ vùng địch trở về, tổ chức cho bà con sản xuất tự túc bằng cách trồng cây ngắn ngày với mong muốn cứu đói cho đồng bào, ông còn vận động bộ đội rút từ 1/3 đến 1/2 suất ăn hằng ngày để giúp dân. Thấu hiểu cái đói của đồng bào Tây Nguyên, nên khi đến các đơn vị, ông luôn vận động: “Dù còn đói cũng phải bớt phần gạo cho dân” và yêu cầu báo cáo về việc tiết kiệm gạo, muối của đơn vị. Từ phong trào này, ông đã dành được hàng chục tấn gạo, hàng nghìn cân muối mang đến các địa phương, cứu đói cho đồng bào...
Nhận được sự đồng thuận của cán bộ, chiến sĩ nên nhiều bộ phận, đơn vị đã quyên góp được số gạo khá lớn, tham gia hàng nghìn ngày công lao động giúp dân. Riêng Sư đoàn 320 có lần đưa gần 500 cán bộ xuống các buôn làng trực tiếp hướng dẫn bà con sản xuất. Đặc biệt, trong đợt hoạt động đột xuất cứu đói năm 1973, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã quyết định mở một chiến dịch vận chuyển lớn, đưa kịp thời hàng trăm tấn hàng tới địa phương. Chỉ trong thời gian ngắn, bộ đội ta đã vận chuyển gần 3.000 tấn gạo, 200 tấn muối, 15 tấn thuốc chữa bệnh cùng rất nhiều vải vóc, chăn màn, chuyển về giúp đỡ đồng bào.
Nay Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã mãi đi xa, nhưng mỗi dịp Tết đến, xuân về, đồng bào Tây Nguyên vẫn nhắc nhớ “ông tướng cứu đói”, yêu thương, cưu mang đồng bào.
(Theo sách: “Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Ký ức Tây Nguyên”, NXB QĐND 2002)
XUÂN SONG