Tùy theo tính chất công việc, chỉ huy đơn vị “du di” giải quyết cho cán bộ tranh thủ vài giờ về nhà thắp nhang lên bàn thờ gia tiên trước Giao thừa hoặc những ngày đầu năm, nhưng cũng có không ít trường hợp đón Tết ở đơn vị nhiều năm liền. Và tôi bắt gặp hai câu chuyện về những đêm trực Tết như thế ở Lữ đoàn Pháo phòng không 226, Quân khu 9.

Quên cả tìm... người yêu

Đại úy Phạm Thành Luân sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân ở xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tuy cuộc sống vất vả nhưng chính những tháng ngày cơ cực tuổi thơ là bài học và vốn sống giúp anh cứng cỏi hơn để vượt qua mọi thử thách. Tháng 2-2005, Luân nhập ngũ và nuôi ước mơ trở thành sĩ quan. Vừa học tập, rèn luyện vừa ôn kiến thức, hai năm sau, anh thi đỗ vào Học viện Phòng không-Không quân. Năm 2010, anh tốt nghiệp và được phân công về Lữ đoàn Pháo phòng không 226. Ở đây, anh lần lượt giữ chức Trung đội trưởng, Phó đại đội trưởng và hiện nay là Đại đội trưởng Đại đội 572, Tiểu đoàn 145. Dù ở cương vị nào, anh luôn suy nghĩ làm sao để nâng cao chất lượng huấn luyện trong điều kiện vũ khí đã qua nhiều năm sử dụng, tính đồng bộ không cao. Mặt khác, mỗi giai đoạn huấn luyện, ít nhất mất từ hai đến ba tháng các pháo thủ mới nắm chắc binh khí, thuần thục động tác, hiệp đồng khẩu đội.

Từ trăn trở đó, năm 2018, Luân nghiên cứu thành công sáng kiến “Mô hình huấn luyện pháo thủ 1 và 2”. “Sản phẩm này giúp cho pháo thủ dễ dàng bắt, bám sát mục tiêu, không cần người vác mô hình như trước đây; đồng thời bảo đảm bí mật, thuận tiện trong quá trình cơ động trong chiến đấu. Năm 2019, tôi cũng hoàn thành sáng kiến “Mô hình cờ huấn luyện ban đêm” giúp cho bộ đội thực hành bắn mục tiêu trong điều kiện che khuất. Cả hai sản phẩm đều được quân khu, lữ đoàn công nhận và đưa vào huấn luyện tại đơn vị; qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác này. Tiêu biểu như năm 2018 tại Hội thao bắn đạn thật do Cục Phòng không Lục quân tổ chức, đơn vị tôi đã tiêu diệt mục tiêu ngay loạt đạn đầu, đoạt giải nhất”-Luân phấn khởi chia sẻ.

leftcenterrightdel
Trung úy QNCN Lê Sỹ Dương trong một ca trực

Không chỉ giỏi quân sự, Luân cũng khá tâm lý. Anh thường xuyên gần gũi, động viên, nắm tâm tư, nguyện vọng, giải đáp những vướng mắc để chiến sĩ toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ. Đó là anh học từ lời dạy của Bác: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Đây là phẩm chất gắn liền với hoạt động thực tiễn hằng ngày của cán bộ, vì vậy anh không ngừng học tập, học từ cả cán bộ, chiến sĩ cấp dưới. Binh nhất Phan Hoàng Duy, chiến sĩ Khẩu đội 3, Trung đội 1 kể: “Anh Luân lúc nào cũng vui vẻ, chan hòa và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Khi chúng tôi mắc lỗi, anh vẫn nghiêm khắc xử lý theo quy định. Lúc chúng tôi có chuyện buồn hay niềm vui gì, anh luôn chia sẻ, động viên như người anh trong gia đình”. Bên cạnh đó, Luân còn dành nhiều tâm huyết cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên, không chỉ trong các hoạt động thi đua mà đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, như: “Tổ chức Đoàn huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Chi đoàn hành động giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm”, “Tiết kiệm chi tiêu vì ngày mai lập nghiệp”... Với sự nỗ lực của bản thân, nhiều năm liền Luân được tặng bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Nếu ở đơn vị, Luân là cán bộ gương mẫu, trách nhiệm với công việc thì về gia đình, anh là người con hiếu thảo. “Ba tôi từng làm chuyên gia ở Campuchia, sau đó về công tác tại cơ quan công an tỉnh An Giang. Năm 1988, mắt ba không thấy rõ nên xin nghỉ. Gần 4 năm sau thì ba vĩnh viễn mất ánh sáng, một mình mẹ chạy chợ buôn bán lo cho gia đình... Do đơn vị đóng quân độc lập nên khoảng một tháng tôi mới tranh thủ về thăm ba mẹ chốc lát rồi trở lại đơn vị. Mỗi lần tôi về, ba hay sờ lên vai để cảm nhận, hễ quân hàm của tôi có thêm sao là ba khóc vì xúc động và tự hào, dặn tôi phải luôn luôn cố gắng phấn đấu. Ngày Tết tôi không về nhà, ba không buồn, miễn sao tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tính ra cũng đã 10 năm tôi đón Tết ở đơn vị”-Luân kể.

Năm nay 34 tuổi, say mê với nhiệm vụ và chăm lo cho ba mẹ, em trai, Luân chưa có bạn gái.

Trong mắt... tiêu đồ

Với Trung úy QNCN Lê Sỹ Dưỡng, nhân viên tiêu đồ, Đại đội Thông tin (Phòng Tham mưu) thì con đường vào binh nghiệp là cả quyết tâm, và để được phục vụ lâu dài trong quân đội cũng lắm thăng trầm. Quê ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nhưng Dưỡng chuyển vào Hậu Giang sống với người chú học phổ thông. Tháng 2-2003, Dưỡng tình nguyện nhập ngũ vào Lữ đoàn Pháo phòng không 226; sau đó được cử đi học khóa đào tạo khẩu đội trưởng pháo 37mm. Hết thời gian nghĩa vụ, anh xin phục vụ lâu dài và được chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp. “Đến năm 2009 thì quy định quân nhân chuyên nghiệp không giữ chức khẩu đội trưởng, vậy là tôi phải học thêm khóa đào tạo tiểu đội trưởng thông tin. Công tác được hơn một năm thì đơn vị cho tôi đi học khóa nhân viên tiêu đồ. Mỗi khóa học 6 tháng nhưng ở 3 lĩnh vực khác nhau”-Dưỡng cười nói.

leftcenterrightdel
Đại tá Tạ Minh Liệt, Chính ủy Lữ đoàn Pháo phòng không 226 trao quyết định tặng “Nhà đồng đội” 
tới gia đình Đại úy Phạm Thành Luân.

Cuối năm 2011, Dưỡng lập gia đình với cô giáo Nguyễn Thanh Thảo, hiện dạy ở Trường Tiểu học Phan Bội Châu, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Đôi vợ chồng trẻ thuê nhà trọ gần đơn vị để anh tiện đi làm cũng như chăm sóc vợ. Chưa đầy hai tháng sau ngày cưới thì đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012-cái Tết mà Dưỡng không thể quên và mỗi khi nhắc nhớ cứ tủm tỉm cười. Anh kể: “Ca trực của tôi bắt đầu từ 23 giờ 40 phút nên trước đó tôi tranh thủ về nhà thắp nhang đón Giao thừa. Thấy tôi lật đật dắt xe ra, vợ thắc mắc, tôi bảo đi trực. Vợ nhìn tôi mắt tròn mắt dẹt: “Gần tới Giao thừa anh còn trực gì nữa?”. Tôi nói: “Bây giờ mới tới ca trực của anh, không thể bỏ được!”. Vậy là vợ tủi thân òa khóc nức nở. Tôi phải làm “công tác tư tưởng” nửa tiếng đồng hồ, vợ mới bớt buồn. Cũng may là không trễ giờ vào ca. Thật ra cũng tội nghiệp vợ, mới lấy chồng đôi tháng đã đón năm mới một mình trong khu nhà trọ vắng hoe. Sau này thỉnh thoảng tôi trêu: “Lấy chồng bộ đội đừng mơ ngày lễ, tết đi chơi, đã “nhắc nhở” nhiều lần rồi không nghe”. Vợ đáp tỉnh queo: “Ai biểu yêu thì chịu!”.

Chính tình yêu đó đã cho cô giáo Nguyễn Thanh Thảo thêm sức mạnh để thay Dưỡng quán xuyến mọi việc trong ngoài, từ chăm sóc, dạy dỗ, đưa đón hai con nhỏ đến lên lớp làm tròn vai trò trong sự nghiệp “trồng người”. Mỗi tối, khi các con ngủ, Thảo lại cặm cụi soạn giáo án hoặc chấm điểm bài kiểm tra, bài thi của học trò để chồng yên tâm làm nhiệm vụ. “Đồng chí Lê Sỹ Dưỡng chưa bao giờ vào ca trễ. Trong quá trình trực, anh luôn thể hiện tính tỉ mỉ, thận trọng, bảo đảm thu tín hiệu kịp thời, thể hiện lên bảng đồ chính xác. Ngoài ra, mỗi tuần cấp trên phát bài tập để kiểm tra mức độ thu tín hiệu, anh đều hoàn thành tốt. Trong cuộc sống, anh luôn đoàn kết, hòa nhã với đồng đội cũng như người dân nơi cư trú; thường xuyên giúp đỡ quần chúng cùng tiến bộ. Qua bình xét thi đua hằng năm, anh đều được khen thưởng”-Đại úy Nguyễn Sĩ Hạp, Chính trị viên Đại đội Thông tin nhận xét về Dưỡng như vậy.

Còn Dưỡng chia sẻ rằng, nghề của các anh là canh trời bằng những... cây chì và đôi tai nghe, không gian làm việc khiêm tốn nên có người nghĩ đơn giản nhưng thực tế ngược lại. “Chúng tôi thu tín hiệu về đường bay và mệnh lệnh cấp trên bằng moóc, sau đó mã hóa thành những con số và chữ cái. Nếu bất cẩn hoặc không nắm vững nghiệp vụ có thể sai sót; nói cách khác, lơ là một chút sẽ không hoàn thành nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra”-Dưỡng giải thích.

Là “tai, mắt” của người chỉ huy nên ngày nghỉ, ngày lễ hay Tết, những nhân viên tiêu đồ như Dưỡng đều bảo đảm trực 24/24 giờ, thu tín hiệu chuẩn xác và kịp thời báo cáo, không để bị động, bất ngờ. Do tính chất công việc nên mỗi ngày đêm, Dưỡng và anh em phải luân phiên đảm nhiệm hai ca trực, mỗi ca kéo dài từ 1 giờ 45 phút đến 2 giờ 30 phút tùy theo quân số. Thời gian nhận và giao phiên ban luôn thay đổi, lúc đầu hơi mệt mỏi nhưng dần rồi cũng quen, cũng như Dưỡng đã quen với 14 cái Tết xa gia đình trong 16 năm quân ngũ. “Hai lần tôi được đón Giao thừa với gia đình là lúc đang đi học, nhà trường cho về quê. Mỗi cái Tết đều có kỷ niệm riêng mà ở đó có tình yêu thương đồng chí, đồng đội, có cùng chung ý chí, suy nghĩ. Hơn thế nữa, chúng tôi cảm thấy tự hào khi đóng góp công sức để bảo vệ quê hương cho nhân dân vui xuân, trong đó có người thân của mình. Bây giờ tôi trực Tết, vợ không buồn nữa vì bên cạnh đã có con trai 7 tuổi và con gái 5 tuổi. Bốn năm nay tôi chuyển vào ở nhà công vụ nên đỡ một phần chi phí, cuộc sống cũng thoải mái hơn. Vợ cũng hiểu trong mắt tôi nhiệm vụ luôn đặt lên hàng đầu”-Dưỡng nói.

Những câu chuyện tương tự như Đại úy Phạm Thành Luân hay Trung úy QNCN Lê Sỹ Dưỡng không khó để bắt gặp ở Lữ đoàn Pháo phòng không 226 nói riêng, LLVT Quân khu 9 nói chung. Các anh luôn nghĩ đó là trách nhiệm và bổn phận của mình, không ai có thể thay thế, dù đó là những đêm trực Tết. Chỉ đơn giản vậy thôi!

Bài và ảnh: KIÊN GIANG - THANH PHÚC