QĐND - Đó là 4 học viên của Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) vừa đoạt giải cao tại kỳ thi Olympic toàn quốc năm 2013: Nguyễn Thế Diện và Nguyễn Trọng Đức (lớp Máy bay động cơ K55), đều cùng đoạt giải ba môn Cơ học; Nguyễn Đức Đạt (lớp Máy bay động cơ K57) và Nguyễn Văn Dương (lớp chuyên ngành tác huấn K57), đều cùng đoạt giải nhì môn Toán.

Từ phải qua trái: Nguyễn Thế Diện, Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Trọng Đức và Nguyễn Văn Dương-4 học viên của Học viện PK-KQ vừa đoạt giải cao tại kỳ thi Olympic quốc gia. Ảnh: Cường Quốc

Cả bốn tân khoa có một điểm chung là cùng xuất thân từ nhà nông, học THPT trường huyện và đều phải vừa học vừa lao động giúp gia đình. Thời học phổ thông, họ cũng có nhiều nỗ lực phấn đấu nhưng chưa từng được giải hoặc đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện. So với các bạn trường chuyên lớp chọn đã tham gia nhiều cuộc thi, cả về thành tích và kinh nghiệm thi đấu của bốn người đều không bằng. Vậy nhưng sau một thời gian học tập, rèn luyện tại học viện, họ đã hội đủ các điều kiện để đến với cuộc thi cấp quốc gia và giành được giải thưởng. Đó là sự chuyển biến và dấu ấn lớn, không chỉ đối với riêng mỗi người mà là của cả một học viện đang từng bước chuyển mình, hội nhập vào tốp các trường có thành tích cao của quân đội và của ngành giáo dục nước nhà.

Học viên Nguyễn Đức Đạt (sinh năm 1993, quê ở xã Thạch An, huyện Thanh Hà, Hải Dương), lý giải về sự tiến bộ vượt bậc về môn toán của mình như sau: Thực ra, hồi học phổ thông các em “lo” học toán để thi chứ không mấy thiết tha với môn học khô khan này. Nhưng khi vào học viện, chính các thầy giáo đã truyền niềm đam mê toán học cho chúng em. Mặt khác, ngày xưa học toán không biết để làm gì, nay học toán được áp dụng “sát sườn” với công việc của người kỹ sư máy bay động cơ, của người sĩ quan chỉ huy kỹ thuật PK-KQ… nên rất hào hứng. Đặc biệt, môi trường quân đội đã giúp chúng em tăng thêm bản lĩnh vững vàng, tự tin trong cuộc sống, nên tâm lý thi đấu cũng tốt hơn hồi học hành và thi cử ở trường phổ thông…

Năm 2013 không phải là năm đầu tiên Học viện PK-KQ có đội tuyển tham gia kỳ thi olympic sinh viên toàn quốc ở hai môn Toán học và Cơ học. Môn Cơ học, lực lượng để tuyển chọn không dồi dào bằng môn toán vì mỗi khóa học nhà trường chỉ tuyển một lớp đào tạo khoảng 20 kỹ sư chuyên ngành máy bay động cơ, nhưng từ năm 2008 đến năm 2010, đội tuyển của học viện đi thi Olympic quốc gia luôn có giải nhất cá nhân và đã từng đoạt giải ba đồng đội. Năm nay đội tuyển môn cơ có 2 giải ba, 3 giải khuyến khích. Dù về đồng đội chỉ đứng thứ năm, nhưng là thứ năm trong tổng số 81 trường đại học và cao đẳng trong và ngoài quân đội có đội tuyển tham gia kỳ thi Olympic năm nay…

Đại tá, Tiến sĩ Tạ Văn Trung, Trưởng phòng Đào tạo của Học viện (người đứng phía ngoài) giới thiệu tài liệu mô phỏng huấn luyện ra-đa bằng công nghệ kỹ thuật số. Ảnh: Cường Quốc

Với môn toán, Học viện PK-KQ bắt đầu tham gia kỳ thi Olympic quốc gia sau môn cơ, vào năm 2009. Từ đó đến năm 2012, thành tích lớn nhất là 1 giải nhì, hai giải ba và 2 giải khuyến khích. Sang năm nay, thành tích đã được nâng lên: Đội tuyển dự thi có 3 người thì tất cả đều được giải, trong đó có 2 giải nhì.

Học viên Nguyễn Trọng Đức (sinh năm 1990, quê ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Thanh Hóa) kể: Trước khi lên đường, đồng chí Chính ủy Học viện có dặn dò một số điều, trong đó các em nhớ nhất là phải “chơi đẹp”, không đặt nặng thành tích. “Chơi đẹp” để quảng bá được hình ảnh của học viên quân đội và thể hiện được nhà trường quân đội không thua kém các trường đại học bên ngoài, đó cũng là kết quả! Nhờ lời dặn dò ấy mà khi vào phòng thi, các em đã rất thoải mái và bình tĩnh. Còn học viên Nguyễn Văn Dương (quê ở xã Hoàng Quý, huyện Hoàng Hóa, Thanh Hóa) thì hào hứng khoe: Thời gian ôn luyện để đi thi, chúng em được ưu tiên miễn lao động tăng gia buổi chiều và canh gác ban đêm. Lại còn được Câu lạc bộ Khoa học khối học viên quyên góp ủng hộ nhiều thứ. Tuy là hạ sĩ quan nhưng lại được đi tàu hỏa toa VIP. Vào Đà Nẵng-nơi diễn ra kỳ thi Olympic quốc gia 2013-lại được các đơn vị của Quân chủng PK-KQ đóng ở trong đó, như: Nhà máy A32, Trung đoàn tên lửa 282, Sư đoàn phòng không 375, Sư đoàn không quân 372… tận tình giúp đỡ từ việc đưa đón đi lại, nơi ăn nghỉ và “chiêu đãi” một chuyến du lịch rất thú vị. Chúng em cảm ơn các bạn học viên, cảm ơn học viện và các đơn vị bạn nhiều lắm…

Xin được “mở ngoặc” thêm: Trong buổi làm việc với lãnh đạo học viện chiều hôm ấy, Đại tá Lương Quốc Cường, Phó chính ủy cho chúng tôi biết: Đảng ủy và chỉ huy học viện đã có quyết định thăng quân hàm Thượng sĩ trước niên hạn cho cả 4 học viên đoạt giải cao trên đây. Tin vui này sẽ được thông báo tại lễ kỷ niệm 49 năm thành lập Học viện PK-KQ, tổ chức vào ngày 16-7-2013 sắp tới!

Thêm một con số “biết nói” nữa: Năm nay số lượng thí sinh dự thi vào Học viện PK-KQ tăng gần gấp đôi những trước đây, với tỷ lệ 1 “chọi” 9. Số lượng dự thi tăng nên kỳ thi tuyển sinh vừa rồi cả học viện đều “mệt nhoài”! Nhưng, mệt thì mệt mà vui càng vui…
QUỲNH LINH - TUYÊN HÓA