Mối tình đầu: Hai người đồng chí!

Mối tình đầu của ông là nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái. Trước đó, Võ Nguyên Giáp từng nghe danh Quang Thái là một thiếu nữ rất hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, em gái của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Cuộc gặp gỡ giữa hai người trên chuyến tàu Hà Nội-Vinh-Huế năm 1929 như một định mệnh. Quang Thái từ nhà vào Huế nhập học Trường nữ sinh Đồng Khánh, Võ Nguyên Giáp cũng trên đường công tác vào Huế. Cô gái có dáng vẻ dịu hiền, gương mặt trái xoan, đôi mắt đen rất sáng, toát nên vẻ cương nghị, thông minh đã để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng Võ Nguyên Giáp. Một hôm, Võ Nguyên Giáp đang làm việc ở nhà ông Lê Ấm, con rể cụ Phan Chu Trinh thì có một thiếu nữ tìm gặp. Cô nữ sinh xinh xắn, nói giọng Vinh ấm áp. Đang mải viết, ông ngẩng lên và sững sờ: Không ngờ đó là người mà ông có "ấn tượng đặc biệt" bấy lâu. Những năm 1930-1931, cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đầy sôi động đã dội vào Huế. Thực dân Pháp đàn áp, bắt bớ nhiều học sinh, trong đó có Quang Thái. Lúc ấy, Võ Nguyên Giáp cũng bị bắt vào nhà lao Thừa Phủ. Khi đi ngang qua trại giam nữ, ông giật mình khi nhận ra Quang Thái, tình yêu của hai người nảy nở từ trong sự cảm phục lẫn nhau, từ chung một lý tưởng chiến đấu cho đất nước độc lập, tự do.

leftcenterrightdel
 Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1931, Võ Nguyên Giáp được ra tù nhưng bị quản thúc tại quê. Quang Thái cũng được trả tự do trong dịp này, hai người thường viết thư cho nhau. Quang Thái yêu mến người con trai Quảng Bình hiền lành nhưng mạnh mẽ, thích đôi mắt vừa hồn nhiên nhân hậu, vừa cương nghị, sắc sảo của anh. Lúc xa anh, chị thấy nhớ giọng nói ấm áp và ánh nhìn trìu mến dành cho mình. Năm 1935, hai người tổ chức lễ cưới, khi ấy Quang Thái tròn 20 tuổi và Võ Nguyên Giáp 24 tuổi. Đó là một đám cưới “chạy tang” do bà ngoại của Quang Thái đột nhiên ngã bệnh. Hai người chung sống tuy 10 năm chồng vợ, nhưng chỉ có 5 năm bên nhau ở Hà Nội. Năm 1939, người con gái đầu lòng Võ Hồng Anh ra đời.

Một năm sau (1940), theo phân công của Đảng, ông cùng đồng chí Phạm Văn Đồng bí mật sang Trung Quốc tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trước khi đi, bà Quang Thái động viên ông: "Đây là thời cơ lớn để đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, anh cứ yên tâm lên đường, mẹ con em sẽ tự lo được. Chờ con lớn thêm chút nữa, em sẽ gửi ông bà và cũng sẽ thoát ly làm cách mạng". Phút chia tay bịn rịn bên đường Cổ Ngư không ngờ lại là giây phút vĩnh biệt, bởi gần một năm sau, bà bị địch bắt giam ở Hỏa Lò. Đây cũng là lúc ông đã về nước theo chỉ thị của Bác Hồ, cùng các đồng chí lãnh đạo khác xây dựng chiến khu Cao-Bắc-Lạng. Nhiều khi ngồi dưới gốc cây trong rừng đại ngàn, ông mong đến ngày được gặp lại vợ và con gái. Do điều kiện hoạt động phải giữ bí mật, lâu lâu ông mới gửi về nhà một bức thư viết trên mẩu giấy thuốc lá khi có liên lạc trực tiếp. Ông chia sẻ với bà nỗi đau chị Minh Khai hy sinh, nhưng lại không biết Quang Thái cũng đã hy sinh trong tù. Những lá thư chứa chan tình yêu thương viết trên giấy thuốc lá mỏng mảnh vẫn tiếp tục gửi về địa chỉ người đã mất. Cho đến một ngày tháng 4-1945, dự Hội nghị quân sự Bắc kỳ họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang, ông mới nghe đồng chí Trường Chinh nói tin dữ mà tưởng ông đã biết: “Chị Thái chưa kịp rút vào hoạt động bí mật thì bị chúng bắt... Cũng không ngờ chị mất ở trong tù”. Nỗi đau quá đột ngột. Ông lặng người hỏi lại: "Anh nói sao?". Đồng chí Trường Chinh rất ngạc nhiên: "Anh chưa biết tin à?". Bị sốc quá mạnh, ông bàng hoàng đi sang buồng bên, rồi lại nén đau thương để tiếp tục dự họp vì tình thế cách mạng vô cùng khẩn trương... Ông không ngờ cái ngày hôm ấy, cuộc chia tay ngắn ngủi, bịn rịn bên Hồ Tây lại là lần cuối cùng ông gặp người vợ thương yêu.

 Mối tình "như bóng với hình"

 Trong thời gian hoạt động tại Vinh (1931-1941), Võ Nguyên Giáp sống tại nhà của Giáo sư Đặng Thai Mai. Giữa ông và Giáo sư Đặng Thai Mai duy trì một tình bạn vong niên thân thiết. Lúc nào ông cũng xem Bích Hà (con gái đầu của Giáo sư) như một người em nhỏ, nên rất cưng chiều và chăm sóc. Khi ra Hà Nội, lúc đi luyện tập thể thao, ông cũng cho Bích Hà đi cùng. Ông hay kể cho Bích Hà nghe về Quang Thái. Ngày ấy, cả gia đình Giáo sư Đặng Thai Mai rất quý Quang Thái và coi cô như người thân trong nhà. Sau khi cưới, Võ Nguyên Giáp ra ở riêng và tiếp tục hoạt động ở Hà Nội rồi sang Trung Quốc. Lúc hai người gặp lại nhau năm 1945, Võ Nguyên Giáp đang phải gánh chịu nỗi đau quá lớn-người vợ Nguyễn Thị Quang Thái đã mất trong nhà tù Hỏa Lò năm 1944. Từ sự kính phục và ngưỡng mộ, bà Bích Hà lại càng muốn được cùng ông chia sẻ mọi gian khó trên con đường cách mạng và đường đời.

leftcenterrightdel
Bữa cơm thanh đạm của vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đặng Bích Hà. Ảnh: TRẦN HỒNG

Kỷ niệm 65 năm ngày thành hôn (năm 2011), bà Bích Hà kể với các em: “Có lẽ câu tỏ tình đầu tiên của anh Văn với chị là: “Sau này anh sẽ cưới Hà bằng một đĩa xôi với một con gà”. Anh nói thế vào một lần đưa chị đi chơi bằng xe đạp”. Những ngày tháng đầu tiên khi nước nhà được hưởng nền độc lập, lúc rảnh, Võ Nguyên Giáp thường đến thăm nhà Giáo sư Đặng Thai Mai, tranh thủ dạy, hướng dẫn Bích Hà đọc sách. Buổi tối, các em đi ngủ hết, hai người vẫn thường ngồi lại bên bàn đọc sách và trò chuyện. Một đêm, đã khuya lắm, đột nhiên thầy Mai trở dậy thấy đèn phòng ngoài còn sáng. Đi ra, thầy ngạc nhiên thấy hai người còn ngồi trò chuyện bên bàn. Thầy nhắc con gái: “Hà ơi, đi ngủ đi, khuya rồi, để anh Văn còn đi nghỉ”. Anh Văn quay lại, nói với thầy Mai bằng tiếng Pháp: “Taisez-vous. Ne nous dérangez pas” (Để yên nào. Xin đừng quấy rầy chúng tôi). Vào cuối năm 1946, đám cưới của hai người được tổ chức rất giản dị, diễn ra tạiphòng khách của ngôi nhà mà gia đình Giáo sư Đặng Thai Mai ở khi đó. Tham dự lễ cưới có bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, làm chủ hôn và bà Nguyễn Thị Thục Viên (nữ đại biểu quốc hội đầu tiên của Thủ đô), một người thân của gia đình.

Suốt mấy chục năm làm bạn đời, bà Bích Hà vẫn luôn bên cạnh động viên chồng với tâm hồn bình thản qua những lời giản dị và lạc quan. Trong phòng khách có hai chiếc ghế, một chiếc dành cho ông và chiếc bên cạnh là của bà. Đại tá, nhà báo Trần Hồng, người luôn có mặt tại gia đình Đại tướng để chụp ảnh, kể: "Có những hôm, ông dặn bà: “Hôm nay anh về hơi muộn, em ăn trước đi” nhưng bà Hà nói rằng: “Em phải đợi anh về em mới ăn”. Trong bữa ăn có khi chỉ là quả trứng luộc họ cũng ân cần mời nhau, nhường nhịn nhau một cách tình cảm và dí dỏm. Bà cứ đẩy cho ông và ông cứ đẩy lại cho bà. Ông thì nói: “Em ăn đi”, còn bà thì nói lại: “Thôi anh ăn đi thì mới có sức”. Dù hơn vợ 17 tuổi, nhưng lúc nào có khách hay trong những cuộc hội ngộ đông người, ông lại gọi vợ là... chị: "Chị Bích Hà ơi, chị Bích Hà!", hay: "Chị Bích Hà đâu rồi?". Còn bình thường ông vẫn gọi tên riêng của bà: "Bích Hà!" hoặc gọi là "em" một cách ngọt ngào, thân thiết...". “Từ khi còn đương chức cho đến khi về nghỉ, ngày nào Đại tướng cũng rất bận rộn. Dù vậy, chưa năm nào Đại tướng quên ngày cưới của hai người. Hằng năm, cứ đến ngày 27-11, Đại tướng lại nhờ con gái mua một bó hoa hồng nhung-loài hoa mà bà Bích Hà rất thích để tặng bà. Đến những năm sức yếu, Đại tướng chủ yếu ở trong viện, tuần nào bà Bích Hà cũng vào thăm chồng, cùng ông chuyện trò. Hôm nào mệt, bà không vào được, ông lại hỏi các con: “Mẹ thế nào?”. Khi nghe các con nói: “Mẹ vẫn khỏe, mẹ bình thường ạ!” thì ông mới gật gật đầu: “Bảo mẹ giữ gìn sức khỏe!”, Đại tá Nguyễn Huyên, thư ký của Đại tướng kể như vậy.

Giáo sư Đặng Thị Hạnh, người em gái từng hỏi bà: "Ý nghĩa hạnh phúc lớn nhất đời của chị là gì?". Bà đáp ngay: "Là chị đã có anh Văn". Theo bà Hạnh: “Về ý nghĩa cuộc đời, những ngày vẻ vang cũng như gian khổ-cả về tinh thần-chị Hà luôn là nơi nương tựa, chỗ dựa bình yên của anh Văn trong mọi điều kiện”. Sau này, khi các con đã trưởng thành, trong những bữa cơm gia đình, ông thường nói: "Ba rất tin tưởng ở mẹ các con, nhờ có mẹ mà ba mới có thể yên tâm công tác". Ngay cả với Võ Hồng Anh, bà cũng thương yêu, chăm sóc chu đáo như 4 người con ruột. Tình cảm của ông với bà không chỉ bằng lời mà bằng ánh mắt, bằng thấu hiểu, thương yêu lẫn nhau.

BẢO CHÂU