Chiến dịch lúc nửa đêm

Tính đến đầu tháng 4 này, tôi đã có gần tháng 4 tháng đảm nhiệm chức danh trợ lý tuyên huấn của Phòng Chính trị Lữ đoàn 126. Trong 4 tháng ấy, tôi đã học được nhiều kỹ năng về tham mưu và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua-khen thưởng. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của tháng 4 này có lẽ là đợt triển khai chiến dịch tìm kiếm cứu nạn máy bay BELL-505 và nạn nhân trên vùng biển giáp ranh giữa vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Hải Phòng).

Tối 5-4, đang xem chương trình thời sự trên VTV1 cùng đồng đội như thường lệ thì tôi nhận được lệnh của Chủ nhiệm Chính trị, Trung tá Trần Nhật Lạc. Trên điện thoại, anh Lạc chỉ đạo tôi tham gia buổi họp giao nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn máy bay rơi vào lúc 19 giờ 50 phút. Quá trình đội đi làm nhiệm vụ, nắm thông tin từ chỉ huy để cung cấp cho báo chí.

leftcenterrightdel

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đến hiện trường tìm kiếm cứu nạn động viên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126.  Ảnh: TRUNG DŨNG

Tôi tức tốc thay quân phục và lên phòng họp ở sở chỉ huy thì thấy khá đông cán bộ cơ quan, đơn vị cùng chỉ huy đã có mặt ở đó. Sau khi khái quát đặc điểm tình hình, Đại tá Phan Văn Cảnh, Lữ đoàn trưởng phổ biến kế hoạch tìm kiếm và chốt thời gian chuẩn bị, hiệp đồng. Theo đó, Lữ đoàn tổ chức 2 tổ thợ lặn với 15 đồng chí thuộc Trung tâm Huấn luyện lặn sâu mang theo trang bị, khí tài lặn đặc chủng đi thực hiện nhiệm vụ ngay trong đêm, chỉ huy lực lượng là Thượng tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó lữ đoàn trưởng.

Đại tá Trần Văn Nghĩa, Chính ủy Lữ đoàn đứng dậy nhấn mạnh đến bảo đảm an toàn khi thực hiện nhiệm vụ. Anh cho rằng, nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn lần này cần phải được xem như chiến dịch đặc biệt. Đây là dịp để thúc đẩy phong trào thi đua, hướng tới kỷ niệm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa và Ngày thành lập Lữ đoàn. Nó cũng là thời cơ để nhân dân cả nước “kiểm tra, giám sát” trình độ, năng lực đặc công người nhái của Lữ đoàn. Sau lời chúc an toàn, thành công của Chính ủy, lực lượng dự giao nhiệm vụ vỗ tay rất ngắn, nhưng đanh. Tôi hiểu, nhịp vỗ tay ngắn và đanh ấy chính là lời hứa quyết tâm trước lúc lên đường. Bởi lúc này, tâm trí của họ đang dồn cả vào xác định những công việc cần làm ngay để ra hiện trường nhanh nhất có thể.

leftcenterrightdel

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 tìm kiếm nạn nhân dưới biển sâu.  Ảnh: TRUNG DŨNG

Tôi ghé vào tai Trung tá Trần Văn Khương, Phó chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện lặn sâu trao đổi, nhờ anh thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất để xử lý. Khi về đơn vị nhớ phải dành thời gian để kể lại đầy đủ và chi tiết tình hình công việc ở đó cho em nữa nhé.

Anh Khương cười rất tự tin thay cho lời đồng ý. Tôi cũng hiểu rằng, với người có kinh nghiệm tổ chức tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển như anh Khương thì việc ấy không có gì khó khăn. Anh và Thượng tá Hoàng Văn Vĩnh là những người dày dạn kinh nghiệm trong tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển. Anh Khương từng trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn hai máy bay Su-22 bị nạn tại khu vực biển Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) năm 2015; tìm kiếm và cứu nạn máy bay Su30-MK2 và Casa 212 cùng phi hành đoàn bị nạn tại vùng biển Hòn Mắt (tỉnh Nghệ An) và khu vực biển Vịnh Bắc Bộ năm 2017; cứu nạn tàu Vietship 01 bị chìm ở khu vực biển Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị), cứu hộ thành công toàn bộ thuyền viên bị kẹt trên tàu đưa về bờ an toàn trong điều kiện sóng to, gió lớn.

Yết Kiêu thời kỳ mới

Trong lúc chờ đợi thông tin từ hiện trường, tôi lôi cuốn sách lịch sử của Lữ đoàn ra đọc. Với cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn, việc đọc những trận đánh của các tiền bối đi trước trong chiến tranh là cần thiết như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Nó không chỉ giúp anh em thư giãn sau thời gian huấn luyện chuyên ngành căng thẳng, vất vả, mệt nhọc mà quan trọng hơn là qua đó để học hỏi kinh nghiệm đã được đúc rút. Tôi cũng đã tìm được nhiều điều thú vị phục vụ công tác tuyên huấn ở trong cuốn sách này. Tuy nhiên, cũng có những câu chuyện không ghi lại tường tận và tỉ mỉ, trong đó có câu chuyện tổ đặc công nước đánh chìm chiếc tàu chở dầu USS Noxubee của Mỹ đậu ngoài cảng Cửa Việt năm 1969. Chúng tôi nghe được chi tiết câu chuyện này qua lời kể của Đại tá Trần Văn Nghĩa.

Tôi đang miên man về những trận đánh trong lịch sử thì có chuông tín hiệu tin nhắn đến. Đã một giờ sáng tôi mới nhận được tin nhắn của anh Khương. Anh thông tin ngắn gọn, kíp đầu tiên đã xuống nước. Đến 2 giờ 30 phút, điện thoại của tôi lại tít tít, anh Khương lại nhắn, đã tìm thấy ghế lái của máy bay BELL-505 ở độ sâu 7m, cách phía Tây Hòn Dép khoảng gần 200m.

Từ lúc đó đến khi báo thức sáng, tôi không nhận được tin nhắn của anh Khương nữa. Phải đến hơn 8 giờ 30 phút ngày 6-4, anh Khương mới nhắn tổ lặn đã tìm thấy thi thể một nạn nhân và tiến hành các biện pháp bảo quản, chờ tàu SAR đến trục vớt. Thời gian tiếp theo, thỉnh thoảng anh Khương lại nhắn tin kết quả tìm kiếm, nhưng thi thể nạn nhân cuối cùng thì vẫn chưa có. Phải đến hơn 8 giờ ngày 7-4, anh Khương điện thoại cho tôi thông báo, đã tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng, cách nơi tìm thấy thi thể nạn nhân sáng 6-4 tới 150m. Nếu trên bờ, khoảng cách 150m chẳng là bao xa thì dưới biển, ở độ sâu dưới 10m, việc này khó khăn đúng như “mò kim”.

Khi hoàn thành nhiệm vụ trở về bờ, tôi thắc mắc với anh Khương, làm thế nào để liên lạc với thợ lặn ở dưới nước. Anh Khương cười mà nói rằng, khi ở dưới nước, người lặn có đèn soi được khoảng 1,5m. Khi cần liên lạc với người ở trên xuồng thì họ giật dây cuốn theo người. Việc giật dây một hay hai, ba lần tùy thuộc vào hiệp đồng giữa các bên. Anh Khương kể thêm, tìm kiếm nạn nhân chìm dưới biển mất nhiều thời gian và rất công phu, phải có kỹ thuật. Trước hết là đánh dấu tâm tìm kiếm bằng phao, xác định dòng chảy trong khu vực. Tiếp đó, chia thợ lặn thành các kíp. Mỗi kíp tìm kiếm trong các ô có đánh dấu bằng phao. Tìm hết ô này thì chuyển sang ô khác. Cũng có trường hợp dòng nước cuốn theo vật thể trôi từ ô chưa tìm kiếm sang ô đã rà soát, nhưng tình huống này ít xảy ra.

Chuyện của cán bộ, chiến sĩ đặc công hải quân thường giản dị, nhưng trong đó là niềm tự hào lớn lao vì đã kế tục xứng đáng sự nghiệp của danh tướng Yết Kiêu, Dã Tượng đã lưu danh sử sách. Chúng tôi vẫn luyện tập, huấn luyện miệt mài để sẵn sàng chiến thắng trong các tình huống. Chúng tôi như điểm tựa để hoa sóng mãi rực rỡ trên biển xanh mênh mông!

QUANG NINH