Nắm chắc lý thuyết để giỏi thực hành

Chiều chủ nhật, trong cái nắng chói chang và mùi tanh nồng đặc trưng của thành phố biển Vũng Tàu, tôi cùng mấy cán bộ trẻ ở Phòng Chính trị xuống thăm Tàu 11 đang neo đậu tại cảng vụ, sát dòng sông Dinh. Trong kế hoạch của Lữ đoàn 171 tuần này, Tàu 11 được giao trực chiến. Theo quy định của Hải quân, khi trực chiến, từ chỉ huy đến thủy thủ các ngành đều không được rời tàu. Các kíp trực ở trên tàu lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng xử lý các tình huống, thậm chí là vận hành tàu rời cảng, xuất phát đi làm nhiệm vụ nếu trên có lệnh. Đây là dịp may hiếm có để tôi có thể tìm thêm chút tư liệu phục vụ tuyên truyền.

Sau một hồi leo trèo, vượt qua các tàu nằm sát mép cầu cảng, tôi đặt chân lên mặt boong sạch bóng của Tàu 11. Luồng gió mát từ mặt sông Dinh thổi tới xua đi những bụi bặm, ngột ngạt trên trục đường 30-4, khiến tôi khoan khoái như được uống ngụm nước đá mát lạnh giữa trưa hè rát bỏng. Tôi chững lại, hướng mắt, thả hồn vào mặt sông Dinh rộng lớn sóng sánh nắng vàng. Xa xa, một vài chiếc ghe nhỏ của ngư dân ì ạch ngược dòng thủy triều trong tiếng động cơ phành phạch lúc to, lúc nhỏ, lúc lại im bặt.

Bỗng tôi nghe tiếng thì thầm ở phía đuôi tàu lan theo gió đưa tới. Men theo mạn phải của tàu, tôi gặp hai hạ sĩ đang trao đổi gì đó dưới chân ụ pháo AK726 vươn nòng dài thách thức mưa nắng. Tôi nở nụ cười làm quen với hai chàng lính trẻ.

Hạ sĩ có tên trên ngực áo là Trần Anh Vũ thổ lộ rằng, do tối chủ nhật này khẩu đội trưởng là Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Long sẽ kiểm tra nội dung huấn luyện nên họ tranh thủ ra mặt boong để ôn luyện.

Thấy cách ôn luyện khá lạ, tôi thắc mắc, không có khí tài làm sao có thể thực hiện được động tác?

Nhìn khuôn mặt ngơ ngác của tôi, Hạ sĩ Trần Anh Vũ từ tốn giải thích, trong huấn luyện hành động pháo thủ nạp đạn khi chiến đấu có các quy định và cách xử trí tình huống đạn bị hóc ở các vị trí khác nhau. Họ phải học thuộc nguyên nhân, biện pháp khắc phục rồi mới được thực hành. Tuy nhiên, lúc đầu huấn luyện thực hành họ rất hay quên. Để nhớ lâu, nhớ kỹ, họ nghĩ ra cách vừa hình dung hành động khi huấn luyện trong đầu vừa trả lời cho người khác nghe. Nếu thấy sai, người được nghe sẽ góp ý để sửa.

leftcenterrightdel

Khẩu đội pháo 37mm trên Tàu 11 bắn mục tiêu đối không. Ảnh: TRỊNH HÙNG

Thì ra là thế. Có lẽ đây cũng là một cách học hay và thú vị của thủy thủ Tàu 11. Sau này, khi trò chuyện với tôi, Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Long, Khẩu đội trưởng mới nói rõ hơn việc này. Anh chia sẻ, các chiến sĩ cũ ra quân thì chiến sĩ năm thứ hai mới về tàu. Muốn họ thuần thục công việc của pháo thủ nạp đạn thì phải tăng thời gian tự huấn luyện. Sau 3 tháng kiên trì, họ mới thuần thục được động tác, đủ điều kiện huấn luyện nội dung tiếp theo. Rồi sau đó khoảng tháng 10, khi đi biển và bắn đạn thật xong, đầu năm sau họ ra quân. Từ năm 2006 đến nay, năm nào Nguyễn Đức Long cũng tổ chức huấn luyện chặt chẽ như thế, trong đó nội dung xử lý đạn hóc khi huấn luyện bắn là bước quan trọng và rất cần thiết. Thế nên không lạ khi Nguyễn Đức Long là một trong những người có nhiều thành tích trong công tác, nhiều năm liền được chọn là gương mặt QNCN tiêu biểu của Vùng 2 và của Quân chủng Hải quân .

“Pháo đài thép di động” giữa biển khơi

Rời mặt boong phía đặt khẩu pháo AK726 có hỏa lực mạnh, thiện chiến cả trong đối hải và đối không, tôi tìm lối xuống phòng câu lạc bộ của tàu. Sau mấy lượt ngoặt phải, ngoặt trái rồi đi qua những chiếc cầu thang sắt gần như dựng đứng với bậc thang hẹp bề ngang, cuối cùng tôi cũng có mặt tại phòng câu lạc bộ được xem là rộng nhất, nhưng diện tích cũng chỉ chưa đầy mười mét vuông. Vừa tiếp nước vào ly mời khách, Chính trị viên Tàu 11 là Thiếu tá Lê Văn Cường quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vừa tranh thủ giới thiệu sơ sơ với chúng tôi lịch sử con tàu này.

Anh kể, khi ra đời, tàu hộ vệ pháo số hiệu 633 được xem là lớp tàu chiến mặt nước hiện đại nhất của Liên Xô. Sau khi về nước và chính thức bàn giao cho Hải quân Việt Nam khai thác, sử dụng ngày 30-6-1978, nó được đổi phiên hiệu là HQ-11 (nay gọi là Tàu 11). Tính đến nay, nó đã chuẩn bị bước sang tuổi 45, nhưng vẫn là một trong những “pháo đài thép di động” trẻ trung, sung sức chủ lực bậc nhất của Lữ đoàn 171 trong các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, trực trên biển dài ngày. Có được điều đó chính là công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ cán bộ, thủy thủ trong quản lý, khai thác và sử dụng Tàu 11. Thành tích nổi bật mà Tàu 11 đạt được trong thực hiện nhiệm vụ là giai đoạn 1988-1999. Ở giai đoạn này, Tàu 11 đã nhiều lần bắt giữ, xua đuổi tàu cá, tàu chiến nước ngoài có hành vi khiêu khích, xâm phạm lãnh hải Việt Nam trong các tình huống gay cấn, ngặt nghèo.

leftcenterrightdel
Tàu 11 trong hành trình huấn luyện trên biển. Ảnh: TRỊNH HÙNG 

Tiếp lời Chính trị viên Lê Văn Cường, Thiếu tá Nguyễn Đức Thúy, Phó thuyền trưởng quân sự kể rằng, sự khác biệt lớn nhất của cán bộ, thủy thủ Tàu 11 trong công tác đó là ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn; tinh thần tiếp thu, sửa lỗi trong mọi công việc và nhất là trong huấn luyện quân sự. Theo lời của Thúy, ở hoàn cảnh nào, ở cương vị chức trách nào, cán bộ, thủy thủ của tàu cũng đặt nhiệm vụ lên trên hết. Mỗi người luôn định hình trong đầu suy nghĩ, phải nắm chắc tiêu chí công việc để hoàn thành hoặc phối hợp hoàn thành nhiệm vụ.

Thiếu tá Nguyễn Đức Thúy lấy ra một tập tài liệu A4 đóng bìa màu xanh, trong đó bao gồm các bảng chiến đấu để tôi xem. Anh tâm tình với tôi, khi tác chiến trên biển, thường thì Tàu 11 sẽ cùng với tàu bạn thành lập biên đội, bảo vệ cho tàu khu trục, tàu ngầm hoặc các mục tiêu khác. Lúc ấy sẽ có vô vàn tình huống bất ngờ có thể xuất hiện, cần phải xử lý. Do đó, công tác bảo đảm kỹ thuật để tàu hoạt động tốt trong mọi hoàn cảnh và nâng cao khả năng sống còn của tàu là hết sức quan trọng. Ví như bảo đảm thông tin liên lạc trên tàu chẳng hạn, nếu hệ thống liên lạc giữa đài chỉ huy và các ngành bị gián đoạn thì sẽ mất thời cơ tác chiến, thậm chí tàu dễ bị làm mồi cho đối phương. Thế nên, ngành thông tin luôn có các phương án dự phòng, thay thế hoặc khắc phục khẩn cấp những sự cố bất ngờ.

Nguyễn Đức Thúy sinh năm 1988 ở Can Lộc, Hà Tĩnh và tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 2012 với cấp bậc trung úy. Từ khi ra trường đến nay, Thúy đã trải qua nhiều cương vị chức trách ở các tàu khác. Năm 2019, Thúy được Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân vinh danh là thuyền trưởng xuất sắc nhất. Anh nhấn mạnh với tôi rằng, khi huấn luyện trên biển, ngoài nội dung tấn công bằng vũ khí chống ngầm, thủy lôi, pháo đối không, đối hải, chỉ huy tàu còn tổ chức huấn luyện tình huống chống trả hỏa lực địch tập kích; chống chìm, chống cháy. Đó là các biện pháp để tự bảo vệ và nâng cao sức sống của tàu. Thế nên, khẩu hiệu được đóng đinh trong tim mỗi người trên tàu không gì khác ngoài hai từ “đoàn kết”. Đây chính là điều khiến bản lĩnh của họ được tôi rèn. Đó cũng là nguyên nhân để nhiều năm gần đây, Tàu 11 luôn đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng và tàu huấn luyện giỏi.

Cuộc trò chuyện giữa tôi với cán bộ, thủy thủ Tàu 11 kéo dài đến chiều muộn. Lúc rời tàu, hoàng hôn muôn ngàn sắc vàng, đỏ, cam đan xen đã dần thu nhỏ ở phía chân trời. Trong những tháng tới, con tàu số hiệu 11 ấy lại dũng mãnh ra biển huấn luyện, thao diễn cả tháng trời. Tôi tin, sóng gió, bão tố và những điều kiện tác chiến phức tạp nhất sẽ là thử thách để cán bộ, thủy thủ Tàu 11 có thêm động lực, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu thắng lợi trước những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.

XUÂN QUỲNH