Niềm tri ân nguồn cội
Dịch Covid-19 làm thay đổi dự định gia đình tôi đã ấp ủ cả năm nay. Chúng tôi có kế hoạch khi hoa phượng rộ mùa trong tiếng ve râm ran, sẽ hành trình ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác Hồ kính yêu, đi tham quan một số di tích từng in dấu chân Người.

Không thể ra Thủ đô dịp này, chúng tôi đến dâng hương tưởng niệm Bác trên Bến Nhà Rồng, đánh dấu sự khởi đầu một mùa hè đặc biệt. Từng đến đây nhiều lần, nhưng mỗi lần trở lại, tôi đều mang cảm giác bồi hồi như người con xa quê lâu ngày trở về mái nhà của mẹ. Những năm trước, cứ vào dịp hè, thầy, cô giáo và các lứa học sinh khắp nơi lại tụ hội về đây báo công dâng Bác, tổ chức các hoạt động tiếp lửa truyền thống cho đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bến Nhà Rồng không có sự náo nhiệt như thường thấy. Điểm đến trong tour du lịch về nguồn ở Thành phố mang tên Bác khá vắng vẻ. Sự yên ắng làm cho không gian bên bờ sông Sài Gòn thêm trầm mặc, linh thiêng, mang sắc màu gợi nhớ, hồi tưởng, tri ân...

Trong bản hòa tấu của bầy ve râm ran gọi hạ, khoảng trời xanh trên Bến Nhà Rồng rợp cánh chim bay. Chim bồ câu từng đàn chao liệng. Chúng sống trên các tòa nhà cao tầng, nhiều nhất là ở khu trung tâm thành phố. Cả mấy chục năm nay, cứ buổi sáng hằng ngày, những người có tấm lòng thơm thảo, yêu thiên nhiên lại đem thóc đến những nơi bồ câu hay tìm đến để cho chúng ăn. Người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh xưa nay luôn yêu quý, nâng niu những cánh chim trời, coi chúng như người bạn thân thiết. Người góp thóc, người bỏ công chăm chút chứ chả phải mua bán gì. Như hiểu được tình cảm, công lao chăm sóc của con người, chim trả ơn bằng cách kết đàn, “vẽ” lên nền trời xanh những “tác phẩm” đẹp mắt. Sáng nào cũng vậy, sau khi sà xuống ăn thóc ở những không gian công cộng, bồ câu từ phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà... kết thành từng đàn lên đến hàng trăm con, bay qua sông Sài Gòn, chao lượn trên không gian xanh ở Bến Nhà Rồng.

Trên tầng cao, những đàn cò trắng từ hướng Cần Giờ dập dờn sải cánh qua khung trời nội ô về phía đồng lúa đang mùa thu hoạch ở vùng ngoại thành Củ Chi, Hóc Môn... Trên khoảng sân rộng rợp màu phượng vĩ, những lối đi mướt xanh màu cỏ và muôn hoa khoe sắc, bầy chim sẻ, chim sâu hồn nhiên nhảy nhót quanh bước chân người, ri rích gọi bạn...

Hòa mình trong không gian ấy, chợt nhớ trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước vì dân, dù bận trăm công ngàn việc, Bác kính yêu của chúng ta vẫn luôn dành tình cảm chăm sóc chim muông, hoa lá, cỏ cây. Thời ở Chiến khu Việt Bắc, người nuôi nhiều chim bồ câu, trồng rau, chăm sóc cây xanh, coi thiên nhiên xung quanh mình là người bạn tâm giao, là mái nhà kháng chiến. Khi về Thủ đô, trong Phủ Chủ tịch, sau giờ làm việc, Người lại giản dị trong tấm áo nâu cuốc đất trồng rau, nuôi cá, chăm sóc cây cối. Hơn nửa thế kỷ Bác rời xa chúng ta về thế giới người hiền, nhưng hình ảnh Bác trong những khu vườn rợp màu hoa lá, bên ao cá rộn ràng tiếng chim vẫn hiện lên bao dung, nhân hậu như ông Tiên, ông Bụt của thế giới tuổi thơ...

Chúng ta theo bước chân Người, đi dưới bóng Người, học tập và làm theo gương sáng của Người từ những điều bình dị trong cuộc sống. Nhớ ơn Người, từ những Đền thờ Bác Hồ của người dân vùng châu thổ sông Cửu Long đến hệ thống bảo tàng, tượng đài, khu lưu niệm, di tích lịch sử... mỗi bụi cỏ, nhành hoa, mỗi thân cây, tán lá, mỗi tiếng chim hay cánh bướm dập dờn bên khóm hoa yên ả; từ những viên gạch và bậc cầu thang nhẵn bóng màu thời gian đến bộ quần áo kaki bạc màu... tất cả đều hóa những “sứ giả” có tâm hồn, kể chuyện về Người bằng ngôn ngữ thời gian, bằng sự cảm thấu sâu xa của niềm tri ân nguồn cội...

Sắc màu tinh khôi

leftcenterrightdel
Bến Nhà Rồng nhìn từ bến Bạch Đằng, quận 1. Ảnh: XUÂN  CƯỜNG. 

Trong sảnh chính tòa nhà với lối kiến trúc đặc trưng giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây của Bến Nhà Rồng là không gian tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước khoảng sân rộng là bức tượng người thanh niên Nguyễn Tất Thành ở tư thế đang bước đi, mặt hướng ra dòng sông Sài Gòn. Trong không gian trang nghiêm, linh thiêng ấy không lúc nào vắng mùi hương thoang thoảng và sắc màu tinh khôi của hoa huệ trắng. Sau khi dâng hương tưởng niệm Bác Hồ, cậu con trai vừa học xong lớp 8, ghé tai tôi, nói khẽ: “Bố ơi! Hoa huệ trùng tên với người con gái Út Huệ, nhân vật trong cuốn sách bố tặng con hôm trước”.

Cuốn sách tôi mua tặng con trai là tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng. Anh Ba-Nguyễn Tất Thành và Út Huệ đã có một kỷ niệm đẹp, một tình cảm tinh khôi vô ngần trong khoảng thời gian anh lưu lại Sài Gòn trước ngày ra đi tìm đường cứu nước. Sự hy sinh cho lý tưởng cao cả đến từ những điều bình dị và cao đẹp nhất. Phải mất rất nhiều công sức và cả cái duyên thiên định, nhà văn Sơn Tùng mới tìm gặp được người con gái nặng lòng với anh Ba ngày xưa. Bà đã chờ đợi anh Ba suốt cả cuộc đời, sau đó xuống tóc đi tu, tìm chốn an yên nơi cửa Phật. Sau khi kể cho nhà văn nghe ký ức một thời con gái, bà dặn, muốn viết gì thì đợi khi bà về chín suối hãy viết. Nhà văn Sơn Tùng giữ lời hứa với bà.

40 năm trước, sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, nhà văn Sơn Tùng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp và động viên, muốn cấp cho nhà văn một căn nhà mới. Mặc dù cả gia đình đang phải sinh sống trong một căn nhà chật chội, cũ kỹ, nhưng nhà văn Sơn Tùng xin phép được từ chối, bởi ông nghĩ rằng, trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, nếu ông nhận nhà thì mang tiếng được Thủ tướng thiên vị, tránh sao khỏi sự xì xào vì viết sách về Bác Hồ nên được Thủ tướng tặng nhà.

Câu chuyện ấy là một dẫn chứng sinh động, ai có hạnh phúc, may mắn được gặp Bác cũng đều được giác ngộ từ chính phong cách sống, phẩm chất đạo đức bình dị và cao cả của Người. Nhiều chiến sĩ, công dân miền Nam được ra Bắc gặp Bác trong thời kỳ nước sôi lửa bỏng của cách mạng, dù chỉ có khoảnh khắc ngắn ngủi được ở bên Người, được nắm bàn tay ấm áp của Người, được nghe những lời dặn dò, động viên của Người... cũng lấy đó làm niềm tin, động lực, phấn đấu tu dưỡng bản thân. Bác ở trong lòng dân Việt Nam vô cùng gần gũi và thiêng liêng.

Chúng ta, ai cũng có thể học tập, noi gương và làm theo Bác từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống thường ngày. Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhu cầu tự thân của đại đa số cán bộ, đảng viên và các thế hệ công dân Việt Nam. Càng học, càng suy ngẫm và làm theo Bác, chúng ta càng thấy lòng mình trong sáng hơn...

Đất nước ta như một con tàu

Đã vào mùa mưa!
Sông Sài Gòn đầy hơn. Đứng từ Bến Nhà Rồng, dưới chân tượng đài Nguyễn Tất Thành nhìn ra, thấy rõ từng lớp sóng cuồn cuộn trên lòng sông. Mỗi khi có tàu, ghe chạy qua, dòng chảy rẽ sóng, tung bọt nước trắng xóa vỗ vào bờ rào rạt. Bến sông lịch sử này đã vắng bóng con tàu Amiral Latouche Tréville hơn một thế kỷ rồi. Con tàu ấy không trở lại bến sông xưa, nhưng tiếng sóng rì rào của con sông này, của dòng chảy này thì muôn đời vẫn thế, vẫn nhắc nhớ con cháu muôn phương về bước chân và hơi ấm của Người. Bác ra đi là để trở về, mang theo ánh sáng Chủ nghĩa Mác-Lênin soi rọi đường đi cho dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác....

Những câu thơ đi vào tâm khảm các thế hệ bạn đọc của nhà thơ Chế Lan Viên nói hộ ước nguyện của toàn dân. Bác ra đi trên một con tàu bằng sắt, bằng thép, bằng công việc cực nhọc của một người phụ bếp, để đem về cánh buồm và bánh lái tư tưởng diệu kỳ cho con tàu Tổ quốc. Đất nước ta như một con tàu. Mỗi người dân là một lớp sóng nâng đỡ con tàu ấy vươn khơi, sánh vai với các cường quốc năm châu theo bánh lái của Đảng và ánh sáng Bác Hồ dẫn đường. Con tàu đất nước tiến nhanh hay chậm phụ thuộc vào những con sóng, lớp sóng của lòng dân...

Hôm nay, đứng trên bến sông nơi 110 năm trước tiễn Người rời Tổ quốc, đọc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, càng thấu hiểu hơn ý nghĩa của những lớp sóng dưới con tàu đất nước: “...chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi...”.

Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN