Vốn là thành phố sông nước, Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh có tới 39 tuyến sông, kênh, rạch, chưa kể nhiều ao, hồ, đầm, bán đảo và cù lao đa dạng... Nhiều kênh, sông nên nơi đây cũng nhiều bến sông mang tên những trận đánh, địa danh nổi tiếng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Bến Bạch Đằng là một trong những bến sông như thế. Sinh thời, học giả, nhà văn hóa Vương Hồng Sển-cây đại thụ về văn hóa Nam Bộ từng viết: “Bến Bạch Đằng, bến Hàm Tử, bến Chương Dương... bắt nguồn từ chiến thắng vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Bến Bạch Đằng gắn liền với lịch sử 3 lần đánh thắng giặc ngoại bang, là tên gọi của khu vực bờ sông kéo dài từ phía cầu Khánh Hội (gần bến Nhà Rồng) cho đến khu vực cảng Ba Son. Đây là một trong những địa điểm có vị trí đắc địa nhất của Sài Gòn, nằm ngay trục đường lớn và kéo dài hàng trăm mét. Người dân Sài Gòn đầu tư xây dựng nơi này để tưởng nhớ chiến tích hào hùng của quân dân Đại Việt trong trận Bạch Đằng đại thắng quân Nguyên-Mông”.
|
Bình yên trên sông Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Trung Trực |
Trong lịch sử hiện đại, bến Bạch Đằng chứng kiến sự tháo chạy của ngụy quân, ngụy quyền trên những con tàu hải quân ngay trước thời khắc Sài Gòn được giải phóng. Học giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, 101 tuổi, ngụ tại quận 1 (TP Hồ Chí Minh), kể: Cuối tháng 4-1975, chiến sự diễn ra ác liệt, nguy cơ Sài Gòn thất thủ ngày càng hiện hữu. Lúc đó, trên bến Bạch Đằng lác đác có một số tàu lặng lẽ chở quan chức ngụy quyền, thương gia và gia đình di tản ra nước ngoài. Đến đêm 29-4-1975 thì cảnh trốn chạy diễn ra hỗn loạn khắp bến Bạch Đằng. Quan quân, binh sĩ ngụy, người thân và nhiều gia đình tư sản chen lấn, xô đẩy để leo lên những chiếc tàu quân sự rút khỏi Sài Gòn. Nhiều người ngã xuống nước vì bị chen, đẩy. Không biết bao nhiêu xe gắn máy và xe lambretta cùng những đồ vật khác vứt bừa bãi, lung tung trên bến. Có thông tin con tàu quân sự chở chuyến cuối cùng rời bến Bạch Đằng lúc 3 giờ sáng 30-4-1975 nên cảnh tượng chen lấn càng thêm quyết liệt. Đúng là ngày tàn của chế độ tay sai!
Sau ngày miền Nam giải phóng, bến Bạch Đằng được cải tạo lại, kết nối với các di tích, địa danh trở thành công viên giải trí cho người dân thành phố. Ngoài hoạt động giao thương, du lịch, thành phố tu sửa, xây dựng những công trình dân sinh hữu ích gần khu vực bến Bạch Đằng, trong đó có phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Tượng đài Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, tòa tháp Bitexco... Gần đây, UBND thành phố đã phê duyệt kế hoạch chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng theo 3 giai đoạn, hoàn tất công trình vào cuối năm nay. Công viên sẽ được cải tạo từ giáp ranh công trình Cột cờ Thủ Ngữ đến khu vực bến tàu thủy Bạch Đằng với tổng diện tích hơn 8.000m2. Dự án gồm xây dựng lối đi, đường dạo, sân bãi, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, tưới nước di động, di dời các công trình chiếm dụng mặt bằng, cải tạo một số công trình hiện hữu... Với quyết tâm chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng nên ngay trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND thành phố đã khánh thành công trình trùng tu Cột cờ Thủ Ngữ trong khuôn viên của bến. Công trình này cùng với bến Nhà Rồng, bến Bạch Đằng và cầu Mống tạo nên một quần thể di tích lịch sử-văn hóa đặc trưng, đồng thời là bằng chứng cho quá trình phát triển của đô thị TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố chia sẻ: Sau khi chỉnh trang xong, công viên bến Bạch Đằng kỳ vọng trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Bởi lẽ công viên không chỉ đẹp về cảnh quan, thiên nhiên, sông nước mà còn là địa danh lịch sử-văn hóa, kết nối thuận tiện với các di tích, địa danh nổi tiếng khác của thành phố; đồng thời bảo đảm các dịch vụ thiết yếu phục vụ du khách tham quan.
Công viên bến Bạch Đằng sẽ là điểm giải trí lý tưởng khi hoàng hôn buông xuống hay lúc bình minh. Tại đây vừa có thể ngắm nhìn dòng sông Sài Gòn hiền hòa, trong mát, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của trung tâm đô thị bên sông, lại dễ dàng tham quan di tích lịch sử, tượng đài danh nhân... để bồi đắp thêm lòng yêu nước. Theo PGS, TS Sử học Hà Minh Hồng, bến Bạch Đằng là điểm nhấn của đô thị sông nước Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Việc quy hoạch, cải tạo, nâng tầm công viên bến Bạch Đằng là đòi hỏi tất yếu, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân thành phố, phù hợp với chủ trương gìn giữ, bảo vệ không gian di sản, đẩy mạnh hoạt động văn hóa mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định.
Bài và ảnh: YẾN LONG