Cảm xúc vẫn rất thiêng liêng và rất đỗi tự hào. Những ngày tháng Tư lịch sử năm 1975 đối với tôi là những giây phút tuôn trào niềm hạnh phúc không bao giờ quên. Năm 1973, tôi là một trong số ít cán bộ ở miền Nam được cử đi học khóa đào tạo bổ túc chính trị chính ủy cấp sư đoàn ở Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) tại Đông Anh, Hà Nội. Ngày 15-4-1975, tôi được các đồng chí trong ban giám hiệu yêu cầu lên gặp và thông báo một tin khá bất ngờ: Các đồng chí ở Bộ tư lệnh Miền đề nghị nhà trường cho tôi trở lại miền Nam để tham gia chiến dịch lớn là giải phóng Sài Gòn. Nhà trường đã đồng ý và thông báo để tôi chuẩn bị lên đường.
|
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu). Ảnh: Đặng Kiên |
Dù khá ngỡ ngàng khi nhận được lệnh, tôi thầm nghĩ cấp trên yêu cầu vào gấp rút chắc hẳn là có lý do. Tôi vội lấy một số vật dụng cần thiết và cùng đồng chí lái xe Jeep đi một mạch từ Hà Nội vào Nam. Trên quãng đường dài, tôi cảm nhận được khí thế thần tốc của chiến trường cùng niềm vui, hạnh phúc của quân và dân ta ở những vùng vừa được giải phóng.
Vào đến Quy Nhơn, sau đó ngược lên Gia Lai, rồi qua Buôn Ma Thuột, chúng tôi theo Quốc lộ 14 qua Phước Long để đến Sở chỉ huy Quân Giải phóng Miền ở Lộc Ninh (Bình Phước) vào ngày 20-4-1975. Đồng chí Trần Văn Danh, Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Miền kiêm Trưởng ban Tình báo chiến lược đón tôi và nói:
- Cậu tham gia đánh giặc liền được không?
- Được anh!-tôi trả lời ngay.
Lúc đó, anh Trần Văn Danh mới nói rõ lý do điều tôi về ngay để tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn vì tôi hoạt động nhiều năm ở đây, đồng thời am hiểu và thông thuộc các tuyến đường, cơ quan, địa điểm đóng quân của địch... Điều đó sẽ giúp xây dựng kế hoạch đánh chiếm từng con đường, khu phố thuận lợi, hiệu quả nhất.
Ngay chiều hôm đó, tôi được đưa về Sở chỉ huy Lữ đoàn Biệt động đặc công 316 ở xã Trung An (Củ Chi, Sài Gòn). Lữ đoàn Biệt động đặc công 316 được thành lập năm 1974. Trước thời điểm giải phóng Sài Gòn, lữ đoàn được giao nhiệm vụ xâm nhập, gây dựng cơ sở, nắm sát đường tuyến giao thông, cơ sở của địch, giữ cầu, đường, làm công tác dân vận, địch vận và tuyên truyền giải giáp... để các cánh quân của ta từ nhiều hướng tiến vào Sài Gòn. Ở Lữ đoàn 316, tôi được bổ nhiệm làm Chính ủy cánh bắc có nhiệm vụ mở đường, phối hợp với Quân đoàn 3 đánh vào nội đô Sài Gòn từ hướng bắc. Tại Sở chỉ huy cánh bắc đóng ở trong đình ấp Thới Tứ, xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn, chúng tôi xây dựng các phương án, kế hoạch tác chiến cụ thể cho các hướng tiến quân, theo các đường phố. Từ sáng đến đêm 29-4, Quân đoàn 3 bắn pháo như mưa vào sư đoàn 25 của ngụy ở Đồng Dù, Củ Chi.
Sáng 30-4, các hướng quân đánh vào Sài Gòn khiến chính quyền ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vào 11 giờ 30 phút cùng ngày. 13 giờ, tôi đi xe Jeep lấy được của quân ngụy đi từ Hóc Môn vào nội thành theo hướng từ Gò Vấp. Trên tuyến đường Quang Trung, lính ngụy từ trung tâm huấn luyện Quang Trung túa ra kín cả đường. Chúng chạy lếch thếch, bỏ nón, cởi quần áo nhà binh, buông súng vứt bừa bãi trông rất thảm hại. Xe chúng tôi đi đến đâu, đám lính ngụy dạt ra đến đó để nhường đường. Xe chúng tôi chạy thẳng đến dinh thự riêng của cựu tổng thống chính quyền ngụy Trần Văn Hương ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 ngày nay. Trên quãng đường đi vào nội thành Sài Gòn, chúng tôi vỡ òa hạnh phúc. Hạnh phúc là niềm vui đại thắng của cả dân tộc, đất nước được thống nhất. Từ những ngày 17 tuổi cầm tầm vông, vật nhọn đi giành chính quyền ở quê nhà Bà Rịa-Vũng Tàu thời kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua bao gian khổ, mưa bom bão đạn, giờ được ngồi trên xe Jeep đi vào nội thành trong tư thế của người chiến thắng, ai cũng tự hào và vui mừng khôn tả.
Đã trải qua bao thời khắc sinh tử khi hoạt động tình báo trong lòng địch, nhưng niềm tự hào và vui sướng nhất đối với tôi là được về tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và chứng kiến thời khắc “đất nước trọn niềm vui”. Nhiều năm qua, mỗi dịp tháng Tư về, tôi lại được mời tham gia các hội thảo, được các cơ quan, đơn vị, trường học mời kể chuyện truyền thống, kể về mạng lưới và hoạt động tình báo trong lòng địch, về chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975; đến dự những buổi họp mặt truyền thống, gặp lại đồng đội cũ... Chúng tôi cùng nhau đi trên những tuyến đường xưa, ôn lại ký ức một thời hoa lửa, dù cảnh quan giờ đây hầu như đã thay đổi hoàn toàn nhưng vẫn vẹn nguyên trong tôi là cảm xúc vô cùng tự hào khi đã cống hiến, đấu tranh, đã sống và khát vọng trong tư thế, niềm tin đến ngày đại thắng.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Tư Cang
BẢO MINH (ghi)