Hành quân trong đêm mưa

Màn đêm buông dần xuống doanh trại Trung đoàn Pháo phòng không 224, Sư đoàn Phòng không 375, Quân chủng Phòng không-Không quân. Giữa không gian tĩnh lặng, bỗng vang lên liên hồi tiếng kẻng báo động, đưa bộ đội chuyển vào chiến đấu cấp 1, luyện tập các phương án bắt, bám sát mục tiêu. Trong chốc lát, những chiếc xe chở pháo, khí tài nối đuôi nhau cơ động ra khu vực thao trường Đồng Nghệ trong tiết trời se se lạnh.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo phòng không 224 thực hành bắn đạn nước.

Khi đoàn xe kéo pháo đến vị trí tập kết dưới tán rừng rậm rạp, cũng là lúc bóng tối bao trùm khắp không gian, trời đổ mưa xối xả. Nhưng điều đó chẳng khiến bộ đội bận tâm, như thói quen đã được lập trình, các thành phần trong kíp chiến đấu khẩn trương thực hiện chiếm lĩnh trận địa, triển khai nhịp nhàng hệ thống pháo, khí tài, tổ chức đào đắp, ngụy trang kín đáo công sự trận địa, chuẩn bị chiến đấu. Dưới ánh sáng le lói của chiếc đèn trên đầu, Trung sĩ Hoàng Minh Quân, Khẩu đội trưởng, thuộc Đại đội 10 khẩn trương tập hợp đội hình, quán triệt nhiệm vụ cho anh em trong toàn khẩu đội.

Sau khi mọi công tác chuẩn bị của các đơn vị đã hoàn tất, từ sở chỉ huy, giọng Trung tá Từ Dương Trung, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Pháo phòng không 224 vang lên đanh gọn qua hệ thống thông tin liên lạc:

- Tất cả chú ý, dự kiến trong 2 giờ nữa, địch sẽ tổ chức đánh phá khu vực đơn vị được giao đảm nhiệm, tất cả sẵn sàng chiến đấu.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Quân chủng Phòng không-Không quân động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo phòng không 224.

Sau công đoạn trinh sát, đo đạc, xác định vị trí của từng khẩu đội và sở chỉ huy, các chiến sĩ pháo phòng không bắt đầu bổ những nhát cuốc đầu tiên cho việc đào công sự. Tất cả đều được thực hiện thủ công với sự khẩn trương cao độ. Địa hình phức tạp, chủ yếu là đất sét, khiến việc đào đắp công sự hết sức khó khăn, chưa kể thỉnh thoảng trời lại đổ mưa lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ đào đắp. Với tinh thần “còn một người, còn một khẩu pháo, còn một viên đạn thì còn chiến đấu”, các chiến sĩ pháo phòng không trở nên mạnh mẽ. Ai cũng hiểu đây là nhiệm vụ đặc biệt và bởi họ sắp bước vào một “trận đánh” quan trọng.

Công tác chuẩn bị chiến đấu hoàn tất cũng là lúc các khẩu pháo 37mm và 57mm dũng mãnh vươn nòng hướng lên trời cao theo khẩu lệnh của người chỉ huy. Các thao tác bắt, bám sát mục tiêu của pháo thủ diễn ra thuần thục, chuẩn xác đến từng chi tiết. Cứ thế, hoạt động huấn luyện của các khẩu đội phòng không khiến không khí trận địa Đồng Nghệ nóng lên từng giây.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo phòng không 224 huấn luyện bắn đạn thật 

Quan sát Khẩu đội 4, Đại đội 10 luyện tập, chúng tôi thấy Binh nhất Đặng Công Trịnh, pháo thủ số 5 hiệp đồng chặt chẽ cùng đồng đội, thực hiện thao tác nạp đạn một cách nhuần nhuyễn, chuẩn xác.

- Làm sao đồng chí có được kỹ năng thuần thục đó? Tôi cảm phục trước màn “trình diễn” của Binh nhất Đặng Công Trịnh.

- Như anh đã thấy, trong điều kiện đêm tối, đây là vị trí rất dễ mất an toàn. Chỉ cần sai quy trình, động tác, pháo thủ có thể bị kẹp tay vào máy nạp đạn, gây thương tích rất nặng. Để làm chủ được vũ khí trang bị như hiện nay, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm chắc tính năng, cấu tạo, các chuyển động liên quan của khóa nòng và máy nạp đạn; luyện tập thao tác nạp, tháo đạn nhiều lần. Ngoài ra, chúng tôi cũng học hỏi thêm từ chỉ huy các cấp, tiếp thu kinh nghiệm từ đồng chí, đồng đội-Binh nhất Đặng Công Trịnh bộc bạch.

Càng về khuya, nhiệt độ càng xuống thấp, nhưng các chiến sĩ vẫn hăng say luyện tập, từng ánh mắt như dán vào trời đêm. Trực tiếp theo dõi, chỉ đạo huấn luyện bộ đội, Thiếu tá Nguyễn Hữu Ý, Đại đội trưởng Đại đội 10 liên tục di chuyển, bám sát từng khẩu đội, kịp thời hướng dẫn, uốn nắn các thao tác, quy trình còn lúng túng cho chiến sĩ.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo phòng không 224 huấn luyện bắn đạn thật

Theo chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Hữu Ý, huấn luyện đêm là nội dung khá phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Do đó, đơn vị đặc biệt coi trọng việc tập huấn, bồi dưỡng, lựa chọn cán bộ có kinh nghiệm, chiến sĩ có trình độ, sức khỏe tốt để tham gia huấn luyện, làm tốt mọi công tác chuẩn bị, huấn luyện thuần thục ban ngày rồi mới chuyển sang ban đêm... Trong đó, đơn vị chú trọng huấn luyện chỉ tiêu các thành phần, yếu lĩnh động tác, thao tác cơ bản, bảo đảm từng chiến sĩ nắm chắc tính năng, kỹ, chiến thuật của vũ khí trang bị hiện có. Đặc biệt, cán bộ các cấp phải thường xuyên theo sát, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những sai sót của bộ đội, kết hợp chia sẻ kinh nghiệm với chiến sĩ, ví như phân biệt ánh sáng từ mục tiêu bay và sao trên trời, cách tính toán phần tử bắn... giúp bộ đội ngày càng hoàn thiện kỹ năng chiến đấu.

Cán - binh cùng "chia lửa"

Trong bộ quân phục dã ngoại ướt sũng, Trung tá Nguyễn Văn Huy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn Pháo phòng không 224 và Trung tá Từ Dương Trung lặn lội đến từng khẩu đội động viên, tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ. Bao giờ cũng vậy, vào những thời điểm khó khăn, vất vả nhất, các anh đều có mặt kịp thời sẵn sàng “chia lửa” với anh em.

- Đánh đêm là chiến thuật phổ biến trong chiến tranh hiện đại, do đó, chúng tôi luôn bám sát những tài liệu hướng dẫn của cấp trên, chủ động theo dõi chiến thuật của quân đội các nước trong thực tiễn để nghiên cứu, đề xuất với cấp trên đưa vào giáo trình huấn luyện những nội dung mới nhất, sát thực tế chiến đấu-Trung tá Từ Dương Trung lý giải.

leftcenterrightdel
Phút giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Pháo phòng không 224.

Cũng theo đồng chí Trung đoàn trưởng, để nâng cao chất lượng huấn luyện đêm, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp, chế độ huấn luyện, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất trước khi huấn luyện, xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu khoa học, chặt chẽ, sát đối tượng, vũ khí trang bị hiện có và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Mặt khác, để khắc phục những khó khăn, nhất là trong điều kiện tầm quan sát bị hạn chế, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã phát huy tinh thần chủ động nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ nhằm ứng dụng hiệu quả trong huấn luyện, như: Thiết bị chiếu sáng bảng phương vị, bộ cờ chỉ huy phát sáng; thiết bị thống nhất điểm ngắm ban đêm cho pháo thủ trên pháo phòng không 57mm. Ngoài ra, đơn vị cũng làm mới nhiều loại mô hình học cụ, tranh vẽ, giúp bộ đội rèn luyện khả năng quan sát, nhận biết mục tiêu.

Trong lán nhỏ giữa rừng cây rậm rạp, Trung tá Nguyễn Văn Huy còn kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về những khó khăn, vất vả cũng như tính chất đặc thù trong huấn luyện pháo phòng không. Theo anh, cán bộ, chiến sĩ pháo phòng không trước tiên phải có sức khỏe tốt, vì thường xuyên phải huấn luyện cường độ cao, triển khai vận hành hệ thống pháo, máy, khí tài trọng lượng lớn, phức tạp. Không ít lần đơn vị tổ chức huấn luyện chiếm lĩnh trận địa trong điều kiện đêm tối, mưa lớn kéo dài, việc đào đắp công sự, lắp đặt pháo máy khí tài vô cùng vất vả, có khi cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện cả đêm mới hoàn thành.

leftcenterrightdel
Bát nước thao trường dành cho chiến sĩ của Hội Phụ nữ Trung đoàn Pháo phòng không 224. Ảnh: VĂN CHUNG 

Trình độ văn hóa cũng là yếu tố hết sức cần thiết đối với các chiến sĩ pháo phòng không, nhất là đội ngũ đảm nhiệm cương vị tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng, trinh sát, đo xa, thông tin báo vụ. Vì vậy, trong mọi lúc, mọi nơi, đơn vị vừa chú trọng rèn luyện thể lực cho bộ đội, vừa chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực trao truyền kinh nghiệm cho cán bộ, chiến sĩ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, thì tinh thần đoàn kết cán-binh càng được phát huy cao độ, cán bộ, chiến sĩ yêu thương, gắn bó, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt trong gia đình với tinh thần cán-binh chung một chiến hào.

65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (21-3-1958 / 21-3-2023), Trung đoàn Pháo phòng không 224 bắn rơi 148 máy bay, trong đó có chiếc thứ 3.100 của giặc Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Trong hơn 3 năm bám trụ, chiến đấu trên tuyến đường 20, Trung đoàn bắn rơi 83 máy bay Mỹ các loại. Do lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, Trung đoàn và các Đại đội 10, 11, 4 cùng hai liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Ngô Xuân Quảng được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trung đoàn được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, góp phần viết nên truyền thống “Trung thành vô hạn, mưu trí dũng cảm, cơ động linh hoạt, bám chốt kiên cường, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, ra quân là đánh thắng”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG