- Những bức ảnh này là một phần quan trọng làm ra cuốn “cẩm nang bìa đỏ” để hạ gục "siêu pháo đài bay" B-52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972 đấy!

Rồi ông kể: Sau khi quân Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai đánh vào Hải Phòng và một số tỉnh trong tháng 4-1972, Quân chủng PK-KQ thành lập đội công tác đặc biệt, nghiên cứu cách đánh B-52. Thành phần của đội có nhiều sĩ quan các chuyên ngành như: Nguyễn Sinh Huy, Tô Ngội, Vũ Lai Trường, Nguyễn Xuân Minh, Quách Hải Lượng, Trần Xanh, Hoàng Bảo. Đồng chí La Văn Sàng được giao trọng trách nghiên cứu nhiễu. Trước đó, từ năm 1967, ông đã ở trong đội trinh sát nhiễu do Quân chủng thành lập, mang theo máy thu trinh sát điện tử, máy phân tích phổ tần số, máy ghi âm, máy quay phim, máy chụp ảnh... lặn lội vào các chiến trường ác liệt nhất: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, đường Trường Sơn, đến với các trận địa radar, tên lửa, vào buồng máy ngồi cạnh các trắc thủ, sĩ quan điều khiển để nghiên cứu. Mỗi lần B-52 xuất hiện là ông chụp ảnh màn hình radar rồi ghi chép cụ thể các thông số. Ông tráng phim, in ảnh làm tài liệu nghiên cứu, phân tích nhiễu để tìm ra cách giúp trắc thủ tên lửa đánh vào chỗ sơ hở của B-52.

leftcenterrightdel

 Đại tá, kỹ sư La Văn Sàng và những bức ảnh khi công tác ở Quân chủng Phòng không-Không quân. Ảnh: PHAN LONG

Khi nhìn vào những bức ảnh ông chụp, tôi chỉ thấy hai màu đen-trắng và các vệt vằn loằng ngoằng đan xen. Ông giải thích cho tôi thế nào là nhiễu tiêu cực, nhiễu tích cực, nhiễu giọt mưa... Rồi ông hồi tưởng: "Lúc ấy rất khẩn trương vì B-52 rải bom liên tục mà ta không bắn được. Cấp trên nóng ruột một, chúng tôi nóng ruột mười". Khi về đơn vị, những người trong đội công tác phải ngày đêm làm việc để cho ra một bản viết tay và nộp lại cho đồng chí Nguyễn Xuân Minh tổng hợp. Trong bản thu hoạch của mình, kỹ sư La Văn Sàng đã phân tích cường độ nhiễu B-52 ở các cự ly, độ cao, khi rải bom, khi rút chạy... trong đó có thông tin quan trọng về quy luật thay đổi cường độ nhiễu của B-52. Sau nhiều lần đội công tác đặc biệt họp bàn, thống nhất đã dự thảo xong tập tài liệu. Ngày 31-10-1972, Quân chủng PK-KQ mở hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu, thảo luận về cách đánh B-52. Đồng chí Nguyễn Xuân Minh đại diện nhóm tác giả đọc báo cáo. Hội nghị thảo luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các sĩ quan trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Sau khi điều chỉnh, bổ sung, tài liệu lập tức được đưa đi in thành sách với tên gọi “Cách đánh B-52” rồi phổ biến xuống các đơn vị. Những ngày sau đó, theo sự phân công, các thành viên trong đội công tác đặc biệt đã đi đến từng trận địa tên lửa ở Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa... để huấn luyện bộ đội tên lửa đánh B-52 dưới tên gọi vui là “gánh hát rong”.

Trong suốt 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, kỹ sư “lọc nhiễu từ ảnh” La Văn Sàng cùng với "vũ khí" là chiếc máy ảnh Praktica của Đức đã cơ động ở trận địa của Tiểu đoàn 79 (Trung đoàn 257) để chụp nhiễu B-52. Ông kể, sau chiến thắng, ở hội trường Quân chủng PK-KQ, trước đông đảo cán bộ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giơ cao cuốn “cẩm nang bìa đỏ” và nói: Chúng ta thắng được B-52 của Mỹ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của cuốn sách này!

Hiện nay, bìa của cuốn “Cách đánh B-52” đang được trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ.

THẢO TRANG