Trận không chiến trên "đất lửa" Hàm Rồng
Đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 11, chuông điện thoại của tôi đổ liên hồi. Từ đầu dây bên kia, tiếng ông Nguyễn Bá Trôi, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu dân cư Bàu Sen 2, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng hồ hởi:
"Em đến luôn nhé! Thấy thông báo có phóng viên Báo Quân đội nhân dân đến tìm hiểu về biên đội phi công “Lan, Túc, Quỳ, Phương”, ông cụ mừng lắm, tác phong chỉnh tề rồi".
Có mặt tại tư gia của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Văn Quỳ-một trong 4 thành viên biên đội phi công tiêm kích đánh thắng không quân Mỹ trận đầu trên bầu trời miền Bắc ở số 26 đường Nguyễn Tri Phương, phường Chính Gián, tôi nhận thấy dù sắp bước qua tuổi 89 nhưng vị anh hùng phi công còn khá mẫn tiệp, thân hình to lớn, rắn chắc.
- Dạ, cháu chào bác!-tôi chủ động nắm bàn tay ấm áp của người anh hùng phi công.
- Mấy năm trước cũng còn khá, vẫn đi xe máy đưa đón các cháu đi học được. Nhưng năm nay yếu đi nhiều rồi. Bốn anh em trong biên đội MiG-17 năm xưa, giờ chỉ còn mỗi tôi thôi-Đại tá, anh hùng Hồ Văn Quỳ nở nụ cười hiền hậu.
|
|
Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Văn Quỳ, nguyên phi công Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân, người còn lại của biên đội Lan, Túc, Quỳ, Phương. Ảnh: BÁ TRÔI |
Trong căn phòng nhỏ của vị anh hùng lưu giữ khá nhiều bức ảnh, hiện vật về Đoàn Không quân Sao Đỏ (Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân). Trong đó có bức ảnh chụp biên đội bay MiG-17 của Việt Nam vừa hạ cánh xuống sân bay Nội Bài sau trận đọ sức với không quân Mỹ.
- Thưa bác, bác có thể kể cho cháu nghe diễn biến chính của chiến thắng không quân Mỹ trận đầu được không ạ?
Trầm ngâm giây lát, Đại tá Hồ Văn Quỳ kể: Nắm được thông tin máy bay Mỹ sẽ đánh phá cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), biên đội của ông do đồng chí Phạm Ngọc Lan chỉ huy nhận lệnh đánh chặn. 4 giờ ngày 3-4-1965, biên đội có mặt tại sân bay chờ lệnh xuất kích. Biên đội tấn công gồm 4 chiếc máy bay MiG-17A do phi công Phạm Ngọc Lan số 1 (máy bay số hiệu 2310); phi công Phan Văn Túc số 2 (máy bay số hiệu 2118); phi công Hồ Văn Quỳ số 3 (máy bay số hiệu 2312) và phi công Trần Minh Phương số 4 (máy bay số hiệu 2318). Sau đó ít giờ, những "cánh én bạc" xé gió thẳng tiến vào vĩ tuyến 20 (Thanh Hóa). Lúc này mây mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế, biên đội phải chia tốp để tiếp cận máy bay địch.
“Khi phát hiện tốp máy bay Mỹ xuất hiện, tôi nhận lệnh ném hai thùng dầu phụ để tăng tốc đuổi theo. Các anh Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc bay chặn đầu, nhằm chiếc F-8E đi đầu, bấm nút khai hỏa, nhưng không chính xác. Tôi và phi công Trần Minh Phương bám theo bắn hỗ trợ. Bị tấn công bất ngờ, đội hình bay của địch nhanh chóng rối loạn, một chiếc lọt vào giữa “gọng kìm” MiG-17 của ta, lập tức bị pháo của anh Lan bắn hạ”, giọng vị anh hùng phi công phấn chấn như thể sự kiện đặc biệt ấy đang diễn ra trước mắt.
Sau chiến thắng đầu tiên, Trung úy, phi công Hồ Văn Quỳ và đồng đội tiếp tục đánh những trận ác liệt, đối đầu với nhiều loại máy bay của Mỹ. Ông bảo, nếu so sánh về yếu tố kỹ thuật thì máy bay Mỹ hiện đại hơn MiG-17 của ta. Chúng được trang bị tên lửa đối không, hệ thống radar và vận tốc bay lớn. Trong khi MiG-17 chỉ sử dụng kính ngắm bằng mắt thường và hệ thống pháo 30mm. Nhưng với lối đánh cận chiến linh hoạt, có phần liều lĩnh, Hồ Văn Quỳ và đồng đội đã tiêu diệt hàng chục “con ma”, “thần sấm”... của đế quốc Mỹ.
|
|
Biên đội "Lan, Túc, Quỳ Phương" huyền thoại của không quân Việt Nam năm xưa. Ảnh tư liệu |
Biên đội phi công “Lan, Túc, Quỳ, Phương” trở nên nổi tiếng bởi những điều khá đặc biệt: Đều sinh năm 1934, cùng là người miền Trung, trong đó hai người cùng quê Quảng Nam là Phạm Ngọc Lan (Điện Nam, Điện Bàn) và Hồ Văn Quỳ (Bình Hải, Thăng Bình). Hai phi công còn lại sau đó lần lượt hy sinh trên bầu trời: Trần Minh Phương (Quảng Bình) hy sinh trong trận không chiến ngày 19-5-1967; Phan Văn Túc (Nghệ An) hy sinh ngày 31-12-1967 sau thành tích bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Phi đội 4 người thì có 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ. Họ là phi công tiêm kích MiG-17 lứa đầu tiên được đào tạo suốt 9 năm ở nước ngoài. Riêng phi công Hồ Văn Quỳ tham gia khoảng 120 trận không chiến, bắn hạ 4 chiếc F-4 và F-8-những máy bay hiện đại của không quân Mỹ lúc đó, được đặt những biệt danh đáng sợ: “Con ma”, “hiệp sĩ thánh chiến”. Như vậy, chỉ còn thiếu một chiếc nữa là ông Quỳ đạt cấp “Ách” (Ace), danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, vinh danh những phi công bắn hạ 5 máy bay đối phương trở lên. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có 19 phi công Việt Nam đạt được danh hiệu này.
Cảm hứng ra đời ca khúc “Phi đội ta xuất kích”
Trong câu chuyện thân mật, khi tôi nhắc đến ca khúc “Phi đội ta xuất kích”, đôi mắt của Đại tá, anh hùng phi công Hồ Văn Quỳ bỗng sáng lên lấp lánh:
- Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bài hát này đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là tiếng kèn xung trận cả trong thời chiến lẫn thời bình của bộ đội không quân đấy.
- Chắc bác còn nhớ hoàn cảnh ra đời bài hát này?-tôi hỏi ông.
Tỏ vẻ tâm đắc, Đại tá Hồ Văn Quỳ kể lại, ngay sau chiến thắng trận đầu ngày 3-4-1965, phi công Hồ Văn Quỳ, khi ấy là Tổ trưởng tổ đảng thuộc Phi đội 1, Trung đoàn Không quân 921, được giao nhiệm vụ viết một bản tin thuật lại toàn bộ trận đánh, đồng thời chép tay lên báo tường của đơn vị, nhằm cổ vũ tinh thần anh em phi công trong những trận đánh tiếp theo.
|
|
Đại tá Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi (bên phải), tác giả ca khúc "Phi đội ta xuất kích" |
Sau đó ít hôm có các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị đến biểu diễn, động viên bộ đội vì có thành tích xuất sắc đánh thắng không quân Mỹ trận đầu trên bầu trời miền Bắc. Trong số các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn có ca sĩ Trương Tường Vi (sau này là Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi) xông xáo, thân thiện, hát phục vụ bộ đội rất nhiệt tình. Vốn quen biết từ trước, lại cùng quê Quảng Nam nên ca sĩ Tường Vi và phi công Phạm Ngọc Lan, Hồ Văn Quỳ khá gần gũi, thân mật, khiến nhiều người lầm tưởng cô là người yêu của một trong hai phi công. Thời điểm đó, ông Quỳ đã có người yêu.
Hôm ấy, sau khi biểu diễn phục vụ bộ đội, các nghệ sĩ đi tham quan đơn vị, vui vẻ gặp gỡ chuyện trò với các phi công. Tình cờ Tường Vi bắt gặp bài viết cùng một số câu thơ của phi công Hồ Văn Quỳ về trận đánh, được “đăng tải” trên tờ báo tường của phi đội. Những số liệu sinh động, tình huống gay cấn, những pha xử lý khôn khéo, linh hoạt, nhất là các tình huống đối đầu trực diện với “thần sấm”, “con ma” của các phi công trong biên đội MiG-17 cứ nhảy múa trong tâm trí nữ nghệ sĩ.
|
|
Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Văn Quỳ kể cho đồng đội nghe hoàn cảnh ra đời ca khúc: Phi đội ta xuất kích |
Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Văn Quỳ kể, thấy cô ca sĩ tâm đắc với bài báo tường, cẩn thận chép lại các thông tin, ông thấy vui vui trong lòng, không nghĩ chỉ thời gian ngắn sau đó, khi được đón các nghệ sĩ trở lại biểu diễn phục vụ, giai điệu hào sảng của ca khúc “Phi đội ta xuất kích” do chính Tường Vi sáng tác đã vang lên, khiến tất cả anh em phi công vỡ òa cảm xúc: “Rộn ràng tung cánh bay phi đội ta xuất kích/ Đại bàng vút cao lên trời mây/ Trận đầu ta đã mang chiến thắng/ Ɗâng Tổ quốc mẹ hiền mến yêu/ A! Ta bay qua sông Thương, Hồng Hà, nghiêng cánh chào Hà Nội vinh quang/ A! Ta yêu sao những con người, những thôn làng lập chiến công vang/ Lời Ɓác mang trong tim như tiếng mẹ hiền/ Đã theo ta hòa bay xa trong tình yêu đất nước bao la...".
Sau khi được Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu trong chương trình ca nhạc, bài hát “Phi đội ta xuất kích” đã lan tỏa mạnh mẽ trong đồng bào, chiến sĩ cả nước. Mỗi khi giai điệu bài hát cất lên như ngọn lửa thôi thúc tinh thần người chiến sĩ chiến đấu quật cường, vượt mọi khó khăn, gian khổ, vững vàng bảo vệ bầu trời Tổ quốc mãi mãi bình yên.
Bài và ảnh: HỒNG NGUYỄN