Niềm vui trên bãi tập
Một ngày cuối tháng 7, trong không khí oi nồng, ngột ngạt của những ngày hè trên miền đất trung du, những người lính thợ Phân xưởng sửa chữa xe tăng (SCXT) 1, Xưởng SCXT X32, Cục Kỹ thuật, Binh chủng TTG, vẫn tập trung cao độ cho công việc, cùng “hội chẩn, bắt bệnh” chính xác từng chiếc xe vừa được chuyển về, người nào việc nấy, nhịp nhàng trong tiếng máy rền vang.
Tại khu vực sửa chữa động cơ xe tăng, các tổ, nhóm được phân công kiểm tra, sửa chữa theo từng công đoạn. Trung tá QNCN Ngô Thành Phương, thợ Phân xưởng SCXT 1 đang cần mẫn kiểm tra tình trạng kỹ thuật từng chi tiết, từ hệ thống kim phun, cân chỉnh bơm cao áp, đến việc bảo dưỡng các bầu lọc, sửa chữa két mát dầu, nước. Bàn tay người lính thợ gần 30 năm trong nghề thực hiện các khâu, các bước một cách nhẹ nhàng, cẩn trọng, làm đến đâu gọn gàng đến đó. Anh chia sẻ, với xe TTG, quá trình sửa chữa đồng bộ bơi, đơn vị thường tập trung thợ bậc cao, từ kiểm tra, sửa chữa toàn bộ hệ cụm chân vịt đến các vị trí làm kín thân xe, hệ thống van tự động ngăn nước vào động cơ, các dẫn động điều khiển bơi. Đặc biệt, việc sửa chữa hệ thống vũ khí đòi hỏi độ chính xác cao, nên người lính thợ đóng vai trò như những “bác sĩ siêu âm”, phải tiến hành kiểm tra, sửa chữa một cách cẩn trọng từng bộ phận, bảo đảm tính đồng bộ, ổn định.
|
|
Nhân viên chuyên môn Xưởng sửa chữa xe tăng X32 thực hành bảo quản, bảo dưỡng hệ thống động cơ xe tăng. |
Cùng đồng đội tiến hành thay mắt xích hỏng và đồng bộ chiếc xe tăng T59, số hiệu 421, đôi mắt Thiếu tá QNCN Nguyễn Thế Hoan, Tổ trưởng Tổ Sửa chữa, Phân xưởng SCXT 1 như dán vào từng vành đai, con ốc. Động tác của anh nhanh gọn, dứt khoát, chính xác đến từng chi tiết. Ngót 30 năm quân ngũ là bấy nhiêu năm gắn bó với những cỗ xe tăng, nên chỉ cần nghe tiếng động, hay rung xóc lạ, người lính thợ dày dạn kinh nghiệm này đã có thể bắt “bệnh” cho xe.
Mặt trời gần đứng bóng, cũng là lúc chiếc xe do Thiếu tá QNCN Nguyễn Thế Hoan và các đồng đội phụ trách sửa chữa được hoàn thiện, nhanh chóng bước vào chạy thử trước khi nghiệm thu. Tiếng động cơ của chiếc xe bất ngờ gầm lên, xua tan không gian tĩnh lặng của bãi tập Cam Lâm. Nó nhích từng mắt xích rồi từ từ tăng tốc, lao lên phía trước, bất ngờ quặt phải, rẽ trái, băng qua hàng loạt “hố bom”, hào chống tăng, rồi tiếp tục phăm phăm vượt dốc, xuống đồi, cuốn bụi tung mù trời... Từ lúc chiếc T59 thực hiện “phép thử” trên bãi tập, với chế độ có tải, không tải và các động tác xoay nòng, khởi động hệ thống vũ khí trang bị, cho đến khi trở về vị trí xuất phát, tâm trạng của những người lính thợ thật khó diễn tả, hồi hộp, chờ đợi, tự tin, xen lẫn cả âu lo. Những cung bậc cảm xúc, trạng thái tâm lý đặc biệt ấy cứ đan xen, kìm nén trong các thành viên tổ thử xe, rồi tất cả cùng chung một niềm vui vỡ òa, bất tận!
Trở về với thực tại, lau vội dòng mồ hôi đang tràn xuống khóe mắt, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thế Hoan bày tỏ: “Người lính thợ xe tăng chúng tôi, ngày đông cũng như ngày hè, lúc nào cũng trần mình trong khoang xe, gầm xe, chẳng khác nào cái “lò bát quái”. Đấy là chưa kể các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, như: Dầu mỡ, khói bụi, tiếng ồn... Vì vậy, nếu không thực sự yêu nghề, tận tâm, gắn bó với công việc thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ”. Dứt lời, anh lại bắt tay ngay vào công việc, đồng thời luôn tay ghi ghi, chép chép vào cuốn sổ. Anh Hoan chia sẻ, ngoài vận dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế, mỗi lần khắc phục xong sự cố, nghiệm thu xong sản phẩm, anh cũng như đồng đội đều chia sẻ kinh nghiệm với nhau, đồng thời ghi lại vào nhật ký để truyền đạt lại cho anh em nhân viên mới ra trường.
Trò chuyện với cán bộ, nhân viên Xưởng SCXT X32, tôi còn được biết, do cấu tạo phức tạp, nhiều bộ phận khác nhau, để mỗi chiếc xe TTG hoạt động hiệu quả mọi lúc, mọi nơi, đòi hỏi người thợ phải nắm chắc nguyên lý hoạt động, tình trạng kỹ thuật của xe. Thường có 6-7 cán bộ, nhân viên theo dõi, chăm sóc một chiếc xe tăng, mỗi người đảm nhiệm một hệ thống trên xe, như những "bác sĩ chuyên khoa". Mặc dù vậy, ngoài “chuyên khoa” của mình, từng người đều phải chủ động tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức để có thể giỏi một việc, biết nhiều việc, khi cần thiết có thể chủ động khắc phục ngay tại chỗ, không phải điều động thợ sửa chữa từ đơn vị.
Sáng kiến ra đời từ thực tiễn
Cùng Thượng tá Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Xưởng SCXT X32 tham quan khu vực SCXT T54, T55, chúng tôi gặp một số nhân viên mặt mũi lấm lem, lưng áo ướt đầm mồ hôi, vừa chui ra từ gầm xe khi kết thúc công việc. Sau khi kể về những lần cùng đồng đội toát mồ hôi khắc phục sự cố trên đường cơ động, Đại úy QNCN Phạm Ngọc Tiến, Phân xưởng SCXT 1, phấn khởi giới thiệu bộ dụng cụ định tâm hộp số với cơ cấu chuyển hướng xe tăng T54, T55, một trong những sáng kiến tiêu biểu của đơn vị, có cấu tạo đơn giản nhưng hiệu quả thiết thực, hỗ trợ hiệu quả nhiều cho người lính thợ trong quá trình bảo quản, bảo dưỡng, SCXT. Do có cấu tạo phức tạp với nhiều hệ thống, như: Phần cơ, bộ phận chuyển động, chuyển hướng, hệ thống điện, hệ thống vũ khí, hệ thống thông tin, hệ thống quang học... nên để những chiếc xe tăng hoạt động trơn tru, sẵn sàng xung trận, đòi hỏi người lính thợ phải hiểu kỹ tính năng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động, tình trạng kỹ thuật của xe. Muốn đạt được điều đó, mỗi người lính thợ phải thường xuyên học hỏi, rèn luyện để nâng cao tay nghề và ít nhất phải qua 5 năm làm thợ sửa chữa mới am hiểu đầy đủ tính năng, cấu tạo của từng hệ thống thiết bị trên xe tăng. Vì vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ, không ít sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp đã ra đời, góp phần giải phóng sức lao động cho bộ đội.
|
|
Nhân viên chuyên môn Xưởng sửa chữa xe tăng X32 thực hành bảo quản chi tiết máy trên xe tăng. |
Hướng dẫn chúng tôi tham quan những sáng kiến cải tiến kỹ thuật tiêu biểu của đơn vị, nhất là bộ sáng kiến “giá rung”, tạo dao động bằng điện-cơ, mô phỏng tương tự như khi xe đang vận động trên địa hình thực tế, Thượng tá Nguyễn Quốc Hưng giới thiệu: “Khi xe tăng được đặt trên giá rung, hệ thống sử dụng động cơ điện xoay chiều 3 pha để cung cấp cơ năng cho bơm dầu. Thông qua hệ thống van điều khiển đóng, mở, đường dầu cao áp dẫn vào trong các khoang công tác của xi-lanh để điều khiển chuyển động của pít-tông, kết hợp với cữ cơ khí và công tắc hành trình tạo ra biên độ, tần số dao động cho giá đỡ xe tăng theo ý muốn. Theo đó, chiếc giá rung sẽ giúp chuyển động xe tăng theo các hướng khác nhau đúng như trên thực địa. Sáng kiến giúp tiết kiệm đáng kể nhiên liệu, trong khi vẫn bảo đảm sát thực tế. Hiện sáng kiến đã được sử dụng thống nhất tại các đơn vị TTG toàn quân, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng huấn luyện.
Ngoài sáng kiến nêu trên, Xưởng SCXT X32 còn nghiên cứu thành công, đưa vào sử dụng sáng kiến “Hệ thống trợ lái xe tăng T54, T55”, điều khiển hoàn toàn bằng cơ khí. Theo Thượng tá Nguyễn Đức Trường, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Xưởng SCXT X32, trước đây, khi hành quân đường dài, để điều khiển xe, người lái mất nhiều sức lực, nhất là khi lái xe trên các địa hình phức tạp (đèo, dốc, cua...), với hàng trăm lần kéo cần lái, mặc dù cơ cấu điều khiển kiểu cơ khí hiện nay đã được thiết kế khá hoàn hảo, có lò xo bổ trợ nhằm giảm nhẹ lực kéo. Từ thực trạng này, đơn vị đã nghiên cứu, chế tạo thành công cơ cấu trợ lực tay lái xe tăng T54, T55, đạt các chỉ tiêu kỹ thuật, như: Duy trì lực kéo cần lái trong khoảng 6-12kg, bảo đảm không ảnh hưởng đến các hệ thống khác, không làm giảm bất kỳ tính năng nào của xe, thiết kế phù hợp điều kiện ở Việt Nam.
|
|
Nhân viên chuyên môn Xưởng sửa chữa xe tăng X32 thực hành bảo quản, bảo dưỡng hệ thống động cơ xe tăng. |
Thượng tá Nguyễn Đức Trường cũng chia sẻ, trải qua quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện nhiều năm, tình trạng kỹ thuật của nhiều xe tăng đã xuống cấp. Để bảo đảm cho các loại xe TTG hoạt động hiệu quả, đòi hỏi tình trạng kỹ thuật của xe phải hoàn chỉnh tuyệt đối. Do đó, xưởng đặc biệt coi trọng công tác bảo quản, bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ đối với hệ thống xe máy, vũ khí trang bị kỹ thuật, gắn với việc bồi dưỡng, đào tạo, không ngừng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Từ năm 2017-2021, Xưởng SCXT X32 đã tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có 48 giải pháp, sáng kiến được Hội đồng sáng kiến Binh chủng TTG nghiệm thu, đưa vào áp dụng thực tiễn sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng xe TTG. Đơn vị cũng lắp đặt 579 bộ trợ lực lái xe tăng T54, T55, 62 hệ thống ổn định, khí tài quang học; lắp đặt, sửa chữa 33 bộ giá rung cho các lữ đoàn TTG toàn quân. Nhất là bảo đảm kỹ thuật cho hội thi kíp xe tăng giỏi và Đội tuyển xe tăng Việt Nam tham gia Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) hằng năm.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG