“Đất lành chim đậu”...

Ngày nay trong điều kiện thời bình, cơ chế thị trường và “thế giới phẳng”, tình yêu người lính liệu còn được như trong kháng chiến cứu nước và bảo vệ Tổ quốc trước đây? Xin được kể vài câu chuyện “dâu lính” và “rể lính” mà tôi được chứng kiến.

Còn nhớ cách nay gần chục năm, trong dịp về công tác ở Trung đoàn 242 (Quân khu 3), nay là Lữ đoàn 242 đóng quân trên tuyến đảo Đông Bắc, tôi vô cùng tò mò phấn khích với những “mối tình kết nghĩa” của nhiều sĩ quan trẻ, dẫn đến những đám cưới “cây nhà lá vườn” đượm tình quân dân và sau đó là rất nhiều chàng rể đã chọn quê vợ để định cư lâu dài, yên tâm công tác...

Trong bài bút ký "An cư ở Trung đoàn Hải đảo" đăng báo sau đó, tôi có kể chuyện hàng chục sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp đang “ở rể” trên các xã đảo thuộc hai huyện Vân Đồn và Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh). Trong đó, Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Kỹ thuật trung đoàn, thuộc thế hệ những “rể lính” đầu tiên ở đây. Đến thời điểm ấy, con gái lớn của anh Hùng đã vào trường sư phạm, còn vợ anh thì sau khi hết tuổi đoàn viên đã làm chủ tịch hội phụ nữ xã đến nhiệm kỳ thứ hai.

Trung tá Phạm Văn Dương, Phó chủ nhiệm Chính trị trung đoàn, cũng là một chàng rể như thế, nhưng ra đảo sau anh Hùng ngót chục năm và tất nhiên cũng “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” sau ngót chục năm. Phạm Văn Dương quê ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị năm 1995 và được phân công về Trung đoàn 242, làm chính trị viên đại đội ở Tiểu đoàn Cô Tô. Sau gần 4 năm góp phần đưa đơn vị thành điểm sáng về công tác dân vận, nổi bật là các hoạt động kết nghĩa chi đoàn giữa tuổi trẻ đơn vị và địa phương, chàng chính trị viên đã đi đến lễ kết hôn cùng một cô giáo mầm non và Cô Tô thành nơi “đất lành chim đậu”...

Cuốn sổ ghi chép trong chuyến công tác năm ấy của tôi còn có những trang rất hào hứng về một chàng rể lính ở đảo Thắng Lợi (Vân Đồn, Quảng Ninh). Anh là Nguyễn Huy Toàn, quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nguyên Phó đại đội trưởng cao xạ ở xã đảo Ngọc Vừng cũng thuộc Vân Đồn, Quảng Ninh. Đảo Thắng Lợi cách đảo Ngọc Vừng chừng nửa giờ tàu chạy. Một ngày chủ nhật đẹp trời, cô giáo ở đảo Thắng Lợi theo tàu sang chơi với mấy đồng nghiệp ở đảo Ngọc Vừng. Mấy đồng nghiệp ấy đều thuộc chi đoàn kết nghĩa của đại đội cao xạ và hôm ấy Huy Toàn cũng có mặt.

Chẳng rõ anh chị đầu mày cuối mắt thế nào mà kể từ bữa đó, những cuộc gặp gỡ giữa hai người ngày mỗi thường xuyên hơn. Hôm thì nàng “sang thăm bạn bè” ở Trường THCS Ngọc Vừng; hôm thì chàng “có công việc” phải sang đảo Thắng Lợi. Thời gian Nguyễn Huy Toàn đi hoàn thiện bậc đại học ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 mới “ghê gớm” nhé! Hồi đó điện thoại di động chưa phổ biến, mỗi lần chàng muốn trò chuyện với nàng thì phải ra điểm bưu điện ở thị xã Sơn Tây (tỉnh Hà Tây, nay là TP Hà Nội), gọi điện về điểm bưu điện xã Thắng Lợi, nhờ nhân viên trực máy nhắn hộ “cô ấy” đúng giờ ấy, ngày ấy ra bưu điện để nghe máy. Cũng có khi nàng chủ động hẹn chàng. Và tất nhiên quy trình theo chiều ngược lại...

Và sự nỗ lực “vượt khó” của anh chị cũng đi đến một kết quả tốt đẹp. Đám cưới của hai người được tổ chức tại đơn vị đầu năm 2005. Năm sau, anh chị có con trai đầu lòng và hiện nay vợ con anh vẫn định cư trên đảo...

Những “vọng phu không hóa đá"

Cũng cách nay gần chục năm, trên chuyến xe khách ngược miền Tây Bắc cuối năm, tôi ngồi cạnh một thiếu phụ đi cùng một cháu trai chừng 5-6 tuổi. Chị là công nhân làm việc ở tỉnh Thái Bình. Chồng chị là cán bộ một đội sản xuất của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 326 thuộc Quân khu 2 đóng quân tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Năm nay anh lại bận trực, không về quê ăn Tết được. Chị xin nghỉ nửa phép năm, cộng với mấy ngày nghỉ Tết để “tranh thủ” đưa con trai lên ăn Tết cùng bố! Từ ngày lấy nhau, đó là lần thứ hai chị “đi tranh thủ” lên Sốp Cộp...

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN. 

Lâu nay ta thường chỉ nghe chuyện các anh bộ đội “đi tranh thủ” thăm gia đình, nên hình ảnh hai mẹ con người thiếu phụ đi “tranh thủ ngược” hôm đó cứ ám ảnh trong tôi. Mới đây lên Sốp Cộp, tôi đã tìm đến Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2 của Đoàn KT-QP 326 để hỏi chuyện người chồng có vợ đi “tranh thủ ngược” năm ấy. Rất tiếc, anh đã chuyển đơn vị, nhưng tại đây tôi lại được chứng kiến nhiều trường hợp còn ấn tượng hơn.

Một trong số đó là trường hợp của Trung tá, Đội trưởng Trần Khánh Hòa. Anh Hòa quê gốc Nam Định, có mặt ở Mường Và, Sốp Cộp vừa chẵn 20 năm. Trước đó, anh công tác ở một đơn vị thuộc Sư đoàn 316 và bén duyên với một cô gái thuộc chi đoàn kết nghĩa rồi “ở rể” tại địa phương. Những ngày đầu chuyển sang công tác ở Đoàn KT-QP 326, mỗi chuyến anh về thăm vợ phải qua nhiều lần “tăng bo” thay đổi phương tiện và có khi phải mất tới hai ngày đường mới về đến nhà. Thương chồng vất vả, chị đã nhiều lần “tranh thủ ngược”.

Cuối cùng, chị quyết định ngược sông Mã để “Tây tiến” theo anh. Thời kỳ anh ở Đội 13 bên Điện Biên thì chị ở nhờ nhà dân tại Mường Lói. Sau này anh chuyển về Đội 7 ở Sốp Cộp thì chị tạm trú ở Mường Lèo. Hiện nay, anh ở Đội 2 thì chị thuê một ngôi nhà ở trung tâm xã Mường Và, mở quán bán quà sáng và hàng tạp hóa. Hai con của anh chị đều gửi về quê cho ông bà nội... 

Có một trường hợp nữa ở Đội 2 còn “đáng nể” hơn: Năm 2008, cô giáo Hà Thị Bích Thảo, cựu sinh viên Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cũng ngược sông Mã “Tây tiến” theo chồng là Thượng úy quân y Nguyễn Tất Hữu, quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Năm ấy, cậu con trai 2 tuổi cũng từ quê ngoại ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được “Tây tiến” cùng mẹ.

Năm 2011, anh chị có thêm cháu trai thứ hai và hiện tại cả gia đình vẫn sống ở bản Hua Mường, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp. Chị là giáo viên dạy giỏi của Trường THPT huyện Sốp Cộp. Năm 2021, cô giáo Hà Thị Bích Thảo được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hôm tôi đến thăm, chị hào hứng kể về chuyến hồi hương thăm quê sau hai năm dịch Covid-19. Từ Sốp Cộp, cả nhà thuê ô tô xuôi Sơn La về quê ngoại ở Tam Nông (Phú Thọ) gần 450 cây số. Rồi từ đó lại hành quân về Hà Nội, “trực chỉ” TP Vinh để ngược quê nội Đô Lương hơn 400 cây số nữa. Cả đi lẫn về mất một tuần nhưng mỗi quê chỉ ở được ngày rưỡi...

Thấy tôi cứ hào hứng nắc nỏm bày tỏ sự khâm phục trước những trường hợp “vọng phu không hóa đá" trên đây, Đại tá Đoàn trưởng Vũ Hồng Mạnh cho biết: Đoàn KT-QP 326 hiện nay có 15 đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị tại 15 xã biên giới thuộc 3 huyện của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên. Rất nhiều cán bộ và quân nhân chuyên nghiệp đã “hợp lý hóa” gia đình tại địa bàn để yên tâm “4 cùng” với đồng bào địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao. Những trường hợp “vọng phu không hóa đá” như thế, còn nhiều lắm...

Vậy đó, hơn cả những nàng vọng phu hóa đá trong cổ tích, những người vợ, người yêu của lính thời nay còn dấn thân chia sẻ những khó khăn, vất vả của chồng, của người yêu đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo. Và những câu chuyện trên đây, chỉ là những minh chứng cụ thể. Đó cũng là những hy sinh của tình yêu người lính hôm nay. Sự hy sinh ấy không chỉ là điểm tựa tinh thần cho người chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ, mà còn là sự tiếp tục khẳng định những giá trị văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ.

Xin được kết thúc bài viết này bằng mấy khổ thơ trong bài thơ "Theo chồng ra Đất Mũi" tôi viết tặng một người vợ lính quê ở Lạng Sơn:

...... ......

Hai mươi năm anh bạc áo biên phòng

Không hóa đá, chị thành người Đất Mũi

Tóc còn thơm hương hồi, hương trẩu

Mắt đã đằm nắng gió phương Nam...

 

Nhà đã gần, anh vẫn hằng xa

Tháng đôi bữa sum vầy vội vã

Một mình nuôi con, một mình tất tả

Nỗi nhớ thương như thuở quê nhà...

 

Cây đước, cây tràm theo ngấn phù sa

Chị theo anh về nơi chắn sóng

Ngày ngày... ngắm mặt trời lăn trên biển sáng

Thấy Đất lớn mỗi ngày nơi chót Mũi Cà Mau...

Nhà thơ MAI NAM THẮNG