- Làm sao anh? Em nghe các cô ấy nói chẳng khác gì  nghe tiếng nước ngoài. Mà em và cậu Xuân thì một tiếng của đồng bào cũng không biết. Kiểu này không chừng bó tay anh ạ!

leftcenterrightdel
Minh họa: MAI MINH

- Bó là bó thế nào! Muốn làm tốt công tác dân vận, muốn hoàn thành nhiệm vụ, trước hết chúng mình phải tranh thủ học thành thạo tiếng đồng bào. Tiếng Anh, tiếng Nga ở tận bên trời Âu còn học được, huống chi tiếng đồng bào mình! Cứ tìm đến các ải (bố) các êm (mẹ) họ khắc dạy cho!

Vị và Xuân gật! Hằng ngày, chúng tôi đến các nhà làm công tác dân vận, cùng Đoàn thanh niên địa phương làm vệ sinh, giúp đỡ các gia đình neo đơn. Mỗi khi bàn công tác với chúng tôi, các cô gái bản nói tiếng Kinh, ấy vậy mà khi nói chuyện riêng với nhau, các cô lại vẫn “phát sóng ngắn”. Tôi thì nghe đã hiểu ngay, bởi tôi cũng thuộc tiếng Thái, tiếng Tày như các cô thuộc tiếng Kinh vậy. Nhưng Vị và Xuân, người nào người nấy mặt mũi cứ ngẩn tò te. Một bữa, Vị nói với tôi:

- Chúng em phải học bằng được tiếng đồng bào mình anh ạ. Cứ mù tịt thế này khác nào đi đêm mang kính râm!

Nói là làm, mới chỉ sang tuần thứ 3, chẳng biết các chàng học hành ra sao mà tình hình có vẻ sáng sủa. Một bữa, Vị thì thào với tôi:

- Tổ trưởng ơi! Sáng nay em cùng tổ dân quân bản đi kiểm tra cột mốc biên giới. Chúng em đang ngồi nghỉ trưa bên suối tự dưng nàng Vi Thị Mơ, cô nàng mới 18 tuổi, xinh đẹp nổi tiếng ấy, đến bên em... Nàng nói với em câu này: “Em đố anh nhé. Tiếng Thái em có câu Đú cuông phen lìu, song côn hâu, mọi côn há dú mọi bón là sao anh?”. Em nhìn nàng, vung tay lên hiên ngang trả lời: “Câu này có phải em hỏi đại ý là: “Sống cùng một trời, tại sao anh và em mỗi người một nơi?”, đúng không?”. Nàng coi bộ sửng sốt lắm, đỏ bừng mặt, nhìn em trân trân. Cái nhìn sao mà khiếp!

Gì chứ việc này thì tôi đã nghi nghi ngay từ tuần đầu tổ công tác chúng tôi về bản. Tôi thấy nàng Mơ và Vị ta “bỗng dưng” thân mật như đã gặp nhau từ kiếp trước vậy. Lúc đầu chỉ là vài cái đung đưa mắt. Rồi tiếp đến vài cái mủm mỉm cười. Đi tuần tra hay lên nương, hai người cứ rúc ra rúc rích với nhau. Giờ nghe Mơ nói với Vị câu này thì tôi chắc chắn rồi! Kiểu này cô cậu phải lòng nhau thật rồi! Tôi cười:

- Cậu đã thấy biết tiếng đồng bào mình hay thế nào chưa? Không những trong công việc mà ngay cả trong tình yêu cũng... tuyệt vời! Mà này, tình yêu là tiếng nói của con tim. Thế nên cũng từ từ cho đủ độ chín đã. Mình là bộ đội, trong tình yêu không nên tiến hành chiến tranh du kích nhé!       

Vị lại gật! Mặt cậu ta tươi hơn hớn. Độ này việc gì được giao Vị cũng làm vù vù...

Thời gian trôi như gió thổi qua đỉnh rừng. Hết hạn “4 cùng”, tổ công tác chúng tôi trở về đồn. Ngày chia tay, chúng tôi đến từng nhà tạm biệt dân bản. Chúng tôi “xuống núi”. Đi được một thôi đường, bỗng thấy từ trên sườn dốc, Mơ hớt hải chạy xuống. Cô vừa chào chúng tôi vừa thở hổn hển, chạy đến bên Vị. Tiếng cô thổn thức trong tiếng gió:

- Ại ới! Chải slương điếp ại. Hùa châu noọng cơ ngắm họt ại! (Anh ơi! Em yêu anh nhiều lắm. Trái tim em cứ nhớ đến anh!).

Ôi tình yêu! Là người lính biên phòng, tôi đã đi, đã sống khắp mọi miền Tổ quốc, đã thấy biết bao nhiêu chàng trai, cô gái hẹn hò, trao nhau yêu thương, nhưng khoảnh khắc tỏ tình giữa rừng, giữa núi, giữa trời mây non nước biên giới này thật không thể quên được! Cho tới lúc này, tôi mới thực sự thấm thía câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở: Tình yêu bắt đầu từ nơi đâu?

Truyện vui của NGUYỄN XUÂN