Hằng ngày, Tiêu Khải di chuyển đến công ty bằng tàu hỏa. Tàu vừa rời bến đầu tiên chưa bao lâu, anh đã nhận được điện thoại từ vợ anh là Triệu Mai. Qua điện thoại, anh chỉ nghe vợ hốt hoảng thông báo: Bố đi đâu mất rồi, không nhìn thấy bố đâu cả!
Nghe tin, Tiêu Khải giật bắn mình, lúc anh đi, bố còn chưa dậy cơ mà. Vừa mới có hai tiếng đồng hồ, bố có thể đi đâu được cơ chứ? Không đợi cho Tiêu Khải tự vấn, Triệu Mai ở đầu dây bên kia đã vừa khóc, vừa trách anh: “Chỉ tại anh, anh đi mà sao không chịu khóa cửa, biết tìm bố ở đâu bây giờ? Em đã chạy đi tìm khắp nơi, chân như muốn gãy ra rồi mà vẫn không thấy bố đâu hết!”.
May mắn, Tiêu Khải đi làm bằng tàu hỏa nên đến ga phụ, anh xuống tàu bắt vội ngay xe về nhà. Dọc đường, anh không rời chiếc điện thoại, nóng lòng chờ đợi tin từ vợ nhưng chỉ thấy tiếng khóc và trách móc của Triệu Mai, tin tức về bố vẫn bặt vô âm tín. Tiêu Khải càng thêm sốt ruột, anh liên tục thúc giục bác tài phải lái thật nhanh. Bác tài bị giục giã cũng bắt đầu thấy sốt ruột và bực mình: “Xe của tôi lăn bằng bánh chứ có phải có cánh đâu. Anh muốn nhanh thì bắt tên lửa mà đi đi!”.
Bố của Tiêu Khải năm nay 76 tuổi nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, chỉ có điều trí nhớ ngày càng kém. Bác sĩ nói bố anh bị bệnh mất trí nhớ tuổi già, cho nên cố gắng không để cho ông ra ngoài một mình vì rất dễ bị đi lạc. Ba năm trước, mẹ anh trước khi qua đời kéo anh lại gần bên nhắc đi nhắc lại rằng: “Bố con cả đời vất vả rồi, chưa được ngày nào sung sướng, con hãy thay mẹ chăm sóc ông ấy, được không con?”, Tiêu Khải liên tục gật đầu trong nước mắt.
Sau khi mẹ qua đời, Tiêu Khải đón bố vào thành phố ở cùng vợ chồng anh. Triệu Mai là một người con dâu tốt, hiếm có, cô chăm sóc bố chồng vô cùng chu đáo. Hằng ngày, cô phục vụ ông từng li từng tí không thể chê vào đâu được. Nhưng tính bố càng già càng như trẻ con vậy, muốn đi là đi ngay. Nửa năm trước, ông cũng tự đi khỏi nhà một lần. Sau lần đó, Tiêu Khải đã ra ngay cửa hàng điện thoại chọn một chiếc điện thoại loại vừa bền, vừa dễ dùng nhất để mua cho bố. Anh còn cẩn thận nhập số điện thoại của mình và vợ vào điện thoại của bố để có việc gì có thể liên lạc ngay.
“Bố, khi có điện thoại gọi cho bố thì chắc chắn là con hoặc vợ con. Chỉ cần nghe thấy tiếng điện thoại kêu là bố phải nghe ngay nhé, bố nhớ chưa bố?”, Tiêu Khải dặn đi dặn lại khi đưa điện thoại cho bố. Bố anh lật đi lật lại chiếc điện thoại mới, khuôn mặt lộ rõ vẻ vui mừng khôn xiết, những nếp nhăn như giãn ra: “Bố nhớ rồi, bố nhớ rồi. Bố không bị ngớ ngẩn, cũng không bị đần độn, sao lại không nhớ được những thứ giản đơn này chứ? Con đừng lo!”.
“Thế bố nhớ là được rồi”. Nhưng Tiêu Khải vẫn chưa yên tâm lắm, để cho chắc, mỗi sáng sớm đi làm, anh đều khóa trái cửa. Lo sợ bố buồn, lại biết bố thích nghe kinh kịch, Tiêu Khải vác về nhà một tập đĩa kinh kịch dày cộp, đủ để cho bố nghe cả năm chả hết. Trong lòng anh nghĩ rằng, mọi việc như thế là tạm ổn, ai ngờ hôm nay bố đã bỏ đi đâu mất rồi!
“Đúng rồi, chiếc điện thoại, chiếc điện thoại!”, Tiêu Khải chợt nhớ ra: “Sao mình lại không nghĩ đến chiếc điện thoại nhỉ?”. Anh vội vàng gọi vào số của bố, hồi hộp, tim như muốn nhảy khỏi lồng ngực nhưng chỉ nghe từ đầu dây bên kia: “Xin lỗi, thuê bao quý khách vừa gọi đang bận. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau!”.
Tiêu Khải nhẫn nại đợi thêm 5 phút nữa, anh lại gọi, kết quả vẫn là máy bận. Tiêu Khải không còn đủ kiên nhẫn nữa, anh vội vàng gọi cho vợ. Tiếng Triệu Mai từ đầu dây bên kia vọng tới: “Nửa tiếng trước em gọi cho bố cũng đã báo máy bận rồi”. Những ý nghĩ không lành chợt xuất hiện trong đầu Tiêu Khải.
Người thì không thấy, điện thoại thì không sao liên lạc được, Tiêu Khải như ngồi trên lửa.
Trong lúc chạy tìm bố tới mệt rã rời, lòng như lửa đốt thì Tiêu Khải chợt nhớ đến một người bạn cùng học đại học với anh là Trần Thắng Lợi, hiện làm kỹ thuật tại đội điều tra hình sự của công an huyện, chắc chắn Thắng Lợi có thể định vị được điện thoại của bố. Nghĩ đến đây, Tiêu Khải chạy như bay đến chỗ bạn để cầu cứu sự giúp đỡ. Và cuối cùng, bạn anh đã định vị được vị trí chiếc điện thoại: Ở khu vực hồ Kính phía đông thành phố.
“Cảm ơn, cảm ơn cậu nhiều lắm. Tớ sẽ gặp gỡ cậu sau nhé!”. Tiêu Khải vội vã chẳng kịp khách sáo, anh chạy vụt ra đường bắt vội chiếc taxi cùng với vợ đến ngay khu vực hồ Kính. Ngồi trong xe, Triệu Mai liên tục gọi vào số điện thoại của bố.
“Máy vẫn bận. Anh xem, bố có thể nói chuyện với ai mà lâu như vậy chứ?”, Triệu Mai bảo với chồng. Tiêu Khải lắc đầu: “Những người thân trong làng phần lớn đều không liên lạc, trong thành phố thì cũng chẳng có bạn già nào cả. Không hiểu bố có thể nói chuyện với ai mà lâu thế cơ chứ?”.
Xe vừa dừng lại bên hồ Kính, Tiêu Khải vô cùng kinh ngạc khi thấy cảnh trước mắt: Gần phía hồ Kính có một nghĩa trang, là nơi an nghỉ của mẹ anh. Xa xa, vợ chồng anh thấy thấp thoáng bóng dáng một ông già đang ngồi trước mộ, chạy lại gần, đó là bố. Bố đang ngồi trước mộ mẹ, vừa ôm bia mộ, vừa gọi điện thoại.
Lặng đi một lúc, Tiêu Khải và Triệu Mai vội vã chạy đến chỗ bố, hỏi dồn dập: “Bố, sao bố lại đến đây chứ? Bố đang nói chuyện với ai vậy?”.
“Bố, bố...”, bố Tiêu Khải hốt hoảng vội vàng cúp điện thoại, lắp bắp nói: “Không có gì, bố, bố… bố chỉ muốn tìm một người để nói chuyện thôi mà”.
Tiêu Khải và Triệu Mai nhìn nhau, bỗng chốc thấy vô cùng lo lắng. “Mẹ đã mất 3 năm, bố tìm ai nói chuyện vậy?”, Tiêu Khải vội vàng vớ lấy chiếc điện thoại của bố, lập cập tra tìm trong lịch sử cuộc gọi, vừa nhìn, Tiêu Khải đã vô cùng kinh ngạc: Số điện thoại đó quá thân thiết với anh, đó chính xác là số điện thoại của mẹ anh dùng khi còn sống!
“Tiêu Khải, anh chắc chắn nhìn nhầm rồi. Đã 3 năm rồi, chẳng nhẽ trí nhớ của anh tốt đến thế sao?”, Triệu Mai mặt như biến sắc, lắp ba lắp bắp bảo chồng hãy nhìn cho kỹ lại số điện thoại thêm một lần nữa. Tiêu Khải định thần lại, tay run run rồi nhìn lại rất kỹ số điện thoại. “Không hề sai, số này chính là số anh đã mua cho mẹ, bố vừa mới gọi điện thoại cho số này, thời gian gọi là 1 tiếng 36 phút”, Tiêu Khải khẳng định.
Hai vợ chồng bỗng thần người ra. Hình như bố anh cảm nhận được điều gì, khuôn mặt đầy vẻ áy náy, ông nói: “Khải à, Mai à, bố sai rồi. Lẽ ra bố không nên đi lung tung như vậy, cho bố xin lỗi, bố về nhà với các con bây giờ đây…”.
“Bố! Mẹ nói với bố những gì vậy?”, Triệu Mai ngập ngừng hỏi. Tiêu Khải sau những bất ngờ chợt như bừng tỉnh lại, anh quát Triệu Mai: “Thôi, em đừng hỏi luyên thuyên như thế!”.
Còn nhớ một năm trước, Tiêu Khải đưa bố tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe, bác sĩ chẩn đoán rằng bố anh bị chứng bệnh hay quên tuổi già. Bác sĩ còn nói bệnh của ông ngày càng nặng, có thể chuyển biến thành bệnh Alzheimer, thậm chí còn quên cả tên mình hoặc số nhà.
Với tình trạng bệnh của bố, có thể nhớ được mộ của mẹ thì thật lạ lùng, càng khó tin hơn nữa là đã 3 năm trôi qua, vậy mà bố vẫn nhớ như in số điện thoại của mẹ.
“Tiêu Khải, có lẽ nào mẹ gọi bố đến đây?”, Triệu Mai vô cùng hoang mang, mắt trộm nhìn tấm bia mộ, cứ như thể chỉ cần một chút gió thổi lay động những cây cỏ kia chắc cũng khiến cô khiếp sợ tột cùng.
“Đúng hay không gọi điện thoại là biết!”. Tiêu Khải liền bấm số điện thoại và gọi. Rất nhanh, đầu dây bên kia là giọng phụ nữ lớn tuổi: “Ông nói đi, tôi vẫn đang nghe đây!”.
Điện thoại vừa thông, chân Triệu Mai run bần bật, miệng cô lắp bắp mà như muốn thở không ra hơi. Còn Tiêu Khải thì nghe rất rõ, người ở đầu dây bên kia là một phụ nữ lớn tuổi, nhưng tuyệt đối đó không phải là giọng của mẹ anh!
“Bà là ai?”, Tiêu Khải hỏi, giọng run run. Đầu dây bên kia lặng yên vài giây rồi hỏi lại anh: “Thế cậu là ai?”. Tiêu Khải đáp lại: “Tôi là con trai của bố tôi!”.
Không đợi Tiêu Khải nói tiếp, người phụ nữ lớn tuổi ở đầu dây bên kia bắt đầu kể câu chuyện về cuộc điện thoại giữa bà và bố Tiêu Khải: “Cậu là con trai của cụ ông đã gọi điện thoại cho tôi đúng không? Hơn một tiếng đồng hồ trước, tôi nhận được cuộc điện thoại lạ này. Ông ấy vừa gọi đến là nói ngay: “Tôi biết bà mệt, bà cứ nằm yên đó, chỉ mình tôi nói còn bà chỉ việc nghe thôi nhé!”. Thế là tôi cứ vậy nghe. Nếu cậu là con trai của ông ấy thì tôi cần phải nói với cậu dăm ba điều. Có phải ngày nào cậu cũng để bố cậu ở nhà một mình, đi làm về, cậu cũng chỉ nói chuyện được với ông vài ba câu đúng không? Con trai ạ, ông ấy nói rằng cậu và vợ cậu đối xử rất hiếu thuận với ông ấy, cái gì tốt cũng dành cả cho ông ấy, chăm sóc ông ấy vô cùng chu đáo. Ông ấy biết điều đó là quá viên mãn rồi. Thế nhưng, có lẽ ông cụ ở trong nhà một mình nên cảm thấy vô cùng cô đơn, không có người để chuyện trò tâm sự, bầu bạn. Ông ấy gọi cho tôi nói liền hơn một tiếng đồng hồ, tôi cũng không ngăn cản ông ấy nói, cũng không cắt lời ông ấy. Ông ấy kể rất nhiều chuyện, có cả chuyện hồi bé cậu thế nào, cậu đi học ra sao, rồi kể cả chuyện sau khi cậu lấy vợ cuộc sống thế nào. Ông ấy vừa kể vừa khóc, rồi có lúc ông ấy lại bật cười. Con trai à, tôi cũng là người già, tôi rất hiểu những nỗi cô đơn trong tâm lý của người già. Nếu có thời gian, con nên ở cạnh bố con để bầu bạn với ông ấy. Người ta về già, đôi khi hay có những lúc tủi thân, con trai ạ!…”.
Hóa ra, sau khi mẹ Tiêu Khải qua đời, số điện thoại không dùng đến được tự động chuyển đổi. Không lâu trước, người phụ nữ lớn tuổi này đã đăng ký đúng số điện thoại của mẹ anh. Nghe xong câu chuyện, hình ảnh mẹ anh lâm bệnh nặng lúc nằm viện chợt hiện ra trong đầu Tiêu Khải. Những ngày đó, bố anh từ sáng sớm tới tối đêm ở riết bên giường bệnh, ông sợ vợ mình mệt, lúc nào cũng nắm tay bà, có lúc ông nói chuyện cả ngày với bà.
Bác sĩ nói bố anh bị bệnh hay quên, nhưng những chuyện xảy ra mười mấy năm trước sao bố vẫn nhớ như in từng chi tiết như vậy chứ? Suy nghĩ hồi lâu, Tiêu Khải chợt nhận ra rằng: Đó chính là tình yêu của bố đối với gia đình, đối với con cái, một tình yêu quá sâu sắc, sâu thẳm tự trong lòng. Thứ tình yêu mà bố đã không dễ dàng lãng quên được.
Tiêu Khải suy nghĩ rất lâu, anh tự hứa với lòng mình, từ giờ về sau, mỗi ngày anh sẽ cố gắng về nhà sớm một chút để bầu bạn với bố, để vơi bớt nỗi cô đơn mà bố đang hằng ngày phải trải qua.
SONG VÂN (dịch)
Truyện ngắn của CÚC VẬN HƯƠNG (Trung Quốc)