Anh em sinh đôi cùng vào không quân
Sau những bài bay huấn luyện phức tạp trên bầu trời, chiếc máy bay tiêm kích Su-30MK2 của Phi đội 1, Trung đoàn Không quân 935, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không-Không quân hạ cánh an toàn xuống sân bay quân sự trong niềm hân hoan của đồng đội. Tự tin bước xuống máy bay, Thượng úy Nguyễn Long Phi, phi công Phi đội 1, Trung đoàn 935 đón nhận ngay cái bắt tay chúc mừng của anh trai mình-Thượng úy Nguyễn Phi Long, Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Trung đoàn 935.
- Bài học này em bay tốt chứ?
- Em chủ động bay hay cần sự trợ giúp nhiều của thầy?
|
|
Hai anh em phi công Nguyễn Long Phi (bên trái) và Nguyễn Phi Long, Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Phòng không-Không quân. Ảnh: THANH HẢI |
Đó là những lời động viên thân mật mà Thượng úy Nguyễn Phi Long dành cho cậu em trai sinh đôi vào mỗi buổi chiều, sau khi kết thúc bài bay thực hành. Trước đó, Long ngồi trên đài chỉ huy, chăm chú quan sát đồng đội, trong đó có em trai của mình thực hiện cất hạ cánh. Mỗi lần như vậy, Long đều ghi nhận xét một cách cẩn thận, chi tiết, cả ưu điểm và sai sót trong quá trình thực hiện bài bay của em, để cùng nhau trao đổi.
Cuộc hội ngộ của 3 bố con Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển diễn ra ngay sau đó. Mặc dù đã nghỉ chờ hưu nhưng mỗi khi hai con trai bước vào những ngày huấn luyện cao điểm, anh thường có mặt, kịp thời động viên, chia sẻ kinh nghiệm bay với hai con trai.
- Tôi thực sự ngưỡng mộ 3 cha con anh, đều là phi công tiêm kích, trường hợp duy nhất trong lịch sử không quân Việt Nam, tôi nói.
- Chẳng có gì đặc biệt đâu. Bố con tớ cũng chỉ là những người lính bình thường như bao anh em trong đơn vị thôi, anh Hiển trả lời.
|
|
3 cha con Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không-Không quân đều là phi công tiêm kích. Ảnh: THANH HẢI |
Bên ấm trà nóng, Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển chậm rãi kể cho tôi nghe cơ duyên để 3 bố con anh trở thành phi công, cùng lái máy bay tiêm kích. Năm 1993, Đại úy Nguyễn Ngọc Hiển, Biên đội trưởng, Phi đội 2, Trung đoàn 937, Sư đoàn Không quân 370 đón nhận món quà quý giá nhất cuộc đời mình là hai con trai sinh đôi chào đời. Anh kể, từ nhỏ đến lớn, hai anh em Phi Long-Long Phi không chỉ giống nhau về ngoại hình mà mọi đồ dùng sinh hoạt, học tập, quần áo, giày mũ cũng giống nhau. Thậm chí ốm vặt, hắt hơi, sổ mũi cũng đứa trước, đứa sau.
Do hoàn cảnh gia đình, Long và Phi sống với bố từ nhỏ. Mỗi lần bố đi công tác thường gửi hai con ở nhà người cô. Từ lớp 5 đến hết cấp 2, hai anh em sống cùng bác ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Thời gian đó, khoảng 2-3 tuần, có khi hàng tháng anh Hiển mới tranh thủ lên thăm hai con một lần. Ngày ấy, đi từ Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) lên Bảo Lộc nhiều đèo dốc, hết sức khó khăn, xe cộ cũng ít. Biết được lịch bố về, hai anh em đứng ngóng bố ngoài đường cả tiếng đồng hồ. Có hôm mưa gió, xe khách chạy chậm, bố về muộn nhưng hai anh em vẫn đứng chờ bằng được.
|
|
Phi công tiêm kích Nguyễn Long Phi, Trung đoàn 935, Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Phòng không-Không quân. Ảnh: HỒNG NGỌC |
Có bố là phi công, hai anh em Long-Phi được tiếp xúc với môi trường Quân đội từ khá sớm. Dịp nghỉ hè, nghỉ Tết, hai anh em được xuống đơn vị của bố chơi, làm quen với nền nếp, chế độ sinh hoạt của bộ đội. “Được tận mắt thấy bố và các chú sống, làm việc, đặc biệt là tận mắt chứng kiến “con chim sắt” cất cánh bay vút lên bầu trời, anh em tôi thầm ngưỡng mộ và không biết từ khi nào ước mơ được trở thành phi công như bố”-Thượng úy Nguyễn Phi Long hồi tưởng.
Đầu năm học THPT, hai anh em chính thức chuyển về TP Phan Rang-Tháp Chàm ở với bố nên được tiếp xúc nhiều hơn với các chú, các bác phi công. Cũng từ đây, tình yêu bầu trời, ước mơ làm phi công càng thôi thúc Long-Phi học tập, phấn đấu. “Ngày ấy, ngắm nhìn quân phục phi công, buồng lái, nghe tiếng động cơ máy bay... anh em tôi thích thú vô cùng. Nhưng chỉ là thích, là ước mơ thôi chứ thú thực không dám nghĩ một ngày nào đó mình sẽ trở thành phi công”-Thượng úy Nguyễn Long Phi bộc bạch.
Biết hai con trai thích lái máy bay, anh Hiển khi ấy đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937 rất ủng hộ, khích lệ hai con thi vào Trường Sĩ quan Không quân. Sau khi trúng tuyển vào trường, quá trình học tập, hai anh em thường xuyên được bố, đồng thời là người thầy truyền thụ kinh nghiệm, hướng dẫn học tập, rèn luyện, khích lệ phấn đấu, vì thế mà ngày càng trưởng thành.
3 cha con cùng chinh phục bầu trời
Cuối năm 2015, Thiếu úy Nguyễn Phi Long ra trường, nhận nhiệm vụ tại Sư đoàn 370. Tháng 4-2017, anh ra Hà Nội học tiếng Nga chuyên ngành, từ tháng 2-2018 về công tác tại Trung đoàn 935, chuyển loại lái máy bay tiêm kích Su-30MK2. Đến thời điểm này, Thượng úy Nguyễn Phi Long đã có hơn 300 giờ bay trên các loại máy bay Yak-52, L-39, Su-30MK2 và đảm nhận nhiệm vụ trực chiến đấu trên máy bay Su-30MK2.
- Thời gian mới về đơn vị công tác, Long có kỷ niệm gì đáng nhớ không?-tôi hỏi chuyện.
- Nhiều lắm anh ạ, khó có thể nhớ hết. Nói chung, những chuyến bay đầu tiên khi mới về đơn vị rất căng thẳng. Nhiều bài bay khó mình vẫn chưa thể thực hiện tốt, còn để sai lệch. Những lần như thế, đêm về, tôi trằn trọc không sao ngủ được. Nhớ lời bố dạy: “Mỗi chuyến bay sẽ khác nhau, có chuyến khuyết điểm này, có chuyến khuyết điểm kia, không tròn trĩnh được, đặc biệt là người đang đi học”, tôi lại tự động viên mình phải cố gắng hơn nữa, không được phép nản chí.
|
|
3 cha con Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển sau chuyến bay. Ảnh: THANH HẢI |
Trong câu chuyện thân mật, Thượng úy Nguyễn Long Phi cũng thổ lộ: “Nhiệm vụ của phi công tiêm kích vất vả, áp lực vô cùng, nhưng hai anh em tôi tự hào được thỏa ước mơ làm chủ bầu trời. Trước mỗi ban bay, được mặc đồ kháng áp, đội mũ bay, đeo vòi thở, ngồi trong buồng lái chiếc máy bay chiến đấu hiện đại bậc nhất hiện nay, anh em chúng tôi thấy mình được đồng đội, được nhân dân trao gửi quá nhiều, nên phải làm tròn nhiệm vụ của một phi công quân sự".
- Là một phi công dày dạn kinh nghiệm, nhưng hẳn anh từng gặp những tình huống nguy hiểm trên không?-tôi đặt câu hỏi với Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển, người có thâm niên hơn 30 năm bay phản lực, trong đó 30 năm lái máy bay tiêm kích bom Su-22M4.
- Có nhiều chứ. Đó là chuyện thường tình của phi công tiêm kích. Nhưng tôi nhớ mãi chuyến bay đêm cách đây gần 30 năm. Khi ấy, tôi bay cùng Thượng tá Nguyễn Kim Cách, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 937 (sau này là Trung tướng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương). Trong quá trình bay xuống thì có con vịt trời chui vào động cơ máy bay Su-22M4 tôi đang điều khiển. Đây là máy bay một động cơ. Khi đó, lá nén trong các tầng nén của động cơ bị nứt và gây ra tiếng động lạ, dẫn đến không phát huy được lực đẩy của động cơ, có thể bị chết máy hoặc không đủ lực để đưa máy bay bay lên thì sẽ bị rơi. Trong trường hợp này, kể cả trên thế giới, phương án thường được lựa chọn là nhảy dù khỏi máy bay để bảo toàn tính mạng cho phi công. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của đồng chí Phó trung đoàn trưởng, cùng với kinh nghiệm tích lũy được, trong thời gian ngắn ngủi, tôi đã bình tĩnh xử lý. Cuối cùng, động cơ khôi phục được lực đẩy và lấy lại độ cao cũng như tốc độ như ý muốn. Sau đó, máy bay hạ cánh an toàn. Khi kiểm tra, động cơ của chiếc Su-22M4 đó đã hỏng, phải thay mới.
|
|
Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển truyền thụ kinh nghiệm bay cho 2 con trai. Ảnh: HẢI ANH |
Còn Thượng úy Nguyễn Phi Long cách đây chưa lâu cũng gặp tình huống nguy hiểm trong một chuyến bay đêm cùng Đại tá Huỳnh Mạnh Thắng, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 935. Anh kể, đang trong quá trình bay, máy bay báo bất trắc đột ngột, giả hỏng hai hệ thống thủy lực, vô cùng nguy hiểm đối với phi công. Nếu điều đó xảy ra thì không còn cách nào khác là phải nhảy dù. Khi đó, trời tối đen như mực. Anh nhanh chóng định hình, động viên bản thân bình tĩnh lắng nghe và cùng thầy kiểm tra các hệ thống xác định được báo giả, sau đó vào hạ cánh bình thường.
Thật đáng trân trọng và khâm phục sự lựa chọn nghề phi công quân sự của gia đình Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển. Trong khi nhiều bạn trẻ hiện nay thường tìm kiếm tương lai cho mình bằng những công việc nhẹ nhàng, lương cao, ít rủi ro thì anh đã ủng hộ hai con trai đi theo con đường mà mình đã chọn, để hai bạn trẻ có cơ hội tận hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, trở thành gia đình duy nhất của không quân Việt Nam có 3 cha con là phi công tiêm kích.
NGUYỄN HỒNG SÁNG