Đồng lòng xung phong ra “mặt trận”
Lễ xuất quân của HVQY tăng cường lực lượng tham gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam diễn ra khẩn trương, gọn nhẹ, nhưng đầy cảm xúc. Trong lịch sử nhà trường, có lẽ đây là buổi tiễn chân lớn nhất, đặc biệt nhất từ trước tới nay, khiến nhiều người liên tưởng đến các cuộc hành quân thần tốc vào chiến trường của bao lớp cha anh năm xưa.
Gặp gỡ, động viên cán bộ, y, bác sĩ, học viên trước giờ lên đường, các đồng chí lãnh đạo học viện, lãnh đạo Tổng cục Chính trị, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần không khỏi bùi ngùi, xúc động. Nếu không xảy ra đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 thì chỉ còn ít ngày nữa, cùng với hệ thống các học viện, nhà trường quân đội, HVQY sẽ tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022, đồng thời trao bằng tốt nghiệp cho số học viên ra trường. Nhưng trước yêu cầu hết sức cấp bách PCD, hoạt động này phải tạm hoãn. Toàn bộ học viên cùng phần lớn đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của học viện được huy động chi viện cho các tỉnh phía Nam. Theo Thiếu tướng, PGS, TS Nghiêm Đức Thuận, Phó chính ủy, Tổng chỉ huy lực lượng tăng cường PCD Covid-19 cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, HVQY: Chính hoàn cảnh chưa từng có tiền lệ như thế lại giúp nhà trường và các em học viên có được ngày khai trường đặc biệt-“giảng đường” và các môn học được thực hành ngay giữa tâm dịch Covid-19, một thực tiễn hết sức sinh động, thiết thực cho nhiệm vụ chuyên môn của các y, bác sĩ.
|
|
Các thầy thuốc quân y trước giờ lên đường vào "chiến trường" miền Nam chống dịch. |
Đồng chí Phó chính ủy HVQY hiểu hơn ai hết những khó khăn, phức tạp xen lẫn hiểm nguy nơi tâm dịch Covid-19 mà cán bộ, y, bác sĩ nhà trường và các học trò của mình sẽ đối mặt, nhưng anh cũng thật tin tưởng vào họ về bản lĩnh, y đức, y thuật. Nghìn người như một, tình nguyện lên đường trong tâm trạng háo hức. Dường như ai cũng muốn quãng đường hành quân ngắn lại, để sớm được đặt chân đến miền Nam ruột thịt, đem mọi khả năng, tâm huyết của mình góp phần cùng các lực lượng sớm chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh. Chính lương tâm, trách nhiệm, sự tận hiến và đức hy sinh vốn có của người thầy thuốc quân y-Bộ đội Cụ Hồ đã và đang thôi thúc họ. Chẳng ai màng đến những khó khăn, gian khổ, thậm chí có thể phải hy sinh cả tính mạng trong cuộc chiến đấu đầy cam go, thử thách này. Chứng kiến không khí đặc biệt ấy, không khó để chúng tôi nhận ra trong mỗi ánh mắt, nụ cười của các thầy thuốc quân y ánh lên niềm tin chiến thắng.
|
|
Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần với các nữ bác sĩ quân y trước giờ lên đường. |
Tâm thế và tinh thần lạc quan ấy của các y, bác sĩ cho thấy, toàn bộ nội dung, chỉ tiêu của phong trào thi đua đặc biệt do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vừa phát động: “Quân đội cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” đã thấm sâu, ngấm chắc vào từng suy nghĩ và hành động của họ. Đặc biệt, sự có mặt cùng lời động viên kịp thời của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với các thầy thuốc quân y đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho các chiến binh quả cảm trước giờ “xung trận”. “Chuyến đi lần này của các đồng chí có ý nghĩa chính trị vô cùng sâu sắc, là một cuộc hành quân thần tốc đầy tự hào, lên đường vì nghĩa lớn, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và nhân dân”, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Trong không khí “miền Nam tha thiết gọi, cả nước ta lên đường” chung tay PCD Covid-19, chúng tôi được biết, không ít cán bộ, y, bác sĩ, học viên HVQY mặc dù điều kiện hoàn cảnh khó khăn, vất vả, nhưng vẫn hăng hái viết đơn tình nguyện cùng đồng đội lên đường. Ví như trường hợp của Thiếu tá, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Khoa Điều trị bỏng Trẻ em, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, HVQY. Các con của chị còn nhỏ, đang tuổi ăn, tuổi lớn, bố mẹ già yếu, chồng cũng là bác sĩ, đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. “Tôi luôn chuẩn bị tâm thế để có thể lên đường làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào khi tổ chức cần, nhân dân cần. Đó là trách nhiệm của người lính, cũng là lương tâm của thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ”, Thiếu tá Nguyễn Thị Hương bộc bạch.
|
|
Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cùng các học trò vào miền Nam phòng, chống dịch Covid-19. |
Hoàn cảnh của Thượng sĩ Nguyễn Thị Thảo, học viên lớp DH51A, Hệ 2, cũng khá éo le. Nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ Thảo lại thường xuyên đau ốm, cần sự chăm sóc hằng ngày. Biết được tin học viện huy động lực lượng tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch, mẹ Thảo đã động viên chị viết đơn xung phong lên đường nhận nhiệm vụ, sát cánh cùng đồng đội trong cuộc chiến chống đại dịch. Bạn cùng lớp với Nguyễn Thị Thảo có Thượng sĩ Nguyễn Hà My, bí thư chi đoàn lớp, là một trong những tấm gương điển hình trong học tập và tham gia các hoạt động phong trào. Mặc dù đang là thành viên Đội tuyển Olympic tiếng Anh HVQY, được ưu tiên ở nhà ôn thi Olympic cấp toàn quân, nhưng Nguyễn Hà My đã viết đơn xung phong vào tâm dịch, với suy nghĩ: “Cuộc chiến đầy cam go này chính là “phép thử” ý chí, nghị lực và trách nhiệm chính trị của tuổi trẻ. Đây còn là môi trường khẳng định năng lực chuyên môn, là “giảng đường” thực tiễn hết sức sinh động, giúp bản thân mỗi y, bác sĩ thêm trưởng thành”.
Trong tâm trạng muốn vào ngay tâm dịch TP Hồ Chí Minh, Đại úy, bác sĩ Đặng Văn Ba, Khoa Hồi sức Nội, Bệnh viện Quân y 103, HVQY, cũng tâm sự những lời gan ruột: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi biết được đồng nghiệp của mình trong miền Nam đang chiến đấu sinh tử với “giặc” Covid-19. Tính mạng của nhân dân hằng ngày bị đe dọa, khi số lượng F0, bệnh nhân nặng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Vì vậy, chúng tôi rất nóng lòng được vào “chia lửa” với đồng nghiệp, đem tất cả sức lực, trí tuệ giúp đỡ nhân dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sớm vượt qua đại dịch”.
Trong số hàng nghìn y, bác sĩ HVQY xung phong vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam lần này, háo hức hơn cả có lẽ là Thượng sĩ Nguyễn Duy Khương, học viên lớp DH51A, Hệ 2, HVQY. Bởi quê của Khương ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Đêm trước ngày lên đường, Khương gần như thức trắng với bao dự định, tâm huyết dành cho quê hương trong chuyến trở về thật đặt biệt...
Chủ động về với nhân dân
Khi chúng tôi đặt bút viết bài này thì tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, học viên HVQY cùng các lực lượng đã bước vào cuộc chiến đấu đầy căng thẳng với “giặc” Covid-19. Trao đổi qua điện thoại với Thiếu tướng, PGS, TS Nghiêm Đức Thuận, chúng tôi được biết, ngay khi có mặt nơi tâm dịch, cán bộ, y, bác sĩ, học viên của nhà trường nhanh chóng được chia thành gần 500 tổ quân y cơ động, phối hợp với các trạm y tế xã, phường trên địa bàn, đến từng gia đình có F0 để tư vấn, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn điều trị tại chỗ, đồng thời tham gia cấp cứu, chữa trị các ca nặng trong bệnh viện dã chiến. Ngày nào cũng vậy, các bác sĩ quân y đều phải làm việc bằng hai lần sức lực bản thân mới có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Mặc dù đang là giờ nghỉ buổi tối, nhưng các cuộc trao đổi điện thoại giữa chúng tôi với Thiếu tướng Nghiêm Đức Thuận thường xuyên bị ngắt quãng, bởi anh liên tục bận chỉ đạo các lực lượng đi làm nhiệm vụ, đồng thời tiếp nhận thông tin từ các tổ công tác khắp nơi báo về. Quả thật, chỉ cần nhìn vào hình ảnh bảng phân công nhiệm vụ không còn một chỗ trống mà Thiếu tướng Nghiêm Đức Thuận gửi cho chúng tôi, cùng tần suất làm việc không ngừng nghỉ của anh, chúng tôi có thể hình dung được phần nào khối lượng công việc đồ sộ mà đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ nhà trường đang thực hiện tại “chiến trường” miền Nam; cảm nhận được phần nào những khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà các thầy thuốc quân y đang ngày ngày đối mặt.
Những ngày qua, sự hỗ trợ điều trị của lực lượng quân y tại các gia đình có F0 góp phần quan trọng giảm tải cho hệ thống y tế địa phương. Trả lời phỏng vấn của phóng viên, đồng chí Nguyễn Khắc Nguyên, Chủ tịch UBND phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh xúc động, bày tỏ: “Các chiến sĩ quân y rất tận tình, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nhất là nguy cơ lây nhiễm bệnh. Đáng quý ở chỗ, bộ đội luôn chủ động tìm về với dân, có mặt kịp thời những khi dân cần. Đây là một trong những tiền đề quan trọng giúp địa phương sớm khống chế và đẩy lùi đại dịch”.
Chuyến công tác của cán bộ, y, bác sĩ, học viên HVQY tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có thể diễn ra trong 15 ngày, nhưng cũng có thể phải kéo dài lâu hơn nữa, bởi diễn biến của dịch Covid-19 vẫn phức tạp, khó lường. Biết bao khó khăn phải đối mặt, không ít hiểm nguy đang rình rập, nhưng chẳng ai trong số họ nghĩ đến mốc thời gian ấy. Bởi tất cả đang dành mọi tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm cùng cả nước vượt qua đại dịch Covid-19, sớm trả lại cuộc sống yên lành cho nhân dân.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP)