Chăm chú xem lại từng hình ảnh, hiện vật, tư liệu tiêu biểu phản ánh truyền thống của Quân đoàn 2, đôi mắt nhăn nheo của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy bỗng sáng lên lấp lánh khi bắt gặp bức điện lịch sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2, ngày 4-4-1975: “Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Với chất giọng khỏe khoắn, hào sảng, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể: “Ngay sau lời hiệu triệu của Đại tướng, với tinh thần “diệt địch mà đi, sửa đường mà tiến”, Sư đoàn 325 đã thần tốc tiến vào chiến trường miền Nam, phối thuộc cùng các cánh quân đập tan mọi ổ kháng cự của địch, giải phóng Sài Gòn".

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (đeo kính, thứ hai từ phải sang) cùng các đồng đội đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 8-1995. Ảnh do gia đình cung cấp.

Mấy chục năm lăn lộn khắp các chiến trường, ông không nhớ nổi mình từng tham gia bao nhiêu trận đánh, đối mặt với bao nhiêu gian khổ, hy sinh, nhưng ấn tượng về những lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng những căn dặn ân cần của Đại tướng vẫn hằn in trong tâm khảm vị tướng trận mạc năm nay đã bước sang tuổi 91.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng đội thăm lại chiến trường xưa. (Chụp trước dịch Covid-19). Ảnh do gia đình cung cấp. 

Kể với chúng tôi, ông nhớ mãi lần đầu tiên vinh dự được gặp Đại tướng là khi ông mới chỉ là cậu chiến sĩ trinh sát 17 tuổi. Chuyện là, tháng 10-1948, Nguyễn Đức Huy được giao nhiệm vụ đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để dẫn ông sang xã Quân Chu (Đại Từ, Thái Nguyên) dự lễ duyệt binh của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Đứng trước Đại tướng, vì bối rối và xúc động, Nguyễn Đức Huy gọi bằng “ông”, xưng “cháu”, khiến Đại tướng bật cười. Năm đó, Đại tướng mới 37 tuổi. Thấy Đại tướng có phong cách gần gũi, dễ gần, mọi lo lắng trong người chiến sĩ trẻ nhanh chóng tan biến.

- Thế chú có biết cưỡi ngựa không?-Đại tướng vỗ vai, thân mật.

- Dạ thưa ông, cháu biết cưỡi ngựa ạ! Vì cháu đã được huấn luyện trinh sát đặc biệt để làm nhiệm vụ!

- Vậy tôi sẽ cấp cho chú một con ngựa, cùng chú cần vụ đi trước dẫn đường-Đại tướng âu yếm nhìn cậu chiến sĩ trẻ, cười rất tươi.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy và các nhà nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2002. Ảnh do gia đình cung cấp. 

Một câu chuyện có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời quân ngũ mà Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy không bao giờ quên. Tháng 11-1972, khi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị phòng ngự tại khu vực các thôn An Đôn-Nhan Biều, đối diện Thành cổ Quảng Trị, không để địch thực hiện ý đồ lấn chiếm thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong), phát triển xuống thị xã Đông Hà (nay là TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Sau khi nhận nhiệm vụ, trong 20 ngày liên tục, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Huy, đơn vị tiến hành xây dựng khu vực phòng thủ của trung đoàn thành một công sự trận địa phòng ngự vững chắc và liên hoàn. “Đêm 1, rạng sáng 2-11-1972, đối phương huy động một tiểu đoàn thủy quân lục chiến thiếu tràn sang đánh chiếm đầu cầu với dã tâm chiếm toàn bộ khu vực đóng quân của ta. Trung đoàn 18 đã chiến đấu ngoan cường, sử dụng hỏa lực mạnh, tiêu diệt phần lớn quân địch. Đến ngày 3-11, đơn vị đánh tan hoàn toàn tiểu đoàn thủy quân lục chiến của địch, dập tắt ý đồ lấn chiếm của chúng”. Ngay sau trận đánh, Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Huy nhận được thông báo: Tổng Tư lệnh gọi điện muốn gặp trực tiếp đồng chí trung đoàn trưởng. Nhận thông tin, Nguyễn Đức Huy hết sức bất ngờ và xúc động. Ông thầm nghĩ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh bận trăm công nghìn việc mà vẫn dành thời gian quan tâm, gọi điện xuống tận đơn vị cơ sở.

Hồi hộp xen lẫn lo lắng, nhấc ống nghe lên, ông nghe rõ giọng nói gần gũi, thân mật: “Chúc mừng đồng chí trung đoàn trưởng và anh em chiến sĩ. Trận thắng của Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, ngày 2 và 3-11-1972 đã đánh bại cuộc hành quân "Sóng thần 9”, bẻ gãy hoàn toàn ý đồ tái chiếm của quân địch. Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tôi nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã lập công lớn”. Sau đó, Đại tướng ân cần hỏi thăm sức khỏe cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đồng thời căn dặn chỉ huy trung đoàn chú ý làm tốt công tác tư tưởng, thương binh, tử sĩ, nhanh chóng xốc lại đội hình để bước vào các trận đánh mới.

Sau này, khoảng tháng 8-1995, trong một lần Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy và các đồng đội đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia ở Hà Nội, ông đã nhắc lại kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Đại tướng vào tháng 10-1948 và lần được Đại tướng gọi điện động viên tháng 11-1972, khiến Đại tướng không khỏi bất ngờ:

- Thì ra đây là cậu chiến sĩ trinh sát năm xưa gọi tôi bằng “ông” đây hả? Bây giờ thì cậu cũng như mình, cũng là tướng rồi đấy!

Một kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hằn in trong trí nhớ của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cho đến tận bây giờ. Đó là vào ngày 7-5-1984, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Do bận công việc không lên dự lễ mít tinh kỷ niệm do UBND tỉnh Lai Châu (nay tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu) tổ chức, Đại tướng đã viết một lá thư gửi đồng bào, chiến sĩ LLVT Tây Bắc, giao Bộ tư lệnh Quân khu 2 đọc trong buổi mít tinh. Người vinh dự được đọc bức thư của Đại tướng chính là Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, khi ấy là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể chuyện những lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Kể đến đây, giọng vị tướng từng trải qua 3 cuộc chiến tranh bỗng chùng xuống: “Mới đó mà Đại tướng đã đi xa 8 năm rồi. Hôm Đại tướng nằm viện, tôi cùng anh em cựu chiến binh Quân đoàn 2 xuống thăm ông ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mặc dù sức khỏe rất yếu, nhưng khi nghe giới thiệu có đoàn cựu chiến binh Quân đoàn 2 đến thăm, Đại tướng mở mắt, cố gượng dậy, khua khua hai bàn tay gầy guộc như muốn nói điều gì. Chứng kiến hành động ấy của Đại tướng, anh em trong đoàn ai cũng nghẹn ngào, xúc động".

Đây cũng là lần cuối cùng Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy được gặp vị Đại tướng đáng kính, nhưng những hình ảnh, sự vĩ đại mà gần gũi của "người Anh Cả" mãi in đậm trong tâm khảm của ông cho đến bây giờ.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG