Liên văn hóa là một xu hướng tất yếu, không chỉ là sự nhận thức từ cái nhìn dân tộc, mà đa chiều hơn, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân loại, hay được gọi là mẫu số chung của văn hóa toàn cầu. Tức phải tìm ra được sự vĩ đại vừa chung lại vừa riêng (ở đây chỉ xin nói về võ công) của Đại tướng.
"Ngọn núi lửa phủ tuyết"
Đại thụ văn hóa quân sự Võ Nguyên Giáp cường tráng, lực lưỡng có ba chùm rễ rất khỏe, miệt mài hút dưỡng chất tinh hoa truyền thống từ ba mảnh đất văn hóa của dân tộc Việt, của phương Đông và phương Tây. Cành lá sum suê luôn vươn cao vào bầu trời tư tưởng thời đại quang hợp ánh sáng trí tuệ, nhân văn của chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa Mác-Lênin, của tư tưởng Hồ Chí Minh nên luôn xanh mát, tươi mới. Từ nhỏ học Hán-Nôm, tuổi thanh niên đã giỏi tiếng Trung, tiếng Pháp, biết tiếng Anh, tiếng Nga... Từ thời học sinh đã say mê tìm hiểu binh pháp Tôn Tử, lý luận quân sự của Clausewitz, những trận đánh của Napoleon... Trở thành giáo viên lịch sử tất yếu phải nghiên cứu truyền thống đánh giặc của tổ tiên anh hùng. Đến với Chủ nghĩa Mác hẳn nhiên tiếp thu học thuyết quân sự của cả giai cấp vô sản và tư sản, phân tích các cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên Xô, chống Nhật của Trung Quốc... Lại may mắn được là học trò, gần gũi với thiên tài Hồ Chí Minh...
Như một thấu kính văn hóa hội tụ được nhiều ánh sáng tiến bộ, cách mạng, bằng một vốn kiến văn uyên bác cùng một bản lĩnh, một trí tuệ lớn, một tâm hồn và tình yêu Tổ quốc, con người lớn lao, trong ông đã tạo ra một quá trình tự chuyển hóa những tri thức quân sự thành của riêng mình, để rồi trở thành đỉnh cao để cả thế giới ngước nhìn... Người Pháp có lý khi gọi ông là “ngọn núi lửa phủ tuyết”. Tuyết có thể phủ nhiều ngọn núi nhưng là “ngọn núi lửa phủ tuyết” thì hiếm, vừa giống với nhiều núi khác nhưng thật khác biệt ở phía trong, bên trong, và năng lượng thì vô tận, bất ngờ... Nhà báo Pomonti trên báo tiếng Pháp Le Monde nhận xét Võ Nguyên Giáp chịu ảnh hưởng của Bonaparte rõ nhất là “hiệu ứng bất ngờ”. Chính tác giả này khẳng định, dấu ấn sáng tạo cá nhân cũng rất rõ như ở việc “tập trung hỏa lực bất ngờ” trong trận Điện Biên Phủ. Thế nên ngay ở ta, có người ví von ông là “Bonaparte của Việt Nam”. Tuy nhiên, xét kỹ sự ca ngợi này không phù hợp, bởi nhìn tổng thể, Võ Nguyên Giáp có một tư tưởng, đường lối, phong cách rất riêng!
Tấm gương tự học phi thường
Với một cái nhìn mở, triết học văn hóa quan niệm sống là đối thoại. Cầu nối quan trọng nhất để đối thoại là hiểu biết. Tri thức càng sâu rộng càng có cơ hội mở rộng, giao lưu, kết nối, do vậy phẩm chất tự học rất được đề cao, vì học ở trường là không bao giờ đủ. Hơn nữa, tự học là con đường khẳng định, hoàn thiện chủ thể vì đó là quá trình tự chuyển hóa vươn tới chân lý. Võ Nguyên Giáp là tấm gương tự học lớn, chỉ sau Bác Hồ. Các trợ lý giúp việc đều thán phục kể về sự học phi thường của Đại tướng, học nghiêm túc từ các sách binh pháp của Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Tôn Trung Sơn... đến nghiền ngẫm tư tưởng quân sự của Kutuzov, Stalin... Chỉ có thể cắt nghĩa tài năng ấy bằng con đường tự học, Đại tướng mới trở thành một hiện tượng duy nhất trên thế giới không qua một trường lớp quân sự chính quy nào nhưng “trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp”(1). Cũng chưa bao giờ thua trận và có tới 10 viên tướng là bại tướng của ông (7 tướng Pháp: Philippe Leclerc, J.Etienne Valluy, Roger C.Blaizot, M.Carpentier, J.De Lattre de Tassigny, Raoul Salan, Henri Navarre; 3 tướng Mỹ là W.Westmoreland, C.Abrams, F.C.Weyand).
Tự học, tự đào luyện mình có một vốn học vấn chắc chắn kết hợp với sự hiểu biết sâu sắc thời cơ, thời thế, nhân tâm, biết mình, biết ta, hiểu đến từng địa điểm bố trí đại đội ta, biết chi tiết sơ đồ các lớp hàng rào dây thép gai địch... đã tạo cho ông một bản lĩnh hiếm có. Điều ấy giúp ông thay đổi cách đánh trận Điện Biên Phủ để rồi đã đi vào từ điển quân sự thế giới-trở thành mẫu hình cổ điển cho phẩm chất người chỉ huy và sự linh hoạt ứng phó tình hình...
Chiến lược hòa bình
Trong lần trả lời phỏng vấn tờ báo Pháp L’Humannité, Đại tướng giải thích nguyên nhân Mỹ thua là do “người Mỹ không hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục của chúng tôi, không hiểu tính cách của người Việt...”. Lần khác ông nói rõ hơn, Việt Nam thắng Mỹ là thắng bằng sức mạnh văn hóa. Ai cũng hiểu đó là văn hóa yêu hòa bình, yêu nước, văn hóa đoàn kết và ý chí không chịu khuất phục làm nô lệ...
Ông coi người lính như anh em, con cháu mình. Họa sĩ Lê Trí Dũng bồi hồi nhớ lại những ngày giáp Tết Nhâm Tý-1972, Đại tướng đến thăm, đi bộ giữa hai hàng quân Sư đoàn 338. Ông dừng lại trước người lính trẻ Lê Trí Dũng hỏi thăm tình hình, hỏi tập chào chưa, rồi ông đứng nghiêm và giơ tay chào. Một Đại tướng chào một anh lính trơn! Bất thần cả hàng quân không ai bảo ai cùng hô vang: “Đại tướng muôn năm!”. Chi tiết thật nhỏ nhưng nói được thật nhiều ý nghĩa về tình “phụ tử chi binh”. Không có rượu để hòa xuống sông rồi cả tướng và lính cùng uống như ngày cổ xưa nhưng ai cũng cảm thấy trái tim vị Đại tướng nhân dân chung nhịp đập với trái tim người lính trẻ nhất để đều hướng về nhiệm vụ chiến thắng quân xâm lược. Có một vị Đại tướng như thế, đội quân ấy sẽ có sức mạnh vô địch nhờ sự đoàn kết keo sơn, nhờ ý chí sắt thép muôn người như một!
Vì vậy cũng dễ hiểu Đại tướng có “một quyết định khó khăn nhất đời mình” là kéo pháo ra, hoãn tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vì chưa chắc thắng. Nếu có thắng thì thương vong cao. Cái gốc tình yêu thương, trân trọng, quý mến con người đã tạo cho vị Đại tướng nhân văn ấy luôn tuân theo nguyên tắc: Đề cao yếu tố chiến thắng nhưng phải bảo đảm sự thương vong ít nhất. Câu trả lời của ông với tướng McNamara rất thật, như nhận xét của một nhà báo Pháp, sẽ được tạc bằng vàng trong kho tàng lý luận quân sự thế giới: “Chiến lược của tôi là hòa bình, tôi là vị tướng của hòa bình, không phải của chiến tranh!”.
|
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara ngày 23-6-1997. Ảnh: TUẤN TRẦN |
"Chúng tôi đánh kiểu Việt Nam"
Như ngọn núi cao sừng sững trong bầu trời văn hóa nhân loại nên ai cũng có thể nhìn thấy và sự đánh giá về nhân cách, tư tưởng, tài năng, phong cách của nhân vật kiệt xuất này hầu như đã ổn định. Một nhà báo Mỹ nhận định: “Ông trở thành một trong những vị tướng tài năng nhất của thế kỷ 20 và chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”(2). Nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại tên tuổi Mỹ Cecil B.Currey viết cả một cuốn sách có tên "Chiến thắng bằng mọi giá"(3), trong đó trích lời Đại tướng nói về mục đích, nhiệm vụ của quân đội: “Mục đích chính trị là căn bản. Quân đội không phải chỉ có nhiệm vụ chiến đấu, mà phải tuyên truyền, giáo dục dân chúng. Như vậy, mọi người đều là lính. Tất cả mỗi làng, mỗi quận (huyện) là một pháo đài và cả nước chúng tôi là một chiến trường rộng lớn”. Khi đạt tới sự khái quát ý nghĩa cao nhất vào các phạm trù thì đó chính là triết học-ở đây là triết học văn hóa quân sự. Nếu liên văn hóa là sự kết tinh hình tượng tỏa ra ánh sáng chân lý lịch sử thì đây là liên văn hóa tiêu biểu nhất. Trong câu trả lời của Đại tướng có cả bóng dáng lịch sử “ngụ binh ư nông”, “lấy đoản binh chế trường trận”, “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”...
Thế hệ Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp đã tiếp bước cha ông viết tiếp những trang lịch sử chói lọi để cả thế giới phải học tập!
“Kiểu Việt Nam!”-một chân lý vàng mang tính phổ quát rộng rãi, không chỉ dành cho lĩnh vực quân sự, mà còn trong kinh tế, ngoại giao... trong văn hóa hôm nay càng phải thế!
----------
(1) Bernard Fall, Võ Nguyên Giáp-Con người và huyền thoại. New York, 1962
(2) Peter MacDonald, Võ Nguyên Giáp-Một sự đánh giá, 1992, tiếng Anh. Bản tiếng Pháp có tên Giáp-Hai cuộc chiến tranh Đông Dương
(3) Xuất bản ở Mỹ năm 1997, được dịch ra tiếng Pháp năm 2003, tiếng Trung năm 2006
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ