QĐND - Năm 1994, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V họp tại Hội trường Ba Đình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khách mời. Sau phiên khai mạc, các nhà văn ra tiền sảnh hội trường trò chuyện. Tôi bô bô giọng Quảng Bình hăng hái nói về vấn đề văn chương gì đấy, thì bỗng một bàn tay đặt lên vai tôi vỗ vỗ. Tôi quay lại và người tự nhiên run lên: Chao ôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Ông hỏi: Nhà văn ni có phải người Quảng Bình miềng không? Tôi rối rít: Dạ, cháu là người Lệ Thủy đây ạ! Đại tướng hỏi tiếp: Trong đại hội có nhiều nhà văn người Quảng Bình không? Tôi thưa có gần hai chục người. Đại tướng khen khá lắm, rồi tươi cười bắt tay tôi, bảo: Anh đi gọi mấy nhà văn Quảng Bình đến đây chụp ảnh kỷ niệm, mình lâu quá chưa về thăm quê, nhớ lắm…

Đại tướng chụp ảnh kỷ niệm với đoàn nhà văn Quảng Bình, năm 1995.

Tác giả (ngồi ngoài cùng, bên phải) đọc thơ cho Đại tướng nghe. Ảnh: Trà Phương

 

Hồi đó chưa có điện thoại di động. Tôi vù chạy đi khắp Hội trường Ba Đình, từ gác dưới lên gác trên, ra cả chỗ căng-tin sau hội trường, chỉ tìm được mấy người: Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Khắc Phê, Trần Công Tấn…

Khoảng 10 phút sau, tôi và mọi người mới đến, Đại tướng vẫn đứng chờ, nét mặt tươi cười hồn hậu. Mọi người vây quanh Đại tướng chụp ảnh. Đại tướng kéo tôi đến đứng bên phải Người. Có lẽ ông ưu ái tôi là người gặp đầu tiên, người có công đi tìm mọi người, hay Đại tướng thấy tôi trẻ hơn cả nên thương? Bức ảnh do nhà thơ Trần Phương Trà, người Huế, chụp rất đẹp. Trong ảnh còn có thêm nhà văn Đỗ Kim Cuông, nhà thơ Trương Nam Hương “đứng ghé”. Sau đại hội, anh Trần Phương Trà phóng to gửi cho mỗi người một bản. Đó là bức ảnh các nhà văn đồng hương đứng cạnh Đại tướng mà tôi thường xuyên treo ở bàn viết, ngay trước mặt mình suốt mấy chục năm qua. 

Lần thứ hai, tôi được tới thăm nhà Đại tướng ở 30 phố Hoàng Diệu-Hà Nội. Đó là vào dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII, tháng 4-2005. Lúc này, Đại tướng đã 94 tuổi, nên anh em nhà văn người Quảng Bình ở khắp cả nước về dự đại hội rủ nhau phải xin phép đến thăm gia đình Đại tướng. Cuối cùng chúng tôi nhận được thông báo: Gia đình Đại tướng sẽ tiếp chúng tôi tại phòng khách riêng của gia đình lúc 16 giờ.

Đại hội Nhà văn đến gần 15 giờ rưỡi vẫn chưa bế mạc. Mọi người còn háo hức nghe kết quả bầu cử Ban chấp hành, Chủ tịch Hội… nên chúng tôi quyết định “chuồn”. Rất tiếc là trong đại hội có 4 nhà văn nữ quê Quảng Bình là: Lâm Thị Mỹ Dạ, Lý Hoài Thu, Lê Thị Mây và Phi Tuyết Ba, hôm trước các chị cũng sốt sắng với kế họach đi thăm nhà Đại tướng lắm, nhưng đến giờ đi, các chị ngồi ở đâu trong hội trường đông đúc, không ai tìm được nên đành chịu.

Cuối xuân, con đường Hoàng Diệu rất yên tĩnh với những hàng cây cổ thụ cao lớn, xum xuê râm mát. Xe dừng lại trước chiếc cổng sắt số nhà 30. Một người lính trẻ ra mở cửa. Một người lính dắt chúng tôi lên phòng khách. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân-Giáo sư Sử học Đặng Bích Hà và trưởng nữ Võ Hồng Anh từ phòng trong ra đón chúng tôi. Tôi nhìn Đại tướng như một người Anh Cả, một người Cha, một ông Tiên, một nhà văn hóa lớn. Nét mặt Đại tướng vẫn hồng hào, mắt sáng, nhanh nhẹn, giọng nói vẫn vang ấm.

Nhà văn Hữu Phương, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Bình đứng lên: Kính thưa bác Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân, đoàn nhà văn quê Quảng Bình chúng cháu... Đại tướng giơ tay ngắt lời: Cứ nói là Đại tướng và cô Hà là được rồi, phải nói là chúng tôi, chứ đừng xưng chúng cháu! Hữu Phương lấy lại bình tĩnh, đọc tiếp bài “diễn văn” đã chuẩn bị sẵn trong đầu và thay mặt anh em tặng Đại tướng một bó hoa tươi thắm, rồi giới thiệu từng nhà văn với Đại tướng và phu nhân. Đại tướng tươi cười hỏi, giọng Lê Thủy “đặc sệt”: “Sao không thấy o nữ nhà văn Quảng Bình mô cả?”. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật thưa: Có nhiều nữ nhà văn quê Quảng Bình dự đại hội lắm, nhưng họ ngồi họp giữa hội trường, bọn em không gọi được ạ! Rồi Đại tướng hỏi chuyện Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII có dân chủ không? Tình hình văn nghệ tỉnh nhà như thế nào? Đại tướng chăm chú lắng nghe, rồi dặn: Phải đoàn kết, không đoàn kết thì không làm gì được hết. Quê hương mình nghèo, thời tiết khắc nghiệt, phải biết đoàn kết mới làm nên nghiệp lớn… Cô Hà bưng ra một hộp kẹo sô-cô-la. Đại tướng mời mọi người ăn kẹo. Thấy lâu không ai ăn, Đại tướng tự tay cầm lên một viên, rồi giục một cách rất chân tình: Ăn đi chứ! Thế là mọi người vui vẻ ăn kẹo.

Đột nhiên, Đại tướng bảo: Ở đây ai làm thơ, đọc một bài cho mọi người nghe thơ Quảng Bình ta như thế nào? Nhưng nhớ đọc bài ngăn ngắn thôi đấy nhé! Hữu Phương mau miệng: Thưa Đại tướng, nhà thơ Ngô Minh, người Lệ Thủy làm thơ hay lắm ạ! Tôi đứng lên: Thưa Đại tướng và cô Hà, tôi quê ở Ngư Thủy, nơi có Đại đội pháo binh nữ anh hùng, tôi xin đọc bài thơ Đứa con của cát viết về vùng cát anh hùng ấy. Đại tướng giục: Hay lắm, đọc đi! Tôi đọc: Giọt mồ hôi thấm mặn những đêm sâu/ Mạ cùng xóm làng trồng rừng chống cát/ Mạ cùng xóm làng đào hầm chống giặc/ Bếp lửa mạ nhen thành ngọn hải đăng… Tôi đọc xong bài thơ, Đại tướng là người vỗ tay tán thưởng đầu tiên. Trong đời làm thơ của tôi, bữa đọc thơ tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là xúc động nhất, ấn tượng nhất. Tôi không ngờ một người lính quèn, quân hàm cao nhất là “thượng sĩ nhất” Quân Giải phóng như tôi, lại có lúc được ngồi trước Đại tướng Tổng Tư lệnh, đọc thơ cho Người nghe…

NGÔ MINH